(HNM) - Mục tiêu của công tác kiểm tra, giám sát là góp phần nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ trí tuệ, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; bảo vệ và giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, ngăn ngừa và hạn chế đảng viên vi phạm Điều lệ Đảng, các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng.
Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ TP Hà Nội nhiệm kỳ 2015-2020 cũng xác định việc phải làm thời gian tới là tiếp tục đổi mới, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ thực sự trong sạch, vững mạnh. Trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát; phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Thực tế cho thấy, công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp trên địa bàn Hà Nội đã góp phần giúp các tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên phát huy ưu điểm, khắc phục những hạn chế, ngăn ngừa sai phạm. Qua kiểm tra, giám sát đã phát hiện nhiều sơ hở, bất cập trong quản lý kinh tế - xã hội mà người thực thi công vụ lợi dụng để trục lợi, gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, lợi ích chính đáng của người dân; phát hiện những cơ chế, chính sách không phù hợp với thực tế để từ đó làm cơ sở kiến nghị với các cơ quan chức năng sửa đổi, bổ sung, từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách.
Tuy nhiên, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng vẫn còn những hạn chế, yếu kém như: Nhận thức của một số cấp ủy, tổ chức Đảng, đảng viên về vị trí, vai trò công tác kiểm tra, giám sát của Đảng chưa đầy đủ. Việc thực hiện một số nhiệm vụ, quy định mới còn lúng túng, hiệu quả chưa cao như thực hiện chất vấn trong Đảng, thực hiện chức năng giám sát của Đảng… Ủy ban Kiểm tra và cán bộ kiểm tra một số nơi chưa đủ mạnh, chưa ngang tầm với nhiệm vụ, chưa bám sát cơ sở, địa bàn, lĩnh vực…
Để khắc phục những hạn chế trên, công tác kiểm tra, giám sát Đảng năm 2017 và những năm tới cần bám sát tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Trong đó phải xác định rõ: Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức của Đảng; cán bộ, đảng viên vi phạm phải có hình thức xử lý kịp thời, chính xác, bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng...
Dưới ánh sáng của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), những việc cần đẩy mạnh thực hiện trong thời gian tới là: Các cấp ủy đảng và ủy ban kiểm tra các cấp phải quán triệt sâu sắc nội dung Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố. Từ đó người đứng đầu cấp ủy, cán bộ chủ chốt ở mỗi cấp phải thực sự gương mẫu thực hiện để làm gương cho cấp dưới. Trong tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát phải với tinh thần kiên quyết, kiên trì, thực sự dân chủ. Khi nhận xét, đánh giá, kết luận, xem xét xử lý tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên vi phạm phải thận trọng, khách quan, công minh, chính xác, thấu tình đạt lý... Ngoài ra, trong kiểm tra, giám sát phải tuyệt đối tránh bệnh hình thức, kiểu “đầu voi, đuôi chuột” hoặc thái độ cực đoan, quá khích. Đặc biệt, cần chú ý tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình chuẩn bị, thực hiện và xử lý kết quả tự phê bình và phê bình.
Từ nay đến năm 2020, tình hình trong nước và ở Thủ đô dự báo sẽ có nhiều biến động phức tạp, khó lường. Do đó việc kiểm tra, giám sát trong Đảng phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; đồng thời cũng góp phần xây dựng chính quyền của dân, do dân và vì dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.