Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dạy nghề cho lao động nông thôn: Phải bám sát nhu cầu thực tế

Minh Ngọc| 24/12/2017 07:29

(HNM) - Cuối năm 2017, hoạt động dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn TP Hà Nội diễn ra sôi động. Năm 2018, các địa phương kiên trì mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo nghề; triển khai dạy nghề bám sát với nhu cầu thực tế và giải quyết việc làm tại chỗ.

Chị Phan Thị Chung, thôn Phú Đa, xã Đức Thượng (huyện Hoài Đức) có việc làm ổn định sau khi được hỗ trợ học nghề nấu ăn.


Cuộc sống thay đổi sau khi được học nghề

Mặc dù còn những khó khăn, hạn chế nhất định nhưng không thể phủ nhận là công tác dạy nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27-11-2009 (Quyết định 1956) được triển khai rộng rãi trên địa bàn TP Hà Nội giúp cho nhiều người, nhiều gia đình có cuộc sống ổn định, phát triển. Chị Ninh Thị Huyền, trú tại thôn Phú Đa, xã Đức Thượng (huyện Hoài Đức) cho biết, từ khi học nghề nấu ăn, khả năng chế biến món ăn của chị có sự tiến bộ rõ rệt, thực khách đến hàng ăn của gia đình chị ngày càng đông. “Nhờ lượng khách đông, thu nhập của gia đình tôi tăng lên đáng kể. Mặc dù không còn đất canh tác, chúng tôi vẫn đủ khả năng nuôi 3 con học hành đến nơi, đến chốn”, chị Ninh Thị Huyền tâm sự.

Cũng ở thôn Phú Đa, chị Phan Thị Chung, Ngô Thị Thung, Quán Thị Chung… được nhận vào nấu ăn tại Trường Tiểu học xã Đức Thượng sau khi hoàn thành khóa học nghề nấu ăn vào năm 2016. Công việc ổn định, lại được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, các chị cảm thấy hài lòng với công việc cũng như cuộc sống.

Ông Nguyễn Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức cho biết, sau thu hồi đất, đa số người dân trong độ tuổi lao động có nhu cầu học nghề, chuyển đổi việc làm. Nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, từ năm 2011 đến nay, huyện Hoài Đức mở 120 lớp dạy nghề cho gần 4.000 lao động. Sau học nghề, 85% học viên tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm với mức thu nhập từ 3,5 triệu đồng/người/tháng trở lên.

“Không những giúp người dân ổn định cuộc sống, nâng cao thu nhập, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn góp phần thúc đẩy cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng hợp lý, giảm số người thất nghiệp, giảm tình trạng người lao động ra trung tâm thành phố hoặc tới những nơi khác tìm kiếm việc làm”, ông Nguyễn Anh khẳng định.

Tương tự huyện Hoài Đức, trung bình mỗi năm, huyện Thường Tín, Thạch Thất, Mê Linh, Sóc Sơn… tổ chức dạy nghề cho hơn 1.000 lao động. Tính chung, từ năm 2012 đến nay, TP Hà Nội có hơn 135.000 lao động qua đào tạo nghề tìm được việc làm hoặc tạo ra năng suất lao động, hiệu quả kinh tế cao hơn do ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.

Trên cơ sở những kết quả đạt được, sau khi UBND TP Hà Nội phê duyệt định mức chi phí đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn thành phố tại Quyết định 7499/QĐ-UBND ngày 27-10, các địa phương ráo riết triển khai dạy nghề cho hơn 23 nghìn lao động theo nhiệm vụ được giao. Kế hoạch dạy nghề cho lao động nông thôn năm 2018 cũng đã được các địa phương khảo sát, xây dựng.

Nâng cao chất lượng đào tạo

Mục tiêu xuyên suốt trong hoạt động dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn TP Hà Nội là gắn công tác đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, quy hoạch phát triển sản xuất vùng chuyên canh, vùng sản xuất hàng hóa tập trung, vùng có dự án hỗ trợ sản xuất thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, kết quả khảo sát thực tế cho thấy, một số địa phương có nhiều lao động tham gia học nghề nhưng có ít doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn nên công tác phối hợp trong quá trình đào tạo gặp nhiều khó khăn. Nhiều lao động sau khi học nghề khó tìm kiếm cơ hội việc làm tại doanh nghiệp.

Vấn đề đáng quan tâm khác là trang thiết bị dạy nghề cho lao động nông thôn còn thiếu và yếu. Chương trình đào tạo nghề chưa có sự thống nhất, gây khó khăn cho người học và ảnh hưởng đến kết quả “đầu ra”. Không ít người học theo phong trào nên tay nghề không đáp ứng được yêu cầu công việc. Một số ngành, nghề không phù hợp với hình thức đào tạo ngắn hạn, khó ứng dụng…

Để khắc phục những bất cập kể trên, ngoài nguồn kinh phí hỗ trợ theo quy định, ông Nguyễn Anh đề nghị các sở, ngành chức năng xây dựng cơ chế linh hoạt, tạo điều kiện cho các địa phương chủ động bố trí, sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề. Bởi, trên thực tế, một số địa phương có thể bố trí kinh phí nhưng không có căn cứ để chi.

Ông Trần Ngọc Nghìn, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Mỹ Đức mong muốn Nhà nước có chính sách khuyến khích, thu hút doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề nói chung, đào tạo nghề cho lao động nông thôn nói riêng và tuyển dụng lao động sau học nghề; bổ sung nguồn vốn vay để giải quyết việc làm thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, giúp lao động sau học nghề có thể tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Ngoài ra, việc đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề, thống nhất nội dung, chương trình dạy nghề ở các cơ sở đào tạo nghề cũng cần được tính đến.

Về vấn đề nói trên, bà Nguyễn Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho biết, TP Hà Nội đã và đang đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn cho hàng trăm giáo viên tại các cơ sở dạy nghề; đầu tư hàng tỷ đồng nâng cấp Trung tâm Dạy nghề huyện Thạch Thất, Sóc Sơn, Gia Lâm và Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Đan Phượng… Sau khi có danh mục đào tạo nghề, các cơ quan chức năng đã phối hợp biên soạn chương trình đào tạo thống nhất đối với từng loại nghề để áp dụng rộng rãi trên toàn thành phố.

Trong quá trình triển khai hoạt động dạy nghề, Sở LĐ-TB&XH sẽ phối hợp với các địa phương thực hiện tốt công tác điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động để làm căn cứ xây dựng chỉ tiêu và tổ chức dạy nghề đúng đối tượng. Mô hình dạy nghề gắn với nhu cầu của thị trường, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội, đáp ứng nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nghề, lĩnh vực, hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững sẽ được nhân rộng, phát huy...

Có thể thấy, hướng đi mới trong công tác dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn Hà Nội hứa hẹn mang lại hiệu quả cao hơn cho người học và cho xã hội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Dạy nghề cho lao động nông thôn: Phải bám sát nhu cầu thực tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.