(HNM) - Nhằm hoàn thành một trong những chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng điểm của năm 2022 là tuyển sinh và đào tạo nghề cho 224.500 lượt người, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội xác định cần tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục nghề nghiệp, thúc đẩy công tác tuyển sinh đạt kết quả cao. Trong đó, nhiệm vụ tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp học sinh, sinh viên có vai trò đặc biệt quan trọng.
Chọn ngành nghề phù hợp
Mục tiêu chung của giáo dục nghề nghiệp là nhằm đào tạo nhân lực trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, có năng lực hành nghề tương ứng với trình độ đào tạo; có khả năng sáng tạo, thích ứng với môi trường làm việc trong bối cảnh hội nhập quốc tế; bảo đảm nâng cao năng suất, chất lượng lao động; tạo điều kiện cho người học sau khi hoàn thành khóa học có khả năng tìm được việc làm, tự tạo việc làm hoặc học lên trình độ cao hơn... Để phát huy tối đa khả năng của mỗi người, việc chọn ngành nghề phù hợp là hết sức quan trọng, thiết thực.
Trưởng phòng Kỹ năng, Trung tâm Dịch vụ việc làm và hỗ trợ thanh thiếu niên Hà Nội Lê Anh Tuấn chia sẻ: “Các em học sinh cần cố gắng chọn ngành nghề phù hợp, dựa trên 3 yếu tố: Phù hợp hoàn cảnh gia đình; phù hợp năng lực bản thân; phù hợp nhu cầu xã hội. Một khi nắm rõ thế mạnh bản thân, lựa chọn ngành nghề phù hợp, nắm rõ thông tin thị trường lao động, lợi thế của các ngành nghề, các em nên chọn học trung cấp nghề, sẽ được hưởng nhiều ưu đãi, thậm chí được miễn phí học nghề, sau này vừa sớm tìm được việc làm, vừa có cơ hội học lên trình độ cao hơn”.
Khẳng định nên phân luồng giáo dục ngay từ những năm cuối cấp trung học cơ sở, sớm định hướng học nghề để tiết kiệm thời gian, chi phí và có cơ hội việc làm cao, ông Lê Anh Tuấn phân tích thêm: “Cần thay đổi nhận thức về giáo dục hướng nghiệp để có sự chuẩn bị tốt nhất. Không nên đợi đến hết trung học phổ thông mới hướng nghiệp, bởi như thế là quá muộn. Bản thân tôi từng dự khai giảng ở một trường cao đẳng nghề trên địa bàn Hà Nội, cơ sở không quá hiện đại, nhưng có tới 23 doanh nghiệp Nhật Bản sang dự, tổ chức ký kết, trao học bổng cho sinh viên, cam kết khi các em hoàn thành tốt khóa học nghề sẽ được tuyển dụng tại Nhật Bản, được hoàn trả 3 năm học phí mà các em đã đóng cho nhà trường…”.
Nhiều chính sách hỗ trợ
Thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho thấy, trong 8 tháng năm 2022, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp toàn thành phố tuyển sinh và đào tạo cho 158.358 lượt người (trình độ cao đẳng 13.115 người; trung cấp 17.639 người; sơ cấp và dưới 3 tháng 127.604 người), đạt 70,54% kế hoạch tuyển sinh năm 2022, tăng 140% so với cùng kỳ năm 2021. Có 131.104 học sinh, sinh viên, học viên tốt nghiệp (9.016 người trình độ cao đẳng, 15.849 người trình độ trung cấp, 106.239 người trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng), góp phần cung cấp nguồn lao động đã qua đào tạo cho thị trường lao động.
Theo Phó Trưởng phòng Dạy nghề (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) Lê Thu Trà, một số chính sách ưu đãi về học phí đã và đang được áp dụng nhằm khuyến khích học sinh học nghề, góp phần bảo đảm cung cấp nhân lực có chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Cụ thể: Người tốt nghiệp trung học cơ sở học tiếp lên trình độ trung cấp; người học các trình độ trung cấp, cao đẳng đối với các ngành, nghề khó tuyển sinh; người học các ngành, nghề chuyên môn đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp… được miễn học phí. Cùng với đó, miễn học phí đối với người mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa học các trình độ trung cấp, cao đẳng theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp; học sinh, sinh viên hệ cử tuyển…
Trong khi đó, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề tổng hợp Hà Nội Khuất Duy Bằng cho biết, ngay từ năm thứ hai, hầu hết học sinh của trường đã có việc làm. Những học sinh “chậm chân” hơn thì cứ ra trường sẽ có giấy giới thiệu việc làm miễn phí, hưởng mức lương từ 8 đến 10 triệu đồng.
Còn Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội Trịnh Thị Thu Hà cho rằng, để có cơ hội việc làm, học sinh học nghề phải nắm bắt chính xác nhu cầu thị trường lao động, tính chuyên môn hóa cao, kỹ năng thao tác chuyên biệt trong từng nhiệm vụ; có khả năng thay đổi, thích ứng nhanh, cập nhật kiến thức nghề nghiệp; có thái độ nghề nghiệp tích cực, nắm chắc kỹ năng mềm, có năng lực triển khai công việc.
Có thể thấy, làm tốt công tác tư vấn, hướng nghiệp sẽ góp phần đẩy mạnh đào tạo nghề nghiệp cho người lao động tham gia thị trường việc làm, nhất là các ngành nghề khoa học - kỹ thuật - công nghệ, các chuyên ngành mới trong chuyển đổi số, như: Trí tuệ nhân tạo (AI), khoa học dữ liệu, dữ liệu lớn, chuỗi khối… Để làm tốt việc này, cần tổ chức thực hiện các giải pháp phù hợp trong phân luồng học sinh, sinh viên, hướng tới phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao và cơ cấu phù hợp với nhu cầu của nền kinh tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.