Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dấu ấn ngọt ngào

Hoàng Vũ| 25/01/2020 08:16

(HNMCT) - Năm Kỷ Hợi 2019 khép lại với dấu ấn đậm nét về thành tích mà các vận động viên Hà Nội đạt được trong thành phần Đoàn Thể thao Việt Nam thi đấu tại SEA Games 30. Trong bức tranh tổng thể khởi sắc, đóng góp của các cầu thủ bóng đá Hà Nội là điểm nhấn nổi bật, giàu cảm xúc, như lời khẳng định truyền thống bóng đá Hà Nội với ý nghĩa tạo cảm hứng cho thành công trong tương lai.

Từ trên xuống, trái sang phải: Cầu thủ Đỗ Hùng Dũng, VĐV Lộc Thị Đào, VĐV Đinh Phương Thành.

1. SEA Games 30 - năm 2019 tại Philippines khép lại thật ngọt ngào với các vận động viên Hà Nội. Họ đã góp phần quan trọng vào thành tích chung của Đoàn Thể thao Việt Nam khi giành được tổng cộng 86 huy chương, bao gồm 34 Huy chương Vàng, 27 Huy chương Bạc và 25 Huy chương Đồng. Đáng kể như Đinh Phương Thành (thể dục dụng cụ) giành 2 Huy chương Vàng ở nội dung xà đơn và xà kép. Lộc Thị Đào (bắn cung) góp phần mang về 1 tấm Huy chương Vàng ở nội dung đồng đội, 1 Huy chương Vàng đôi nam - nữ và 1 Huy chương Vàng cá nhân (tất cả đều ở nội dung cung 1 dây).

Đô cử Vương Thị Huyền giành “vàng” ở nội dung 45kg nữ ở môn cử tạ. Kiếm thủ Vũ Thành An có được 1 Huy chương Vàng cá nhân và 1 Huy chương Vàng đồng đội ở nội dung kiếm chém nam. Phạm Thị Thu Trang giành Huy chương Vàng ở nội dung đi bộ 10km nữ. Nguyễn Thị Oanh và Nguyễn Thị Hằng lần lượt góp công giành Huy chương Vàng ở nội dung chạy tiếp sức 4x400m nữ và 4x400m hỗn hợp nam - nữ... Đó là những thành tích mang tính nổi bật, thể hiện đường lối phát triển thể thao thành tích cao đúng đắn của Thủ đô khi hướng mạnh vào những bộ môn có trong chương trình thi đấu Olympic. Và, như đánh giá của ông Trần Đức Phấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao, Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 30 trong buổi gặp mặt, biểu dương thành tích xuất sắc của các huấn luyện viên, vận động viên Thủ đô, do UBND thành phố Hà Nội tổ chức vào chiều 17-12-2019, thành tích mà các vận động viên giành được tại Philippines góp phần khẳng định vị thế hàng đầu của Thể thao Thủ đô.

Sẽ là thiếu thuyết phục nếu đánh giá một năm thành công của Thể thao Hà Nội mà không dành cho bóng đá vị trí trang trọng. Hà Nội có Phạm Hải Yến, Thái Thị Thảo, Hoàng Thị Loan, Nguyễn Thị Xuyến, Vũ Thị Nhung nằm trong thành phần đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam giành Huy chương Vàng SEA Games 30, trong đó Phạm Hải Yến là người ghi bàn thắng duy nhất ở trận chung kết. Bóng đá Thủ đô có Nguyễn Quang Hải, Đỗ Hùng Dũng, Nguyễn Thành Chung, Trương Văn Thái Quý và có thể kể thêm Đoàn Văn Hậu trong danh sách đội tuyển bóng đá nam U22 giành tấm Huy chương Vàng SEA Games lịch sử sau hơn nửa thế kỷ chờ đợi. Và vinh dự thay, Đoàn Văn Hậu, Đỗ Hùng Dũng là những người đã ghi cả 3 bàn thắng trong trận chung kết.

Năm 2019, lá cờ đầu của bóng đá Hà Nội là Câu lạc bộ Hà Nội FC đã giành chức vô địch V.League, Cúp quốc gia, lọt vào tới trận chung kết liên khu vực AFC Cúp... Những Duy Mạnh, Đình Trọng, Hùng Dũng, Thành Chung, Quang Hải, Đức Huy và kể cả Văn Hậu (đã chuyển sang câu lạc bộ Heerenveen của Hà Lan) là trụ cột của đội tuyển quốc gia từ khá lâu dù nhiều người trong số họ còn rất trẻ.

2. Khi theo dõi hành trình thi đấu giàu cảm xúc của các cầu thủ bóng đá Hà Nội, sự trưởng thành của Hà Nội FC và nghĩ về những trận đấu trước thềm xuân Canh Tý 2020 trong khuôn khổ vòng chung kết Giải Bóng đá U23 châu Á mà rất nhiều người trong số họ sẽ ra sân trong đội hình chính, có điều gì đó gợi nhớ về bóng đá Hà Nội thuở trước. Có một mối liên hệ nào đó giữa lứa cầu thủ tài năng hiện nay với các danh thủ lớp trước, trên hết là nét tài hoa và nguồn cảm hứng mà họ mang lại cho khán giả.

Truyền thống vẻ vang là có thật, không chỉ là bóng đá Thủ đô chưa khi nào vắng bóng tài năng, mà còn thể hiện ở chỗ Hà Nội là nơi hội tụ của các danh thủ bóng đá, nơi kết tinh và là bệ phóng lan tỏa giá trị của những nhân vật hàng đầu. Những năm sáu mươi của thế kỷ trước cho đến đầu thế kỷ XXI là Nguyễn Trọng Giáp, Trần Văn Khánh, Vũ Mạnh Hải, Nguyễn Thế Anh, Phan Văn Mỵ, Nguyễn Cao Cường, Quản Trọng Hùng, Nguyễn Hồng Sơn, Vũ Như Thành, Trương Việt Hoàng... (Thể Công), Từ Như Hiển, Nguyễn Ngọc Điệp, Lê Văn Đặng, Vũ Minh Hiếu, Nguyễn Tuấn Thành... (Công an Hà Nội), Lê Thụy Hải, Mai Đức Chung, Lê Khắc Chính (Tổng cục Đường sắt)... Thể Công là đội bóng quân đội đóng trên địa bàn Thủ đô, có những danh thủ người Hà Nội trong đội hình, được người hâm mộ bóng đá Hà Nội coi như đội bóng “của mình”. Nhưng Thể Công cũng như các đội bóng khác gồm Công an Hà Nội, Quân khu Thủ đô, Xây dựng Hà Nội..., nhiều cầu thủ trong đội là người nơi khác (thậm chí là từ nước ngoài) về Hà Nội chơi bóng rồi tỏa sáng như Từ Như Hiển, Nguyễn Trọng Giáp, Phan Văn Mỵ, Trương Việt Hoàng, Vũ Như Thành...

Bây giờ, nhìn vào những anh tài đang đóng góp cho thành công của bóng đá Hà Nội, từ hai câu lạc bộ đang lấy sân vận động tại Thủ đô làm “nhà” là Hà Nội FC và Viettel, có cảm nhận lịch sử chưa xa đang trở lại. Bóng dáng của những trận đấu “kinh điển” giữa Công an Hà Nội và Thể Công ngày nào ẩn hiện qua cặp đấu Hà Nội FC - Viettel hiện tại. Đội bóng của quân đội hiện sở hữu lứa cầu thủ ấn tượng như Quế Ngọc Hải, Nguyễn Trọng Hoàng, Bùi Tiến Dũng, Nguyễn Đức Chiến, Nguyễn Hoàng Đức, Nguyễn Trọng Đại, Nhâm Mạnh Dũng. Hà Nội FC có phần “ghê gớm hơn”, nổi bật với Phạm Thành Lương, Nguyễn Văn Quyết, Đỗ Hùng Dũng, Phạm Đức Huy, Nguyễn Quang Hải, Đỗ Duy Mạnh, Trần Đình Trọng, Nguyễn Thành Chung. Phần lớn trong số này là trụ cột không thể thiếu của đội tuyển quốc gia cũng như các đội tuyển U22, U23 Việt Nam. Họ có thể là người Hà Nội hoặc từ nơi khác tới, nhưng cũng như thế hệ đi trước, họ đang trưởng thành trên mảnh đất ngàn năm văn hiến, góp phần tô điểm cho truyền thống bóng đá Thủ đô.

Những tài năng thuộc thế hệ 8x, 9x nói trên đang góp phần đưa người hâm mộ Hà Nội quay trở lại với bóng đá, góp phần nâng tầm vị thế bóng đá Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế như những gì mà những danh thủ lớp trước như Ba Đẻn (Nguyễn Thế Anh), Hiển “coóc” (Từ Như Hiển), Hùng “xồm” (Trần Hùng), Phúc “vổ” (Lê Văn Phúc), Trần Văn Khánh... đã làm được khi đối đầu với các đội bóng nước ngoài. Nguyễn Quang Hải đã khiến cả châu Á phải nói về bóng đá Việt Nam và nói về mình với pha đá phạt vẽ nên “cầu vồng trên tuyết” - được Liên đoàn Bóng đá châu Á chọn là bàn thắng mang tính biểu tượng trong lịch sử Giải Bóng đá U23 châu Á. Tuyển thủ quốc gia sinh năm 1997 này là mục tiêu chuyển nhượng của nhiều câu lạc bộ ở châu Á, thậm chí là Tây Ban Nha... Đoàn Văn Hậu, “cậu út” của Hà Nội FC ngày nào giờ đã có mặt ở Hà Lan, được câu lạc bộ Heerenveen tôn vinh bằng nhiều hình thức sau khi góp công lớn cho đội tuyển U22 Việt Nam giành tấm Huy chương Vàng SEA Games 30, được hàng nghìn cổ động viên người Hà Lan đồng loạt gọi tên khi anh vào sân trong trận đấu thuộc khuôn khổ Cúp quốc gia Hà Lan vào rạng sáng ngày 18-12-2019 (giờ Việt Nam).

Thể thao Hà Nội đã kết lại năm Kỷ Hợi bằng thành tích đáng ghi nhận. Thành công hứa hẹn nối dài qua năm Canh Tý 2020, khi các tài năng trẻ của bóng đá Thủ đô bước vào thi đấu tại Thái Lan, trong khuôn khổ vòng chung kết Giải Bóng đá U23 châu Á với hy vọng cùng đội tuyển U23 Việt Nam giành tấm vé dự Olympic Tokyo 2020. Với những tài năng thể thao hiện có, hệ thống đào tạo trẻ hoạt động bài bản và định hướng phát triển đúng đắn, năm 2020 sẽ là một năm đáng chờ đợi của Thể thao Hà Nội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Dấu ấn ngọt ngào

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.