Thể thao

Thể thao Hà Nội sau ASIAD 19: Nỗ lực giữ vị thế hàng đầu

Ngân Hà 15/10/2023 - 07:35

Trong 2 sự kiện thể thao quan trọng nhất đối với thể thao Việt Nam từ đầu năm 2023 đến nay là Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 32 (SEA Games 32) và gần đây nhất là Đại hội Thể thao châu Á lần thứ 19 (ASIAD 19), thể thao Hà Nội đều đóng góp ở mức cao nhất vào thành tích chung. Qua đó, Hà Nội khẳng định vị thế hàng đầu về thể thao thành tích cao của cả nước.

the-thao.jpg
Vận động viên Lưu Thị Thu Uyên (phải) của thể thao Hà Nội trong thành phần đội karate Việt Nam thi đấu tại ASIAD 19. Ảnh: Quý Lượng

Thêm cột mốc mới

Tại ASIAD 19, trong thành tích chung của Đoàn thể thao Việt Nam là 3 Huy chương vàng, 5 Huy chương bạc, 19 Huy chương đồng, các vận động viên Hà Nội đóng góp 2 Huy chương vàng (nội dung đồng đội nữ biểu diễn quyền môn karate, đồng đội nữ 4 người môn cầu mây), 3 Huy chương bạc, 7 Huy chương đồng. Thể thao Hà Nội có lần thứ ba liên tiếp đóng góp Huy chương vàng cho thể thao Việt Nam ở ASIAD từ năm 2014 đến nay. Đây là cột mốc mới của thể thao Hà Nội.

Trước đó, ở ASIAD 17 năm 2014, võ sĩ Dương Thúy Vi (môn wushu) trở thành vận động viên đầu tiên của thể thao Hà Nội giành Huy chương vàng cá nhân tại ASIAD. Đến ASIAD 18 năm 2018, thể thao Hà Nội tiếp tục đóng góp vận động viên trên bảng vàng là Bùi Thị Thu Thảo (nhảy xa, điền kinh).

Dấu ấn khác của thể thao Hà Nội từ đầu năm 2023 đến nay là đóng góp 40 Huy chương vàng, 27 Huy chương bạc, 32 Huy chương đồng vào thành tích chung của Đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games (trong tổng số 136 Huy chương vàng, 105 Huy chương bạc, 118 Huy chương đồng). Ngoài ra, nữ võ sĩ Nguyễn Thị Tâm giành Huy chương bạc hạng 50kg tại Giải vô địch boxing nữ thế giới năm 2023. Đây là Huy chương bạc đầu tiên của boxing Việt Nam ở sân chơi này...

Trong khi đó, huấn luyện viên Nguyễn Hoàng Ngân ở môn karate, vận động viên bóng đá nữ Phạm Hải Yến thuộc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao Hà Nội (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) vừa được vinh danh là “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2023. Đây cũng là niềm tự hào của những người làm thể thao, là sự ghi nhận của thành phố với đóng góp của ngành Thể thao trong việc xây dựng Thủ đô.

Dừng lại là tụt hậu

Thực tế phát triển thể thao thành tích cao của cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng cũng còn nhiều khó khăn về kinh phí; cơ chế để tập huấn, thi đấu quốc tế; chế độ dinh dưỡng chuyên biệt; trang thiết bị tập luyện… Trong khó khăn chung, thể thao Hà Nội vẫn giữ được thành tích.

Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao Hà Nội Đào Quốc Thắng cho rằng, điều này bắt nguồn từ sự quan tâm, quá trình đầu tư bài bản, bền bỉ, chuyên nghiệp theo định hướng xuyên suốt trong nhiều năm qua của Thành ủy, HĐND và UBND thành phố Hà Nội về phát triển thể thao Thủ đô; sự sát sao và hỗ trợ từ Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cũng như các cấp, ngành và các địa phương... Đương nhiên, cũng phải kể tới sự nỗ lực và quyết tâm không ngừng, sự tự trọng và đam mê của các huấn luyện viên, vận động viên; sự quan tâm, ủng hộ, tạo điều kiện hết mình của gia đình và người thân.

Bên cạnh đó, từ mối quan hệ quốc tế tốt với các liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc tế, thể thao Hà Nội chung tay với ngành Thể thao tổ chức được nhiều chuyến tập huấn nước ngoài chất lượng cao. Ví dụ rõ nhất là chuyến tập huấn tại Nhật Bản diễn ra trước ASIAD 19 của đội karate Việt Nam với sự tham gia của một số huấn luyện viên, vận động viên Hà Nội. Chuyến tập huấn này đã góp phần quan trọng giúp đội nữ biểu diễn quyền giành Huy chương vàng tại ASIAD 19.

Tuy vậy, ông Đào Quốc Thắng khẳng định: "Sau thành công vừa qua, thể thao thành tích cao Hà Nội cần tiến nhanh, tiến xa, với những mục tiêu cao hơn. Bởi dừng lại cũng có nghĩa là tụt hậu". Huấn luyện viên Nguyễn Hoàng Ngân - huấn luyện viên đội nữ biểu diễn quyền (môn karate) vô địch ASIAD 19, cũng cho rằng, thành công vừa qua là sức ép lành mạnh, khiến những người làm nghề phải nỗ lực nhiều hơn để có thể giữ đà ổn định thành tích trong thời gian tới.

Trong tương lai, thể thao Hà Nội sẽ cần thêm nhiều điều kiện để vươn xa hơn. Trong đó, các huấn luyện viên, vận động viên cần được tập huấn, thi đấu quốc tế nhiều hơn, bởi đây là xu thế phát triển thể thao thành tích cao hiện đại. Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc ăn, ở, luyện tập và thi đấu cũng cần được đầu tư mạnh hơn.

Một thông tin tích cực là tại kỳ họp thường lệ cuối năm 2023, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI cũng dự kiến xem xét về Quy định một số chế độ thu hút, đãi ngộ đặc thù đối với vận động viên, huấn luyện viên của thành phố Hà Nội đạt thành tích cao. Đây là điều được những người làm thể thao Hà Nội mong đợi để có thể giúp thể thao Hà Nội duy trì vị thế và vươn tới thành tích cao hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thể thao Hà Nội sau ASIAD 19: Nỗ lực giữ vị thế hàng đầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.