Thể thao

2024 - Năm bản lề của thể thao Hà Nội

Minh An 10/02/2024 - 13:29

Năm 2023 không có nhiều thuận lợi cho thể thao thành tích cao Hà Nội, dù vậy các vận động viên (VĐV) Hà Nội trong màu áo thể thao Thủ đô hay các đội tuyển quốc gia vẫn để lại dấu ấn đáng ghi nhận, tạo tiền đề hướng tới mục tiêu dài hạn mà năm 2024 được xác định mang ý nghĩa bản lề.

tt-1.jpg
Đội nữ cầu mây 4 người quốc gia với sự góp mặt của các VĐV Hà Nội giành HCV tại ASIAD 19 và SEA Games 32.

Điểm nhấn từ ASIAD 19 và SEA Games 32

Năm 2023, hai sự kiện quan trọng nhất của thể thao Việt Nam là SEA Games 32 và ASIAD 19.

Mức độ cạnh tranh tại SEA Games 32 (Campuchia) rất khốc liệt khi nhiều môn thế mạnh của Việt Nam như bắn súng, bắn cung, thể dục dụng cụ nữ không có trong chương trình thi đấu. Chưa kể Thái Lan cử tới 846 VĐV tham dự SEA Games 32 với mục đích giành ngôi Nhất toàn đoàn; chủ nhà Campuchia nhập tịch nhiều VĐV, đưa VĐV đi tập huấn dài hạn ở nước ngoài...

tt-2.jpg
Võ sĩ Lưu Diễm Quỳnh (Hà Nội, áo xanh) trong màu áo đội tuyển quốc gia thi đấu ở ASIAD 19.

Trong bối cảnh ấy, dù không còn coi SEA Games là sân chơi quan trọng nhất nhưng thể thao Việt Nam vẫn nỗ lực hoàn thành mục tiêu giành 89 - 120 Huy chương vàng (HCV). Kết quả, Đoàn Thể thao Việt Nam giành được 136 HCV, 105 HCB, 114 HCĐ. Trong thành tích chung đó, VĐV Hà Nội đóng góp 40 HCV, 27 HCB, 32 HCĐ - tiếp tục duy trì “nếp” đóng góp nhiều huy chương nhất cho thể thao Việt Nam tại mỗi kỳ SEA Games.

ASIAD 19 diễn ra sau đó hơn 5 tháng, mang đến thử thách khác cho thể thao Việt Nam. Tại ASIAD 18, thể thao Việt Nam giành được 5 HCV, trong đó có 2 HCV pencak silat, 1 HCV nội dung thuyền 4 nữ hạng nhẹ môn rowing. Bởi thế, việc pencak silat, nội dung thuyền 4 nữ hạng nhẹ không có trong chương trình thi đấu ASIAD 19 khiến chúng ta phải hạ chỉ tiêu - giành tối thiểu 2 HCV.

tt-4.jpg
Kiếm thủ Phạm Thị Thu Hoài (Hà Nội) trong màu áo đội tuyển quốc gia thi đấu ở SEA Games 32.

Trước thềm ASIAD 19, trong nhiều cuộc họp, các nhà quản lý thể thao thành tích cao Hà Nội luôn đặt ra vấn đề hỗ trợ VĐV Hà Nội ở các đội tuyển quốc gia. Một trong những cách giúp đỡ thiết thực là cùng Cục Thể dục thể thao đưa VĐV đi tập huấn nước ngoài. Rõ nhất là trường hợp đội tuyển quyền (Kata) nữ karate quốc gia với nòng cốt là các HLV, VĐV Hà Nội. Ít tháng trước khi ASIAD 19 khai mạc, nhờ nỗ lực của Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục thể thao Hà Nội và các bên liên quan, HLV Nguyễn Hoàng Ngân và đội tuyển Kata nữ có chuyến tập huấn tại Nhật Bản. Sau này, như HLV Nguyễn Hoàng Ngân kể lại, đó chính là bước đi quyết định về chuyên môn để đội tuyển giành tấm HCV lịch sử tại ASIAD 19.

tt-5.jpg
Võ sĩ Dương Thúy Vi (wushu) là điểm sáng của thể thao Hà Nội tại đấu trường ASIAD 19 và SEA Games 32.

Nỗ lực của thể thao Hà Nội đã mang lại hiệu quả lớn khi tại ASIAD 19, trong thành tích 3 HCV, 5 HCB và 19 HCĐ của Đoàn Thể thao Việt Nam, các VĐV Hà Nội đã góp phần quan trọng vào việc giành 2 HCV (gồm HCV nội dung Kata đồng đội nữ môn karate, HCV nội dung 4 người nữ môn cầu mây), 3 HCB và 7 HCĐ. Tại ASIAD 19, Hà Nội cũng là đơn vị đóng góp nhiều VĐV nhất với 94 VĐV, chiếm 28,97% số VĐV của Đoàn Thể thao Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên mà Cục trưởng Cục Thể dục thể thao Đặng Hà Việt nhận định rằng, thể thao Hà Nội đã đóng góp cho thể thao Việt Nam bằng những hành động thiết thực, hiệu quả, tiếp tục duy trì vị thế hàng đầu cả nước.

Ngoài hai sự kiện trên, năm 2023, VĐV Hà Nội cũng ghi dấu ấn đáng tự hào tại nhiều đấu trường quốc tế khác. Lực sĩ Lại Gia Thành xuất sắc mang về cho đội tuyển cử tạ Việt Nam 3 HCV tại Giải vô địch thế giới 2023; kỳ thủ Đầu Khương Duy vô địch cờ tiêu chuẩn lứa tuổi U12 tại Giải vô địch cờ vua các nhóm tuổi trẻ thế giới 2023, trở thành kỳ thủ Việt Nam thứ 9 đăng quang ở sân chơi trẻ cờ vua thế giới. Còn phải kể tới 2 tấm HCV nội dung Nam quyền nữ và Nam côn nữ tại Giải vô địch wushu thế giới của nữ võ sĩ Đặng Trần Phương Nhi... Và, nếu kể thêm những ngôi nhất toàn đoàn quốc gia ở các môn như boxing nữ, wushu, karate, cầu mây, đấu kiếm..., càng thấy rõ thể thao Hà Nội đã có một năm thành công.

tt-6.jpg
VĐV Nguyễn Thị Hằng (Hà Nội) đóng góp lớn trong những tấm HCV châu Á, HCV SEA Games 32 của đội 4x400m nữ Việt Nam.

Vượt ngưỡng để khẳng định vị thế

Số liệu trên tuy khô khan nhưng "biết nói", cho thấy vai trò, vị thế của thể thao Hà Nội vẫn được duy trì dù còn gặp nhiều khó khăn. Chúng ta còn thiếu cơ chế để VĐV có những chuyến tập huấn dài hạn; thiếu hệ thống phòng tập thể lực hay khu phục hồi sau tập luyện, thi đấu; hệ thống phòng ở của VĐV bị xuống cấp...

Trong hội nghị tổng kết kỳ tham dự ASIAD 19 của các VĐV Hà Nội trong thành phần Đoàn Thể thao Việt Nam, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết, thể thao Hà Nội sẽ chuẩn bị thật tốt về lực lượng VĐV, HLV để đóng góp cho đội tuyển quốc gia tham dự các giải đấu quốc tế. Thể thao Hà Nội sẽ chú trọng các môn trọng điểm có trong chương trình thi đấu ASIAD và Olympic, trước mắt ưu tiên đặc biệt cho việc giành vé trực tiếp tham dự Olympic Paris 2024 (Pháp).

tt-3.jpg
Đội Kata đồng đội nữ (karate) Việt Nam giành HCV tại ASIAD 19 với nòng cốt là HLV, VĐV Hà Nội.

2024 là năm bản lề để thể thao Hà Nội hướng đến các mục tiêu dài hạn. Khó khăn không ít, nhưng thuận lợi là rõ ràng khi HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết về Quy định một số chế độ thu hút, đãi ngộ đặc thù đối với VĐV, HLV đạt thành tích cao của thể thao Hà Nội, áp dụng từ năm 2024. Trong đó có nhiều chính sách vượt trội so với trước đây, đủ để VĐV, HLV yên tâm cống hiến, đồng thời thể thao Hà Nội có thể thu hút thêm VĐV, HLV tài năng từ nhiều nơi khác. Hệ thống phòng ở tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục thể thao Hà Nội cũng sẽ được cải tạo, giúp VĐV có môi trường sinh hoạt, hồi phục tốt hơn, từ đó yên tâm cống hiến cho thể thao Hà Nội.

Đó là những điều kiện thuận lợi để có thể tin rằng, thể thao Hà Nội sẽ có những bước đi vững chắc trong năm mới, qua đó tiếp tục giữ vững vị thế hàng đầu cả nước, đóng góp nhiều hơn cho thể thao Việt Nam trên các đấu trường quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
2024 - Năm bản lề của thể thao Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.