(HNM) - Tạm biệt những ngày hối hả. Tạm biệt năm Bính Thân. Nhân dân Thủ đô đón Tết, vui Xuân Đinh Dậu 2017 trong tiết trời ấm áp, dịu nhẹ tựa như thiếu nữ đang độ xuân thì. Đất trời và lòng người dạt dào sức sống mùa xuân.
1. Xuân chạm vào trái tim mỗi người khi những chiếc kim đồng hồ trên nóc tòa Bưu điện Hà Nội bên hồ Hoàn Kiếm “sum vầy” tại một điểm. Khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang chúc Tết đồng bào, chiến sĩ cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài. Khi tiếng chuông đền Ngọc Sơn ngân dài, vang xa; khi các gia đình thắp nén hương thơm, dâng lên ban thờ tổ tiên; thời khắc ấy, người với người như xích lại gần nhau, cảm nhận thật rõ, thật sâu khúc hoan ca của đất trời, của lòng người.
Phố Sách Xuân Đinh Dậu 2017 thu hút rất đông bạn trẻ tới tham quan, lựa chọn các đầu sách yêu thích. Ảnh: Nhật Nam |
Không hẹn mà gặp, người người đến Vườn hoa Lý Thái Tổ, Quảng trường Cách mạng Tháng Tám,... lắng nghe giai điệu mùa xuân. Mùng 1 Tết, Đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ về các vấn đề UNESCO, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Sanh Châu dẫn Đoàn đại sứ các nước thăm đình, đền, chùa trong khu phố cổ Hà Nội nhằm quảng bá Tết truyền thống của Việt Nam. Ông Phạm Sanh Châu cho biết, Tết ở mỗi quốc gia có nét đặc sắc riêng. Tết Nguyên đán ở Việt Nam có nhiều tầng ý nghĩa, trước hết là tính gắn kết cộng đồng, là dịp tri ân tổ tiên, thể hiện sự tôn trọng tình cảm gia đình, dòng họ. Suốt hành trình tham quan, Đại sứ các nước bày tỏ sự hứng khởi khi được tìm hiểu sâu về truyền thống văn hóa của người Việt.
Trong không gian đậm không khí Tết cổ truyền, tại Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ (50 Đào Duy Từ), bà Nguyễn Thị Phương, trú tại phố Nguyễn Khắc Cần (Hoàn Kiếm) tỉ mỉ phân tích cho các cháu định cư ở “trời Tây” nghe ý nghĩa của ngày Tết cổ truyền, của ban thờ, mâm ngũ quả, câu đối, xin chữ đầu xuân, bánh chưng… Nghe đoạn đối thoại giữa người bà sinh ra và lớn lên tại Hà Nội với những đứa cháu tuổi “teen”, lớn lên ở nước ngoài, chúng tôi thấu hiểu vì sao Tết Hà thành mang nhiều phong vị đặc biệt đến thế, vì sao mà người Việt xa quê mỗi khi Tết đến, xuân về lại muốn trở về đất mẹ để được sống trong không khí sum vầy yên vui.
2. Phong vị Tết trong mỗi nếp nhà không chỉ có không gian đậm chất văn hóa cổ truyền, những món ăn ngày Tết, mà thấm đẫm tình thân, tình đoàn kết. Sau thời khắc giao thừa, nhà nhà sáng đèn, nhâm nhi bánh, mứt, kẹo, hoa quả, nâng ly rượu vang chúc mừng năm mới. Con cháu mừng chúc năm mới bố mẹ, chúc thọ ông bà. Ông bà căn dặn, chúc cho con cháu năm mới công việc hanh thông, sức khỏe dồi dào, sống biết trước biết sau, kính trên nhường dưới.
Sáng mùng 1, mùng 2, mùng 3 Tết, các mẹ, các chị ríu ran bên gian bếp, thành tâm sắp mâm cơm cúng tổ tiên; ông, cha dâng lễ. Nhà nhà vui vầy bên mâm cơm, nói chuyện gia đình, chuyện chung, chuyện riêng. Chuyện về Thủ đô và đất nước trong năm Bính Thân sôi động, cơ hội và thách thức song hành. Chuyện về những gia đình có cơ hội thoát nghèo trong năm 2017... Bỏ lại phía sau những khó khăn, vất vả, ai nấy đón xuân mới với tinh thần phấn chấn. Họ dọn sạch nhà mình, sạch đường làng, ngõ phố, treo cờ Tổ quốc ở những vị trí trang trọng nhất. Người người xúng xính quần áo mới, nở nụ cười nồng hậu đón khách đến chơi nhà. Yêu Hà Nội, yêu cái Tết cổ truyền, một người Hà Nội đã bật lên những vần thơ “Tôi như thấy Tết của ngày xưa/Trẻ mặc áo mới tung tăng đùa nghịch/Tiền lẻ vài xu nhưng sao thật thích/Mắt bà cười rưng rức những yêu thương”.
Cuộc sống là thế - dù vừa bỏ lại sau lưng bao nhọc nhằn vất vả, dù dự cảm phía trước vẫn còn gập ghềnh khó khăn, nhưng truyền thống văn hóa thì vẫn mãi xanh tươi trên mảnh đất Thăng Long - Hà Nội. Và niềm tin mãi gieo mầm hy vọng tốt lành.
Đầu xuân năm mới, người Hà Nội sống trọn vẹn, đẹp đẽ, thiêng liêng trong từng khoảnh khắc, việc làm như thế!
3. Đã trở thành nét đẹp văn hóa, sau nén hương dâng lên ban thờ tổ tiên vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, nhiều người lên chùa làm lễ cầu may. Theo GS Lê Văn Lan, tập quán này là hình thức tưởng nhớ về những truyền thuyết đã nuôi dưỡng tinh thần dân tộc, giúp con người sống thiện hơn ở hiện tại để hướng tới tương lai an lạc, tốt lành. Có lẽ vì thế mà các đền, chùa, phủ trở nên quá tải trong những ngày đầu Xuân Đinh Dậu.
Đền Ngọc Sơn, đình Kim Liên, chùa Quán Sứ, chùa Phúc Khánh, Phủ Tây Hồ... lượng người đổ về những ngày đầu Xuân Đinh Dậu luôn đông đúc. Nhưng giữa không khí cuồn cuộn đó, vẫn là những đổi thay mới, mà như lời bà Trần Thị Yên, đến từ đường Bình Than, phường Võ Cường, TP Bắc Ninh (Bắc Ninh) cho biết: “Tết năm nào tôi cũng đi lễ Phủ Tây Hồ, quen cảnh người chật kín như nêm rồi. Mà so với những năm trước, năm nay tình hình an ninh trật tự xung quanh Phủ có sự chuyển biến tích cực hơn hẳn. Không còn thấy hình ảnh sư giả khất thực, ăn xin, ăn mày. Người bán hàng cũng lịch sự hơn”.
Xuân Đinh Dậu 2017, chúc Tết Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng động viên các tầng lớp nhân dân Thủ đô quan tâm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, những nét riêng có, đẩy mạnh phát triển du lịch, làm tốt công tác quản lý đô thị, giữ vững ổn định an ninh trật tự xã hội, xứng đáng với vai trò, vị thế của Thủ đô.
Trong Thư chúc Tết, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải gửi thông điệp về năm 2017 - năm “Kỷ cương hành chính". Từ chủ đề công tác đó, Bí thư Thành ủy mong muốn nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Thủ đô chung tay quyết tâm tạo chuyển biến về kỷ cương; công chức thực thi nhiệm vụ với tinh thần phục vụ, gương mẫu, trách nhiệm và thân thiện; mọi người dân cùng chung sức xây dựng Hà Nội thanh lịch, văn minh, giữ gìn môi trường xanh - sạch - đẹp…
Mùa xuân gõ cửa từng nhà. Cây cối bắt đầu nảy những mầm xanh. Hy vọng mỗi người dân Thủ đô hiểu và cảm nhận rõ thông điệp mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải gửi gắm, chung tay góp sức đồng lòng xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.