(HNM) - Vòng đàm phán thương mại kéo dài 3 ngày tại thủ đô Bắc Kinh giữa các quan chức Mỹ và Trung Quốc vừa kết thúc có kết quả lạc quan...
Tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc trong năm 2018 gặp nhiều thách thức vì cuộc chiến thương mại với Mỹ. |
Đây là cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên giữa quan chức hai nước kể từ cuộc gặp gỡ bên lề giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Argentina hồi đầu tháng 12-2018. Theo dự kiến, cuộc đàm phán sẽ diễn ra trong 2 ngày nhưng trên thực tế thì đã kéo dài sang ngày thứ 3. Đây là chỉ dấu tích cực cho thấy, cả hai bên đều nghiêm túc và thiện chí trong việc đưa ra một thỏa thuận chi tiết hơn nhằm thu hẹp khác biệt. Cụ thể, Bắc Kinh đã có một số động thái nhượng bộ Washington như tạm thời dỡ bỏ thuế trả đũa áp lên xe hơi nhập khẩu từ Mỹ, nối lại nhập khẩu đậu tương, cam kết mở rộng cửa hơn cho đầu tư nước ngoài và soạn thảo một dự luật về ngăn chặn ép buộc chuyển giao công nghệ.
Những diễn biến tích cực trong đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã xua bớt mây mù phủ lên nền kinh tế hai nước. Kể từ khi xung đột thương mại Mỹ - Trung nổ ra, các chỉ số kinh tế của Trung Quốc bắt đầu ảm đạm. Sản xuất công nghiệp, đầu tư tài sản cố định và doanh số bán lẻ của nước này đang trong xu hướng giảm dần, trong khi các chỉ số mang tính dẫn báo như chỉ số Quản lý thu mua (PMI) cũng liên tục đi xuống và giảm dưới mức 50 điểm trong tháng 12-2018. Cổ phiếu của các công ty xuất khẩu đang giảm trên thị trường chứng khoán Trung Quốc. Tất cả điều này khiến cho các nhà đầu tư có xu hướng thoái vốn, tăng thêm áp lực lên đồng nhân dân tệ. Đồng tiền Trung Quốc đã mất hơn 8% giá trị trong năm 2018 và tỷ giá đã vượt qua mốc 6,9 nhân dân tệ/1 USD. Đây là chuyện chưa từng có trong 10 năm trở lại đây. Người tiêu dùng và doanh nghiệp bắt đầu lo lắng trong khi doanh thu ô tô xuống dốc và thị trường bất động sản gặp khó khăn.
Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu chậm lại cũng ảnh hưởng đến các công ty của Mỹ, mà biểu hiện rõ nhất là doanh số sụt giảm của các tập đoàn như Ford, General Motors hay Apple tại Trung Quốc. Hoạt động chế tạo của Mỹ trong tháng 12-2018 giảm mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp Mỹ đã lao đao khi Trung Quốc quyết định giảm đáng kể lượng đậu nành nhập khẩu từ xứ Cờ hoa.
Những khó khăn của kinh tế Trung Quốc cũng như sự bất ổn của thị trường chứng khoán Mỹ gần đây với việc các doanh nghiệp Mỹ, điển hình như Apple hạ triển vọng kinh doanh trong năm 2019, cũng đang “ngấm dần” vào nền kinh tế thế giới. Người phát ngôn Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Gerry Rice dự báo leo thang căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc sẽ gây ra hậu quả tiêu cực cho hai nước và nền kinh tế thế giới. Kinh tế Mỹ có thể chỉ tăng 2,5% trong năm nay, so với mức tăng 2,9% trong năm 2018 trong khi kinh tế Trung Quốc được dự báo tăng 6,2% so với mức tăng 6,5% trong 2018. Trong báo cáo về triển vọng kinh tế toàn cầu vừa được Ngân hàng Thế giới công bố, kinh tế thế giới có thể chỉ tăng trưởng 2,9% trong năm nay so với mức tăng 3% trong năm 2018 do căng thẳng thương mại gia tăng, đặc biệt giữa hai đầu tàu kinh tế thế giới.
Dù vòng đàm phán vừa qua chưa đủ để xóa nhòa sự cách biệt, song đây được xem là một “cú hích” cho những tiến triển tiếp theo nhằm giải quyết những căng thẳng thương mại giữa hai nước, đồng thời giúp xóa bỏ nguy cơ bùng phát một cuộc đối đầu vốn chắc chắn sẽ tác động nặng nề tới kinh tế toàn cầu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.