LTS: Trong thời kỳ cách mạng nào, công tác dân vận cũng luôn được Đảng ta đặc biệt quan tâm. Đối với Đảng bộ thành phố Hà Nội, trong nhiệm kỳ 2015-2020, công tác dân vận được chú ý hơn bao giờ hết. Báo Hànộimới xin giới thiệu loạt bài: “Công tác dân vận: Củng cố quan hệ giữa Đảng với dân” nhằm phản ánh những mô hình hay, cách làm sáng tạo; những khó khăn và yêu cầu đặt ra trong việc triển khai hiệu quả công tác dân vận tại Đảng bộ thành phố Hà Nội giai đoạn tới.
Bài đầu: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”
Với hàng nghìn tổ dân vận tại các xã, phường, thị trấn, những năm qua, hệ thống dân vận toàn thành phố đã có đóng góp quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn. Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, các tổ dân vận cơ sở đã bám sát địa bàn, tham mưu kịp thời cho cấp ủy Đảng, chính quyền đưa ra những quyết sách đúng đắn, đáp ứng quyền lợi chính đáng của nhân dân.
Khéo tuyên truyền để tạo sự đồng thuận
Khéo vận động, tuyên truyền để người dân từ chỗ chưa ủng hộ đã đồng thuận, nhất trí cao với việc mở rộng tuyến đường ngõ 124 Âu Cơ (phường Tứ Liên, quận Tây Hồ) - là điểm sáng trong việc thực hiện phong trào “Dân vận khéo” tại Hà Nội. Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường Tứ Liên, nguyên Trưởng khối dân vận phường Tứ Liên Trần Thanh Viên cho biết, việc mở đường ảnh hưởng tới 153 gia đình. Có thời điểm, một số gia đình phản đối gay gắt, lôi kéo thêm các hộ khác tập trung khiếu kiện khiến dự án đình trệ. “19h hằng ngày, chúng tôi kiên trì đến từng hộ dân tuyên truyền về lợi ích của dự án” - ông Trần Thanh Viên chia sẻ...
Nói về những ngày gian nan ấy, ông Phan Thanh Muôn, một người dân ngõ 124 Âu Cơ cho biết: Với phương châm kiên trì thuyết phục, sẵn sàng giải đáp mọi băn khoăn, vướng mắc của người dân, nhiều gia đình từ chỗ chống đối, gây khó khăn, không tiếp tổ công tác, sau khi hiểu ra lợi ích của việc mở đường đã tích cực vận động các hộ còn lại cùng đồng thuận.
Cũng nhờ sự tận tâm, nhiệt huyết của cán bộ làm công tác dân vận nên nhân dân đồng thuận với chủ trương của địa phương là câu chuyện tại khu dân cư số 6, phường Tân Mai (quận Hoàng Mai). Cách đây chưa lâu, cứ trời mưa là các hộ dân nơi đây lại chịu cảnh úng ngập. Bí thư chi bộ, Tổ trưởng Tổ dân vận khu dân cư số 6 Trần Tấu cho biết, hưởng ứng phong trào “Xây dựng mô hình Dân vận khéo trong cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, cán bộ, nhân dân trong khu dân cư đã đóng góp gần 200 triệu đồng, nâng cốt, bê tông hóa sạch, đẹp 5 tuyến ngõ. Bà Trần Thúy Lương, người dân ở khu dân cư số 6 nhận xét: Chính sự tâm huyết, nhiệt tình của ông Tấu đã giúp bà con đồng thuận, nhất trí, cùng thực hiện việc nâng nền ngõ, chống ngập.
Trong khi đó, Bí thư chi bộ, Tổ trưởng Tổ dân vận khu phố 7, phường Hàng Trống (quận Hoàn Kiếm) Nguyễn Thị Phượng lại có cách triển khai “Dân vận khéo” phù hợp với đặc thù của quận trung tâm đất chật, người đông. Những việc tưởng chừng không mấy khó khăn với địa bàn khác như vận động nhân dân đổ rác đúng giờ, để xe đúng nơi quy định lại là thách thức lớn với phường Hàng Trống. Để giữ gìn trật tự đô thị, cán bộ cơ sở khu phố 7 thường xuyên bám sát tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện gọn nhà, sạch phố, đẹp Thủ đô. Bà con trong khu phố đã cùng đóng góp kinh phí xóa điểm tập kết rác, cải tạo thành vườn hoa. Những mâu thuẫn phát sinh trong việc kinh doanh, buôn bán và sinh hoạt hằng ngày cũng được nắm bắt kịp thời, chủ động hòa giải nên tình hình an ninh trật tự trên địa bàn luôn được giữ vững.
Tích cực xây dựng nông thôn, phát triển kinh tế
Nếu như ở khu vực đô thị, phong trào “Dân vận khéo” hướng tới mục tiêu xây dựng đô thị văn minh thì tại ngoại thành, đích đến cuối cùng là hỗ trợ xây dựng, giữ vững những tiêu chí nông thôn mới, phát triển kinh tế và cải thiện đời sống nhân dân.
Đến xã Lại Thượng (huyện Thạch Thất), ai cũng có thể thấy những trục đường làng, ngõ xóm mới được cứng hóa sạch, đẹp. Bí thư Đảng ủy xã Lại Thượng Nguyễn Doãn Lũy cho biết, năm 2018, nhân dân trong xã đóng góp được 1,8 tỷ đồng và 1.212 ngày công để cứng hóa các trục đường; 260 triệu đồng đầu tư hệ thống điện chiếu sáng cho 38 ngõ xóm và 848 triệu đồng để xây dựng các công trình phúc lợi, góp phần giữ vững 19/19 tiêu chí nông thôn mới mà xã đã đạt được. Ông Nguyễn Mạnh Tiến, người dân xã Lại Thượng phấn khởi chia sẻ, qua công tác dân vận, đến nay bà con trong xã đều tổ chức đám cưới văn minh, các hủ tục lạc hậu trong việc tang được bãi bỏ. Lễ mừng thọ của các bậc cao niên cũng đã trở thành nét đẹp văn hóa của Lại Thượng… Những nét đẹp đó có được là nhờ công tác dân vận ở đây được làm bền bỉ qua nhiều năm.
Trong khi đó, với 18 xứ họ đạo và hơn 12.000 giáo dân, huyện Thường Tín đẩy mạnh phong trào “Dân vận khéo”, hướng đến xây dựng “Xứ đạo an toàn, đoàn kết, văn hóa”. Trưởng ban Đoàn kết Công giáo huyện Thường Tín Lê Danh Lam cho biết, nhằm xây dựng “Xứ họ đạo tiên tiến”, các Tổ đoàn kết Công giáo huyện Thường Tín thường xuyên vận động giáo dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; tích cực phối hợp với linh mục quản xứ lồng ghép việc thực hiện hương ước vào các buổi sinh hoạt giáo lý, hỗ trợ giáo dân vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Chị Lê Thị Thùy (xã Lê Lợi, huyện Thường Tín) cho biết, những việc làm tâm huyết, trách nhiệm của ông Lê Danh Lam trong vận động giáo dân đã giúp địa phương phát triển ổn định trong những năm qua.
Như nhiều địa bàn vùng ngoại thành khác, tại xã Đại Thịnh (huyện Mê Linh), từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, chị Nguyễn Thị Hà, hội viên Chi hội phụ nữ thôn Đại Bái đã phát triển thành công mô hình trồng hoa, ươm mầm, kinh doanh vật tư nông nghiệp với thu nhập trên 32 tỷ đồng/năm. Từ thành công của mình, chị Nguyễn Thị Hà đã đi đầu trong thực hiện phong trào “Dân vận khéo” trong phát triển kinh tế, tạo việc làm thường xuyên cho 17 lao động địa phương và vận động nhiều chị em vươn lên có cuộc sống khấm khá.
…Nhiều năm phụ trách công tác dân vận của thành phố, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương cho biết, phong trào “Dân vận khéo” được triển khai bài bản, sáng tạo tại các địa phương đã góp phần quan trọng trong thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng nông thôn mới... Những nỗ lực, cố gắng của khối dân vận từ thành phố đến cơ sở đã góp phần tăng cường, phát huy dân chủ ở cơ sở, củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, chính quyền và nhân dân…
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.