Phát triển Điện Biên thành trung tâm du lịch của Tây Bắc
Điện Biên Phủ, cái tên đã thành huyền thoại, biểu tượng của một dân tộc anh hùng. Sau 70 năm, Điện Biên hôm nay, từ đô thị đến nông thôn mang một diện mạo mới, đẹp và khang trang hơn.
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Quốc Cường đã dành cho Báo Hànộimới cuộc trao đổi về những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang, nhân dân các dân tộc trong tỉnh tiếp nối truyền thống cách mạng để bản anh hùng ca Chiến thắng Điện Biên Phủ vang mãi, tiếp thêm sức mạnh dựng xây Điện Biên phát triển bền vững, trở thành trung tâm du lịch của Tây Bắc.
- Trân trọng cảm ơn đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã dành cho Báo Hànộimới cuộc trao đổi hết sức ý nghĩa trong thời điểm cả nước đang hướng về Điện Biên - nơi sẽ diễn ra lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ với niềm tự hào, niềm biết ơn vô hạn. Xin đồng chí cho biết những thành tựu nổi bật của tỉnh Điện Biên đạt được trong thời gian qua?
70 năm qua, sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên, được sự ủng hộ, giúp đỡ của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, của các tỉnh, thành phố trong cả nước, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội; với sự nỗ lực của tập thể cán bộ, đảng viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc, tỉnh đã vượt qua rất nhiều khó khăn, xây dựng và phát triển.
Diện mạo của tỉnh Điện Biên hôm nay, từ đô thị đến nông thôn đã có nhiều thay đổi, đặc biệt từ đầu nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XIV Đảng bộ tỉnh 2020-2025 đến nay, tỉnh Điện Biên có những đột phá. Nửa nhiệm kỳ trôi qua, 8/18 mục tiêu, chỉ tiêu cơ bản đã hoàn thành và vượt chỉ tiêu; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 7,7%/năm; thu ngân sách nhà nước ba năm liên tiếp đều vượt 1.500 tỷ đồng.
Nửa nhiệm kỳ trôi qua, 8/18 mục tiêu, chỉ tiêu cơ bản đã hoàn thành và vượt chỉ tiêu; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 7,7%/năm; thu ngân sách nhà nước ba năm liên tiếp đều vượt 1.500 tỷ đồng.
Hằng năm, tỉnh giảm gần 5% hộ nghèo. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 25,3%, giảm rất nhanh so với đầu nhiệm kỳ. An sinh xã hội được quan tâm; kinh tế phát triển, cơ cấu theo đúng định hướng. Nhiều công trình trọng điểm đã được hoàn thành như: Dự án mở rộng sân bay Điện Biên Phủ; dự án xây dựng Đền thờ liệt sĩ tại chiến trường Điện Biên Phủ; bức tranh panorama có thể nói là bức tranh hoành tráng nhất, rộng nhất cả Đông Nam Á (hơn 3.000m2 tái hiện 4.500 nhân vật giữa chiến trận 56 ngày cuối cùng của trận Điện Biên Phủ tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ của hơn 200 họa sĩ đã được trao giải nhất Giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 2022 - PV) cùng nhiều công trình tiếp tục được quan tâm thúc đẩy, như dự án đường cao tốc Sơn La - Điện Biên - cửa khẩu Tây Trang; dự án phát triển các khu đô thị mới, trong đó có một khu đô thị của Vingroup đi vào hoạt động ngay tại trung tâm của thành phố Điện Biên Phủ. Một số dự án phát triển khu đô thị mới đang tiếp tục được xem xét và sẽ sớm triển khai trong năm 2024 và năm 2025.
- Cùng với phát triển kinh tế - xã hội, xin đồng chí cho biết những dấu ấn trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, phát huy sức mạnh đại đoàn kết của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, xây dựng địa phương vững mạnh?
Có thể nói, trong thời gian vừa qua, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh Điện Biên đã không ngừng phấn đấu vươn lên, đoàn kết một lòng để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và bảo vệ biên cương của Tổ quốc.
Tỉnh chú trọng phát triển quan hệ đối ngoại, không ngừng mở rộng mối quan hệ với các tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó có Thủ đô Hà Nội. Điện Biên đang tập trung phát triển theo hai hướng.
Thứ nhất là tiếp tục nâng cao và mở rộng sản xuất nông nghiệp và lâm nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, lâm nghiệp trồng cây có giá trị cao.
Thứ hai là phát huy các giá trị văn hóa dân tộc đặc sắc của 19 dân tộc anh em, cùng với di tích chiến trường Điện Biên Phủ - di tích quốc gia đặc biệt để phát triển, đưa du lịch trở thành nền kinh tế mũi nhọn.
Trọng tâm của tỉnh là vừa khai thác các sản phẩm du lịch về lịch sử, văn hóa, vừa kết hợp với du lịch thể thao, du lịch nghỉ dưỡng để thực hiện thắng lợi Quyết định 109/QĐ-TTg ngày 27-1-2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đưa Điện Biên trở thành trung tâm du lịch của Tây Bắc.
Một trong thành tựu của tỉnh Điện Biên là công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Đảng bộ tỉnh hết sức tích cực thực hiện các Nghị quyết của Đảng, các chương trình của Quốc hội, của Chính phủ, tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng, hiệu quả của các bộ máy chính quyền, phát huy hiệu lực, hiệu quả của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Trong thời gian vừa qua, tỉnh Điện Biên đã được biểu dương có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị.
- Những ngày này, nhân dân cả nước đang dõi theo các hoạt động hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Xin đồng chí cho biết tiến độ triển khai các hoạt động đến thời điểm này?
70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ được Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ban Chỉ đạo Trung ương kỷ niệm các ngày lễ lớn xác định là lễ kỷ niệm cấp quốc gia. Đây là sự kiện đặc biệt quan trọng, ý nghĩa và là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị cả nước, của các ban, bộ, ngành trung ương và tỉnh Điện Biên được vinh dự lựa chọn là địa phương chủ trì tổ chức.
Thực hiện Đề án đã được Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ban Chỉ đạo Trung ương phê duyệt, tỉnh đã và đang tích cực thực hiện các công trình. Thứ nhất là chỉnh trang, nâng cấp các di tích lịch sử quốc gia, gồm 45 di tích thành phần. Đó là nâng cấp, chỉnh trang 4 nghĩa trang quốc gia; tiếp tục chỉnh trang nâng cấp các hệ thống đường, các đường phố, nhất là hệ thống đường phục vụ cho lễ kỷ niệm.
Tỉnh tăng cường phối hợp với các ban, bộ, ngành, trong đó có Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tập huấn cho các khối lực lượng vũ trang, khối nhân dân để tổ chức lễ diễu binh, diễu hành đúng ngày kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Trong đó, tỉnh cũng đã khẩn trương nâng cấp, chỉnh trang sân vận động, các khách sạn, nhà khách; nâng cấp, xây dựng mới cầu Thanh Bình và nâng cấp cầu A1 để phục vụ lễ kỷ niệm.
Cho đến nay, các công trình phục vụ cho lễ kỷ niệm như Đền thờ liệt sĩ tại chiến trường Điện Biên Phủ, tại các nghĩa trang quốc gia, trong đó có nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên Phủ, tại các đồi lịch sử như đồi Him Lam, đồi A1, đồi A2… đã hoàn thành. Các khu vực, các tuyến đường đang khẩn trương chỉnh trang, nâng cấp và chắc chắn sẽ kịp để phục vụ lễ kỷ niệm.
- Năm nay, cả nước thi đua lập nhiều thành tích kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Đây là niềm vinh dự của cả nước nói chung, đặc biệt là tỉnh Điện Biên và thành phố Hà Nội. Đồng chí đánh giá như thế nào về sự hợp tác của Hà Nội - Điện Biên trong thời gian qua, theo tinh thần Hà Nội với Điện Biên, Điện Biên với Hà Nội.
Hà Nội với Điện Biên, Điện Biên với Hà Nội gắn bó bền chặt. Những ngày đầu tiên hơn 70 năm trước, những chiến sĩ Tây Tiến, đó là những chiến sĩ bộ đội, thanh niên xung phong, dân công, đặc biệt là các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước từ Thủ đô Hà Nội, đã Tây Tiến để đánh giặc tại Tây Bắc, trong đó có chiến khu Tây Bắc.
Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 có sự đóng góp to lớn của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, những chiến sĩ bộ đội, thanh niên xung phong, người Thủ đô và nhất là đội ngũ văn công, nghệ sĩ người Hà Nội, những nhạc sĩ, thi sĩ, họa sĩ, người làm phim, người làm báo từ Hà Nội lên Tây Bắc, lên Điện Biên và những đội quân đó đã chung sức trong 9 năm làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, đội quân Tây Tiến tiếp tục trở về giải phóng Thủ đô. Chiến thắng Điện Biên Phủ và giải phóng Thủ đô là hai sự kiện có mối liên hệ đặc biệt.
Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, các chiến sĩ bộ đội, thanh niên xung phong, trong đó có nhiều người con của Thủ đô ở lại Điện Biên chuyển sang mặt trận sản xuất, trở thành những người lãnh đạo, công dân, người chiến sĩ trên mặt trận nông nghiệp, lâm nghiệp, tiếp tục xây dựng Điện Biên. Và công trình thủy lợi Nậm Rốm được triển khai thực hiện năm 1963 là công trình đại thủy nông lớn thứ hai tại miền Bắc (chỉ sau công trình đại thủy nông Bắc Hưng Hải), có hơn 2.000 chiến sĩ và đội viên tham gia, trong đó gần 800 người từ Thủ đô Hà Nội và từ đồng bằng sông Hồng lên trực tiếp tham gia xây dựng.
Và ngày hôm nay, cánh đồng Mường Thanh trở thành cánh đồng nổi tiếng là nhờ có sự đóng góp to lớn của những chiến sĩ bộ đội, của những người Hà Nội tham gia chung sức xây dựng Điện Biên sau chiến tranh, trở thành mảnh đất trù phú và có rất nhiều sản phẩm nổi tiếng, như gạo tám Điện Biên, cà phê của Mường Ảng - Tuần Giáo, cây mắc ca…
Ngoài ra, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, lực lượng vũ trang Thủ đô cũng thường xuyên động viên, ủng hộ Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang, nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên. Rất nhiều ngôi nhà tình nghĩa, ngôi nhà đại đoàn kết do nhân dân Hà Nội, các cơ quan đoàn thể của Thủ đô đã chắt chiu đóng góp ủng hộ Điện Biên.
Thực hiện Đề án hỗ trợ làm nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo - Đề án do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành ngày 25-4-2023 (Đề án 09), thành phố Hà Nội là địa phương đóng góp lớn nhất. Ngay sau khi đề án ban hành, thành phố Hà Nội đã ủng hộ cho Điện Biên 300 ngôi nhà. Gần đây nữa, ngôi trường tiểu học mang tên Hà Nội - Điện Biên Phủ do Hà Nội hỗ trợ Điện Biên đã được xây dựng xong, sẽ được khánh thành đúng dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, sẽ giúp cho các cháu học sinh có ngôi trường khang trang để được học tập, đạt kết quả cao. Đó là tấm lòng của Thủ đô và Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên rất trân trọng.
- Trân trọng cảm ơn đồng chí Bí thư Tỉnh ủy!
Thực hiện: Hà Vân - Bình Yên
Trình bày: Tuấn Điệp