Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuyên nghiệp hóa ngành chăn nuôi lợn

Ngọc Quỳnh| 15/09/2022 06:27

(HNM) - Thời gian gần đây, giá lợn hơi trên thị trường lên xuống thất thường. Thế nhưng, có một thực tế là giá thịt lợn của các doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng được thương hiệu, có truy xuất nguồn gốc sản phẩm rõ ràng, thực hiện chuỗi liên kết… lại tương đối ổn định, tạo sức hút với người tiêu dùng. Vậy đâu là giải pháp để mở rộng phát triển chuỗi liên kết và xây dựng thương hiệu, qua đó tiến tới chuyên nghiệp hóa ngành chăn nuôi lợn.

Người tiêu dùng chọn mua sản phẩm thịt lợn Bapi HAGL của Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai. Ảnh: Ngọc Ánh

Những chuyển dịch tích cực

Thời gian vừa qua, trong lĩnh vực sản xuất, chế biến thịt lợn đã xuất hiện nhiều “đại gia” với tham vọng chiếm lĩnh thị trường thịt lợn trong nước cũng như xuất khẩu. 

Điển hình là Công ty cổ phần Tập đoàn Masan đang tiếp tục đẩy mạnh đầu tư chuỗi cung ứng - trang trại, nhà máy chế biến, chuỗi bán lẻ và ra mắt thương hiệu thịt mát MEATLife. Hiện Masan MEATLife đang vận hành trang trại nuôi lợn kỹ thuật cao tại tỉnh Nghệ An với quy mô 223ha, công suất 250.000 lợn hơi/năm. Công ty cũng vận hành 2 tổ hợp chế biến thịt tại các tỉnh Hà Nam và Long An với công suất 1,4 triệu con/tổ hợp/năm, tương đương 140.000 tấn/tổ hợp/năm...

Mới đây, Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai cũng đã tổ chức ra mắt thương hiệu lợn ăn chuối Bapi HAGL, hướng tới mục tiêu trở thành một “thế lực” trong lĩnh vực sản xuất, phân phối thịt lợn trên thị trường.

Theo Giám đốc Hợp tác xã Hoàng Long (huyện Thanh Oai) Nguyễn Trọng Long, hơn 2 năm qua, giá thịt lợn không ổn định, gây khó khăn cho người chăn nuôi. Để sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường, hợp tác xã đã phát triển mô hình chuỗi khép kín từ sản xuất con giống tới giết mổ, chế biến, xây dựng thương hiệu... Với tổng đàn 500 lợn nái và 5.000 lợn thịt, hợp tác xã áp dụng quy trình chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, chế biến đa dạng sản phẩm. Nhờ chất lượng sản phẩm cũng như thương hiệu tạo dựng được, mỗi ngày hợp tác xã đã phân phối cho các cửa hàng, bếp ăn tập thể với số lượng 2 tấn thịt lợn mát và 0,5 tấn sản phẩm chế biến từ thịt lợn với giá ổn định.

Thực tế cho thấy, những năm gần đây ngành chăn nuôi nói chung, chăn nuôi lợn nói riêng có những bước chuyển dịch tích cực, từ chăn nuôi quy mô nhỏ sang chăn nuôi quy mô lớn; phát triển các mô hình trang trại tập trung và hình thành các chuỗi giá trị có thương hiệu.

Theo Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Tống Xuân Chinh, tổng đàn lợn thuộc 16 doanh nghiệp chăn nuôi quy mô lớn đang duy trì 6,5 triệu con, chiếm 20,7% tổng đàn cả nước. “Thịt lợn là loại thực phẩm chính sử dụng hằng ngày của đa phần người dân Việt Nam. Đa số sản phẩm thịt lợn của các tập đoàn, công ty lớn đều có thương hiệu, tạo được chỗ đứng trên thị trường tiêu thụ. Đây chính là nền tảng để ngành chăn nuôi lợn phát triển bền vững. Ngoài ra, các thị trường Trung Quốc, Malaysia… cũng đang tạo cơ hội cho Việt Nam xuất khẩu thịt lợn choai, lợn sữa”, ông Tống Xuân Chinh cho biết thêm.

Dây chuyền sơ chế thịt lợn tại Hợp tác xã Hoàng Long (huyện Thanh Oai). Ảnh: Khánh Long

Chú trọng phát triển chuỗi liên kết, xây dựng thương hiệu

Thời điểm hiện tại, sản phẩm thịt lợn an toàn, có thương hiệu đã tạo được sức hút rất lớn trên thị trường. Tuy nhiên, do quá phụ thuộc vào nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu nên giá thịt lợn vẫn ở mức cao, sức cạnh tranh yếu.

Để tạo điều kiện, thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng theo chuỗi khép kín và xây dựng thương hiệu, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch Organic Green (huyện Thường Tín) Nguyễn Văn Chữ cho rằng, ngành Nông nghiệp cùng với chính quyền các địa phương cần rà soát quy hoạch phát triển chăn nuôi lợn, tăng tỷ lệ trang trại quy mô lớn, chăn nuôi khép kín, an toàn dịch bệnh... để giảm chi phí đầu vào; hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu và nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Cùng với đó, tái đàn theo tín hiệu thị trường để cân đối cung - cầu.

Ở góc độ quản lý nhà nước, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, thành phố sẽ duy trì tổng đàn lợn khoảng 1,8 triệu con. Thời gian tới, ngành Nông nghiệp Thủ đô tập trung phát triển theo vùng, xã trọng điểm; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng thương hiệu thịt lợn. Cùng với đó, khuyến khích, phát triển chăn nuôi lợn bản địa gắn với du lịch sinh thái, tích hợp đa giá trị để tạo ra sản phẩm thịt lợn mang thương hiệu riêng, tạo sức cạnh tranh trên thị trường.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến thông tin, theo chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045, định hướng phát triển chăn nuôi của nước ta đến năm 2030 với tổng đàn lợn thường xuyên khoảng 30 triệu con, trong đó đàn lợn được nuôi tại trang trại công nghiệp chiếm trên 70%. Bộ sẽ phối hợp với các địa phương xây dựng ngành hàng thịt lợn theo các chuỗi liên kết, phấn đấu đến năm 2025, Việt Nam có 10-12 chuỗi liên kết lớn. Đồng thời, xây dựng các tổ hợp chăn nuôi quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao; bảo đảm an toàn sinh học và xây dựng thương hiệu thịt lợn; triển khai các giải pháp phát triển giết mổ tập trung, phát triển công nghiệp chế biến để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm thịt lợn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chuyên nghiệp hóa ngành chăn nuôi lợn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.