Nông nghiệp

Xuất khẩu cà phê: Giá tăng, thị phần giảm

Đỗ Minh 18/04/2024 - 06:39

Quý I-2024, cà phê tiếp tục là mặt hàng nông sản có giá trị xuất khẩu nằm trong tốp đầu của ngành Nông nghiệp.

Dù chỉ tăng 4,9% về lượng, song giá trị xuất khẩu cà phê tăng tới 57,3%, tương đương 1,93 tỷ USD. Tuy nhiên, hiện cà phê Việt Nam đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức nên cần có những biện pháp mang tính bền vững hơn, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu trong bối cảnh thị trường ngày một đòi hỏi cao hơn...

ca-phe.jpg
Phân loại cà phê tại xã Ea Kao, thành phố Buôn Mê Thuột (tỉnh Đắk Lắk). Ảnh: Vũ Sinh

Giá cà phê tăng 48%

Từ đầu năm đến nay, giá xuất khẩu cà phê của Việt Nam liên tục tăng cao. Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, trong 3 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu khoảng 579.449 tấn cà phê, với kim ngạch xuất khẩu khoảng 1,93 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu cà phê Robusta chiếm tỷ lệ nhiều nhất với 515.164 tấn, đạt kim ngạch hơn 1,57 tỷ USD; tiếp đó là cà phê nhân Arabica xuất khẩu 16,474 tấn, đạt kim ngạch hơn 69,27 triệu USD. Đối với cà phê rang xay và hòa tan, xuất khẩu được khoảng 35.853 tấn, đạt kim ngạch hơn 246,41 triệu USD.

Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam Nguyễn Nam Hải cho biết, điểm nổi bật nhất những tháng qua là giá cà phê xuất khẩu liên tục tăng. Cụ thể, trong tháng 3-2024, bình quân giá cà phê xuất khẩu là 3.555 USD/tấn, tăng 8% so với tháng trước (tăng 55% so với tháng 3-2023). Tính chung quý I-2024, giá xuất khẩu cà phê là 3.289 USD/tấn, tăng 48% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là mức tăng cao nhất trong vòng 30 năm qua, kể từ khi Việt Nam tham gia vào thị trường xuất khẩu cà phê thế giới. Châu Âu đang là thị trường nhập khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam.

Theo các chuyên gia, giá cà phê xuất khẩu hiện nay tăng mạnh là do nguồn cung cà phê khan hiếm. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, Việt Nam hiện là quốc gia sản xuất và xuất khẩu cà phê Robusta lớn nhất thế giới. Hằng năm, Việt Nam sản xuất từ 27 đến 30 triệu bao cà phê Robusta, đóng góp khoảng 40% tổng sản lượng toàn cầu. Tuy nhiên, kể từ sau niên vụ 2021-2022, thị phần cà phê của Việt Nam liên tục sụt giảm, từ việc chiếm 40% tổng sản lượng toàn cầu, giảm xuống còn 36% trong niên vụ hiện tại. Đây là thách thức lớn đối với sự phát triển bền vững của ngành hàng này ở những năm tiếp theo.

Chủ động ứng dụng công nghệ

Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam dự báo sản lượng cà phê niên vụ 2023-2024 tại Việt Nam giảm thêm 10% so với vụ trước, còn khoảng 1,6 triệu tấn (tương đương 26 triệu bao loại 60kg). Đây là tác động bởi biến đổi khí hậu gây nắng nóng khiến một số vùng sản xuất cà phê tại Việt Nam không còn phù hợp và sản lượng có xu hướng giảm.

Trong khi đó, cuối năm 2022, Liên minh châu Âu (EU) ra sắc lệnh nghiêm cấm nhập khẩu cà phê có liên quan đến nạn chặt phá rừng. Đây là thách thức đối với cà phê Việt Nam khi xuất sang thị trường này và đặt ra bài toán về việc phát triển cà phê một cách bền vững hơn. Cùng với đó, EU siết chặt quy định dư lượng thuốc trừ sâu đối với các loại hạt, trong đó có cà phê là 0,1mg/kg cũng là một khó khăn, đòi hỏi nông dân phải điều chỉnh phương thức sản xuất để có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn mới, phục vụ cho hoạt động xuất khẩu.

Là một trong những địa phương trồng cà phê lớn của Việt Nam, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Hoài Dương cho rằng, những năm qua, tuy chất lượng cà phê Việt Nam đã được nâng cao nhưng so với nhiều quốc gia trên thế giới, chất lượng xuất khẩu vẫn còn thấp. Do đó, cần thúc đẩy các khâu từ sản xuất, chế biến đến xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường mới có thể cải thiện được giá trị cũng như bảo đảm phát triển bền vững ngành hàng cà phê Việt Nam.

Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ rang xay chuyên nghiệp Sài Gòn (đại diện thương hiệu Alambe’ Finest Vietnamese Coffee) Gruber Alexander Lukas, Việt Nam có số lượng cà phê lớn nhưng giá rẻ. Do đó, cần đầu tư xây dựng thương hiệu, tạo nên chất lượng độc đáo, phân loại cà phê thành các hạng: Tốt, thượng hạng, tiêu chuẩn… để xuất khẩu cà phê có giá trị gia tăng bền vững.

Về giải pháp lâu dài cho ngành hàng cà phê, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ sẽ phối hợp với các địa phương rà soát vùng trồng phù hợp; đồng thời, giám sát các địa phương thực hiện “Đề án phát triển cà phê đặc sản Việt Nam giai đoạn 2021-2030”. Mục tiêu đến năm 2025, diện tích cà phê đặc sản của nước ta chiếm khoảng 2% tổng diện tích, tương đương sản lượng ở mức 5.000 tấn và sẽ tăng lên tương ứng 3% và 11.000 tấn vào năm 2030. Ngoài ra, các vùng trồng cần chủ động ứng dụng công nghệ vào sản xuất, tập trung vào nguồn cà phê có giá trị kinh tế cao, tuân thủ nghiêm các quy định về chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật…

“Ngành cà phê cần lựa chọn những mặt hàng cà phê có thế mạnh để xây dựng thương hiệu, nhằm mở rộng xuất khẩu những mặt hàng này; đồng thời, phải nâng cao chất lượng sản phẩm và chú trọng xây dựng thương hiệu, khẳng định vị thế trên thị trường cà phê thế giới mới tạo sự phát triển bền vững”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xuất khẩu cà phê: Giá tăng, thị phần giảm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.