Mặc dù mới thành lập năm 2016, nhưng Hợp tác xã Sản xuất và Kinh doanh nông sản, thực phẩm (huyện Phúc Thọ) đã mở rộng chăn nuôi theo chuỗi liên kết an toàn, nhằm cung cấp thực phẩm sạch cho người tiêu dùng Thủ đô.
Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và Kinh doanh nông sản thực phẩm Nguyễn Hưng Thỉnh cho biết, hợp tác xã quy định rõ các thành viên không sử dụng chất cấm, chất hoóc môn tăng trưởng trong quá trình chăn nuôi; quy định rõ thời gian sử dụng vắc xin, sử dụng thức ăn từng loại theo độ tuổi của vật nuôi, nhất là chế độ ăn sạch và quy định thời gian ngừng sử dụng thuốc thú y trước khi xuất chuồng. Tất cả các khâu từ con giống, thức ăn, kỹ thuật chăm sóc đến sản phẩm cung cấp ra ngoài thị trường của hợp tác xã đều có sự thống nhất, chất lượng bảo đảm, an toàn với người sử dụng.
Thức ăn của vật nuôi chủ yếu là cỏ voi, bã bia, rơm, chuối được cắt nhỏ, trộn với men vi sinh và cám. Cộng với lợi thế về diện tích đất rộng, thức ăn bảo đảm, nên vật nuôi lớn nhanh và hiệu quả. Các loại thịt xuất bán của hợp tác xã đều được đánh giá cao, vì có độ ngon, dai, thơm, bảo đảm sạch, an toàn.
Là một trong những khách hàng thân thiết của sản phẩm thịt lợn sạch Phúc Thọ, bà Trần Thị Hương ở thị trấn Phúc Thọ (huyện Phúc Thọ) chia sẻ, thời gian đầu, khi hợp tác xã trưng bày và bán sản phẩm thịt ở cửa hàng nông sản thực phẩm an toàn tại thị trấn Phúc Thọ, cứ nghĩ thịt lợn an toàn sinh học chắc giống như lợn thông thường. Nhưng sau khi gia đình mua về sử dụng, chất lượng thịt khác hẳn, thơm ngon, có độ ngọt và đun lên không bị váng như thịt nuôi truyền thống; trong khi đó, giá cả chỉ cao hơn một chút so với giá lợn bán đại trà ở chợ dân sinh.
Tuy nhiên, trong quá trình chăn nuôi thịt lợn an toàn sinh học vẫn còn những khó khăn. Theo ông Nguyễn Hưng Thỉnh, hiện đầu ra cho sản phẩm của hợp tác xã vẫn còn bấp bênh, mặc dù năng lực của đơn vị có thể cung cấp cho toàn bộ bếp ăn tập thể trên địa bàn huyện và một số vùng lân cận, nhưng mới chỉ tiêu thụ được một phần nhỏ theo đúng giá trị, còn lại là bán như lợn nuôi thông thường.
Mặc dù, huyện đã hỗ trợ cho hợp tác xã một cửa hàng để giới thiệu sản phẩm ở thị trấn, nhưng số lượng tiêu thụ còn khiêm tốn. Để hỗ trợ các thành viên, hợp tác xã đảm nhận đầu ra cho sản phẩm bằng việc tăng cường liên kết, hợp tác với các cửa hàng chế biến và kinh doanh thực phẩm trong và ngoài thành phố, song số lượng chưa được nhiều như mong đợi.
Để hỗ trợ Hợp tác xã Sản xuất và Kinh doanh nông sản, thực phẩm nói riêng và các hợp tác xã trên địa bàn Phúc Thọ nói chung tiếp tục phát triển và duy trì sản phẩm sạch bán ra thị trường, đề nghị các ngành chức năng đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết để hợp tác xã ký kết hợp đồng với doanh nghiệp cung ứng thực phẩm theo số lượng lớn. Đồng thời, kiến nghị huyện chỉ đạo các bếp ăn tập thể ưu tiên mua sản phẩm của hợp tác xã, nhằm thúc đẩy khâu tiêu thụ, giải quyết bài toán về cung - cầu. Qua đó, hợp tác xã có điều kiện mở rộng quy mô theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung, góp phần tạo ra những sản phẩm có chất lượng, nâng cao thu nhập cho các thành viên, thúc đẩy ngành chăn nuôi của địa phương phát triển bền vững, ổn định, thân thiện với môi trường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.