(HNM) - Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro vừa kết thúc chuyến công du Trung Quốc từ ngày 12 đến 15-9. Chuyến thăm Bắc Kinh lần này của nhà lãnh đạo Venezuela được nhận định là nhằm thúc đẩy mối quan hệ hợp tác song phương...
Tổng thống Venezuela N.Maduro gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh. |
Trong chuyến thăm chính thức kéo dài 4 ngày, Tổng thống N.Maduro đã hội đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình, có cuộc gặp với Thủ tướng Lý Khắc Cường cùng một số quan chức cấp cao khác. Tại cuộc gặp Chủ tịch Tập Cận Bình, Tổng thống N.Maduro tuyên bố, chính quyền Caracas sẵn sàng tìm ra các phương thức thanh toán tài chính hiệu quả hơn với Bắc Kinh, đồng thời đẩy mạnh hợp tác song phương trong lĩnh vực năng lượng.
Đáp lại, nhà lãnh đạo Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh vẫn sẽ tiếp tục hỗ trợ nhằm đem lại ổn định và phát triển của Chính phủ Venezuela.
Cũng trong chuyến thăm này, Venezuela đã tuyên bố bán thêm 9,9% cổ phần trong liên doanh Sinovensa cho Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) và ký kết một số thỏa thuận khác về năng lượng. Ngoài cam kết hỗ trợ tài chính nhằm giúp Caracas tăng sản lượng dầu khí và vàng, Trung Quốc đã đầu tư vào hơn 500 dự án phát triển của quốc gia Nam Mỹ.
Tổng thống N.Maduro tới Bắc Kinh đúng vào thời điểm nền kinh tế nước này đang gặp khủng hoảng nghiêm trọng. Tình trạng siêu lạm phát đã gây ra một cuộc khủng hoảng tị nạn chưa từng có, buộc hàng triệu người phải rời khỏi quê hương trong vài năm qua. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự đoán tỷ lệ lạm phát của Venezuela sẽ lên tới 1.000.000% vào cuối năm 2018.
Trong khi đó, theo Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), sản lượng dầu thô của Venezuela trong tháng 8-2018 giảm xuống còn 1.448.000 thùng/ngày, mức thấp nhất trong ba thập niên qua. Nguồn thu từ dầu lửa sa sút và các chính sách kinh tế sai lầm được xem là nguyên nhân đẩy Venezuela vào cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị sâu sắc như hiện nay.
Trung Quốc và Venezuela có lịch sử quan hệ hữu nghị và hợp tác lâu dài. Tình hữu nghị càng được coi trọng từ thời cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và cố Tổng thống Hugo Chavez. Nếu như trước năm 1999, thương mại song phương chỉ đạt chưa đầy 500 triệu USD thì 10 năm sau con số này đã vọt lên 7,5 tỷ USD.
Nhờ đó, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Venezuela, trong khi đất nước Nam Mỹ là điểm đến đầu tư lớn nhất của Trung Quốc tại khu vực Mỹ Latinh, nhất là lĩnh vực năng lượng. Số lượng tín dụng mà Bắc Kinh hỗ trợ Caracas tạo ra một khoản nợ lên tới 60 tỷ USD và được Venezuela hoàn lại bằng dầu mỏ với thời điểm cao nhất lên tới 500.000 thùng/ngày.
Trong một thập niên qua, các thỏa thuận đổi dầu lấy vốn vay đã giúp Trung Quốc bảo đảm được nguồn cung năng lượng phục vụ nền kinh tế trong khi vẫn giúp đỡ được cho Venezuela. Nhưng dòng vốn này đã bị tạm dừng 3 năm trước khi quốc gia Nam Mỹ yêu cầu thay đổi điều khoản thanh toán trong bối cảnh giá dầu lẫn sản lượng dầu thô đều giảm.
Tuy nhiên, tháng 7 vừa qua, Bộ Tài chính Venezuela cho biết nước này sẽ nhận 250 triệu USD từ Ngân hàng Phát triển quốc gia Trung Quốc (CDB) để thúc đẩy sản xuất dầu. Hiện Trung Quốc đang chờ chính quyền của Tổng thống N.Maduro công bố một loạt biện pháp cải cách kinh tế, trong đó kiểm soát tiền tệ linh hoạt hơn để tránh đồng bolivar lao dốc không phanh trước khi “mở hầu bao”.
Không chỉ giúp bảo đảm an ninh năng lượng, gia tăng ảnh hưởng tại Mỹ Latinh, mối quan hệ tốt đẹp với Venezuela còn là chìa khóa quan trọng trong cam kết của Bắc Kinh về chính sách ngoại giao đẩy mạnh hợp tác Nam - Nam với các nước đang phát triển. Vì vậy, chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống N.Maduro là dịp để hai bên nâng cao quan hệ bằng nhiều thỏa thuận có ý nghĩa và thảo luận các mối quan tâm chung.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.