Hiện tượng trái đất ấm lên có thể khiến chuối giành vị trí của khoai tây để trở thành thực phẩm thiết yếu đối với hàng trăm triệu người.
Người dân vận chuyển chuối bằng xe đạp tại Uganda. Ảnh: Tân Hoa Xã.
Theo yêu cầu của Ủy ban An ninh lương thực Liên Hợp Quốc, một nhóm chuyên gia quốc tế đã xây dựng mô hình để dự báo tác động của biến đổi khí hậu đối với 22 nông sản quan trọng nhất hành tinh, BBC đưa tin.
Mô hình cho thấy sản lượng ba loại cây lương thực cung cấp nhiều năng lượng nhất - ngô, lúa mì và gạo - sẽ giảm tại các nước đang phát triển. Sản lượng khoai tây, loại cây trồng ưa khí hậu lạnh và ôn hòa, cũng giảm do thời tiết trở nên bất ổn hơn.
Tiến sĩ Philip Thornton, một thành viên trong nhóm nghiên cứu, nói rằng khoai tây sẽ nhường vị trí cho chuối tại nhiều khu vực trên thế giới. Chuối sẽ trở thành một trong những thực phẩm mà vài trăm triệu người ăn thường xuyên.
Nhóm nghiên cứu mô tả lúa mì là nguồn cung cấp protein và năng lượng quan trọng nhất của con người. Tuy nhiên, do giá bông, ngô và đậu nành tăng nhanh, nông dân tại các nước đang phát triển sẽ ưu tiên đất màu mỡ cho những loại cây đó và đẩy lúa mì sang những mảnh ruộng cằn. Tình trạng đó khiến sản lượng lúa mì giảm mạnh nếu nhiệt độ trung bình của trái đất tăng. Khi sản lượng lúa mì giảm tới một mức nào đó, nông dân sẽ trồng sắn trên những cánh đồng lúa mì, bởi sắn có khả năng thích nghi với khí hậu nóng.
Bruce Campbell, giám đốc chương trình của Tổ chức Nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Nông nghiệp và An ninh lương thực, nói rằng những thay đổi sẽ xảy ra trong tương lai từng xảy ra trong quá khứ.
"Hai thập kỷ trước người dân châu Phi hầu như không ăn gạo, nhưng ngày nay họ đã sử dụng loại lương thực ấy. Con người phải thay đổi thói quen do sự biến động của giá. Gạo là lương thực mà người ta có thể trồng và nấu một cách dễ dàng", Campbell lấy ví dụ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.