(NSHN) - Hiện nông dân ở một số huyện có đất bãi đã làm giàu từ cây chuối. Tại các vùng này, cây chuối trồng không chỉ để lấy quả, lá, hoa tươi, mà thân chuối cũng được tận dụng, làm ra các sản phẩm hữu dụng. Mô hình sản xuất sợi chuối đang mở hướng đi mới cho một trong bốn cây ăn quả chủ lực của Hà Nội, đáp ứng các tiêu chí nông nghiệp tuần hoàn, sản xuất xanh, bền vững, giải quyết được vấn đề phát thải ra môi trường.
Tận dụng tối đa các sản phẩm từ cây chuối
Trên địa bàn các xã Khai Thái, Hồng Thái của huyện Phú Xuyên, hiện có khoảng 150ha trồng chuối, phủ kín vùng đất bãi ven sông Hồng. Trước đây, các phế, phụ phẩm từ cây chuối như hoa, lá chuối đều được tận dụng, sử dụng vào nhiều công việc trong đời sống và chỉ có thân chuối, sau khi chặt lấy buồng, trở thành rác thải nông nghiệp, khiến các chủ vườn rất khó xử lý. Song, với mô hình chế biến sợi chuối của Hợp tác xã Sợi chuối Khai Thái, xã Khai Thái, huyện Phú Xuyên, thân chuối được tận dụng làm nguyên liệu để chế biến, mang lại giá trị kinh tế cao.
Giám đốc Hợp tác xã Sợi chuối Khai Thái Nguyễn Đức Tuấn cho biết, từ thân cây chuối, có thể chế biến ra nhiều thứ, như phân hữu cơ, bã chuối, sợi chuối… Sợi chuối khô sau khi chuốt sạch được bện, tết lại thành những sợi thừng lớn nhỏ và nhuộm đủ màu để làm các loại hàng thủ công mỹ nghệ, như túi, giỏ, sọt, làn, khay, thảm với nhiều kiểu dáng độc đáo… Hiện tại, nhiều sản phẩm của hợp tác xã đã được chứng nhận OCOP 4 sao.
Hợp tác xã Sợi chuối Khai Thái còn đang ấp ủ đưa ra thị trường loại sản phẩm cao cấp hơn, đó là bông chuối.
Tương tự, ở xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm có hơn 350ha đất nông nghiệp, trong đó diện tích trồng chuối khoảng 150ha. Tại “thủ phủ” của cây chuối này, thân chuối sau thu hoạch cũng được tận dụng, đưa vào chế biến, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Chủ cơ sở sản xuất sợi chuối ở thôn Linh Quy Đông, xã Kim Sơn Nguyễn Văn Hiếu cho hay, từ tháng 1-2021, cơ sở đi vào hoạt động. Mỗi ngày cơ sở sản xuất sợi chuối sử dụng khoảng 3 tấn thân chuối nguyên liệu (với giá thu mua 150 nghìn đồng/tấn) để sản xuất ra 25kg sợi chuối thành phẩm. Giá bán sợi chuối hiện nay là 80 triệu đồng/tấn. Hiện tại, cơ sở sản xuất đang ký hợp đồng cung cấp sợi chuối cho Công ty TNHH một thành viên Musa Pacta thời hạn 1 năm, thời gian định kỳ thu mua sợi 3 tháng/lần.
Vẫn còn lãng phí
Hiệu quả là vậy, nhưng trên địa bàn thành phố mới có khoảng 5% thân chuối sau thu hoạch được xử lý, thu gom, còn lại hơn 90% vẫn trở thành phế, phụ phẩm trong nông nghiệp, gây ô nhiễm môi trường.
Lý giải vì sao các hợp tác xã sản xuất sợi chuối trên địa bàn thành phố chưa mở rộng được quy mô sản xuất, Giám đốc Hợp tác xã Sợi chuối Khai Thái Nguyễn Đức Tuấn cho biết, các hợp tác xã thiếu mặt bằng và vốn để mở rộng quy mô sản xuất. Mặt khác, các mặt hàng từ sợi chuối, phân hữu cơ, bã chuối… chưa được phổ biến rộng. Chẳng hạn, không phải ai cũng biết rằng, thân chuối sau khi được ép lấy sợi, đem ngâm ủ với quả chuối và các enzyme sinh học, làm thành chế phẩm sinh học hữu cơ, rất tốt cho việc tưới phong lan, cây cảnh và rau củ.
Còn theo Phó Chủ tịch UBND xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm, Bùi Văn Khanh, sản phẩm bã chuối đang được các cơ sở sản xuất công nghệ cao, ứng dụng kỹ thuật trong nông nghiệp lựa chọn làm giá thể để trồng rau, nấm, cây ăn quả… có ưu điểm vượt trội so với xơ dừa, mùn cưa, rơm… Bởi, bã chuối khô, xốp, nhẹ, mềm, thấm hút, đàn hồi tốt và có nhiều dinh dưỡng tốt cho cây trồng. Song hướng đi này rất cần cơ quan chức năng hỗ trợ, xây dựng mô hình để nhân rộng.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên Nguyễn Viết Xuân thông tin, hiện một tấn cây chuối tươi sau khi qua các công đoạn chế biến, thu được khoảng 8kg sợi chuối, chi phí sản xuất hết hơn 1,2 triệu đồng. Nếu như đơn vị sản xuất không tận dụng được các phế phụ phẩm khác trong quá trình chế biến, thì giá thành sợi chuối sẽ khá cao, khó cạnh tranh được với các nguyên liệu thủ công mỹ nghệ khác, như mây, cói, guột…
Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Phú Tuấn Nguyễn Văn May - đơn vị chuyên xuất khẩu các loại hàng thủ công mỹ nghệ đi nước ngoài cho hay, sợi chuối có tuổi thọ cao, mềm, mịn, dai và đặc biệt, trong mọi điều kiện thời tiết, kể cả thời tiết nồm ẩm của miền Bắc cũng không bị mốc, co ngót hay mối mọt. Tuy nhiên, giá thành sợi chuối vẫn rất cao.
Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa cho biết, thị trường sợi chuối đã hình thành và phát triển khoảng 15-20 năm nay ở các nước: Philippines, Ấn Độ, Trung Quốc..., thu hàng tỷ USD mỗi năm. Trong thời gian tới, để thúc đẩy nông nghiệp tuần hoàn, Hà Nội sẽ đưa nội dung này vào chuỗi sản xuất khép kín, xây dựng chuỗi giá trị cho cây chuối Hà Nội. Trung tâm cũng sẽ kiến nghị điều chỉnh một số chính sách hiện hành để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các mô hình, dự án kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, thông qua mặt bằng đất nông nghiệp sạch… để nối dài chuỗi giá trị gia tăng trong nông nghiệp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.