(HNM) - “Nhằm chia sẻ gánh nặng và phòng ngừa rủi ro cho doanh nghiệp, nhất là người lao động và thân nhân trước những rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thực sự là một trong những chính sách an sinh xã hội hữu ích nhất hiện nay”. Đây là chia sẻ của Cục trưởng Cục An toàn lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Tất Thắng khẳng định với phóng viên Báo Hànộimới.
- Trong quá trình sản xuất, kinh doanh, người lao động luôn phải đối diện các yếu tố nguy hiểm, có hại; cùng với đó, ý thức chấp hành pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động của người sử dụng lao động và người lao động chưa tốt chính là nguyên nhân gây ra các vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Trong bối cảnh ấy, vai trò của Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp càng trở nên quan trọng, ông đánh giá thế nào về nhận định này?
- Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có ý nghĩa rất lớn. Chính sách này không chỉ bảo đảm hỗ trợ y tế và thu nhập cho người lao động, người thân của họ khi xảy ra tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, mà còn giúp giảm nhẹ gánh nặng bồi thường từ người sử dụng lao động cũng như gánh nặng an sinh xã hội mà Chính phủ phải bảo đảm. Chính sách phòng ngừa và chia sẻ rủi ro của Quỹ rất thiết thực và thu hút được sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp.
Theo đó, Quỹ không chỉ hỗ trợ người lao động, mà còn sử dụng 10% doanh thu (khoảng 400-500 tỷ đồng/năm) để hỗ trợ các hoạt động phòng ngừa nhằm giảm thiểu rủi ro, tổn thất trong tương lai. Chính sách này cũng khuyến khích các doanh nghiệp được đóng phí bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp thấp hơn (từ 0,5% xuống 0,3%), nếu thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh lao động.
- Mục tiêu của Quỹ không đơn thuần là chuyện chi trả nhiều hay ít, mà chính là việc giảm thương tích cho người lao động, thưa ông?
- Có nhiều khoản hỗ trợ cho người lao động gặp rủi ro từ quỹ này. Đơn cử như chi trợ cấp một lần đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp làm suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30%; trợ cấp hằng tháng đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp làm suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên; chi phí nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi điều trị thương tật, bệnh tật; chi phí đào tạo nghề, chuyển đổi nghề cho người bị tai nạn lao động khi trở lại làm việc…
Căn cứ vào tình hình phát triển của Quỹ, Chính phủ quyết định tỷ lệ đóng góp cụ thể, nhưng không vượt quá 1%. Các doanh nghiệp được đánh giá không phát hiện vi phạm, tai nạn trong 3 năm hoặc tần suất các vụ tai nạn trong năm trước giảm ít nhất 15% so với bình quân 3 năm sẽ được đóng giảm, chỉ còn phải đóng 0,3%. Nghĩa là chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hướng đến việc cải thiện điều kiện làm việc tốt hơn, giảm tai nạn lao động để có mức đóng thấp hơn.
- Quá trình triển khai thực hiện bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp gặp khó khăn gì, thưa ông?
- Thứ nhất, số dư của Quỹ khá lớn. Ở thời điểm 2005, khi soạn thảo Luật An toàn vệ sinh lao động, số dư lúc đó khoảng 16 nghìn 300 tỷ đồng; đến cuối năm 2021, số dư đã đạt hơn 58 nghìn tỷ đồng. Chính vì vậy, thời gian tới, cần tăng các mức chi, đơn cử như tăng mức chi cho một vụ tai nạn lao động chết người, hoặc tăng đầu tư cho nội dung phòng ngừa.
Thứ hai, một số chính sách chưa đi vào cuộc sống như hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, hỗ trợ điều tra lại tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp.
Thứ ba, chính sách hỗ trợ cho các hoạt động phòng ngừa và chia sẻ rủi ro về tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, tỷ lệ giải ngân rất thấp, tổng kinh phí hỗ trợ chỉ bằng 10% nguồn thu của Quỹ (khoảng 500 tỷ đồng/năm).
Thứ tư, việc giảm mức đóng từ 0,5% xuống 0,3% trên cơ sở đánh giá tuân thủ pháp luật về an toàn vệ sinh lao động còn hạn chế, do tỷ lệ giảm ở mức thấp, thủ tục phức tạp, gây rủi ro và khó khăn cho doanh nghiệp…
- Theo ông, chúng ta cần làm gì để ngày càng phát huy chính sách an sinh xã hội hữu ích này?
- Mục tiêu của chính sách là khuyến khích các doanh nghiệp được hưởng mức đóng góp thấp hơn bằng cách cải thiện điều kiện làm việc và giảm thiểu rủi ro tại nơi làm việc, chính vì vậy, tỷ lệ đóng góp tối đa 1% như hiện nay cần áp dụng linh hoạt, tùy theo ngành nghề hoặc kết quả đánh giá rủi ro. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu sửa đổi chính sách theo hướng bổ sung các chế độ hỗ trợ và giảm nhẹ trách nhiệm trả lương, chi phí y tế và bồi thường từ người sử dụng lao động.
Cục An toàn lao động đang nghiên cứu xây dựng và sẽ trình một dự thảo nghị định vào năm 2023 để mở rộng diện bảo hiểm tai nạn lao động nghề nghiệp sang khu vực không có quan hệ lao động, có các giải pháp khuyến khích người lao động tự do tham gia, bảo đảm chính sách an sinh xã hội được bao phủ rộng, toàn diện, hướng tới mục tiêu giảm dần tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, giảm gánh nặng cho gia đình, doanh nghiệp và xã hội.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.