Xã hội

Sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội:Vì mục tiêu an sinh xã hội toàn dân

Hà Phong 02/03/2024 - 06:44

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đang nhận được sự quan tâm của đông đảo người lao động. Theo dự thảo Luật, tiêu chí bảo đảm hài hòa lợi ích của người tham gia và thụ hưởng các quyền lợi về bảo hiểm xã hội đã rõ hơn, với mục tiêu cao nhất là hướng đến bảo đảm an sinh xã hội toàn dân.

bao-hiem.jpg
Tư vấn bảo hiểm xã hội cho người dân tại quận Hà Đông. Ảnh: Nguyễn Quang

Sẽ có thêm nhiều người được hưởng lương hưu

So với Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đề xuất một số quy định theo hướng có lợi hơn cho người tham gia đóng bảo hiểm xã hội.

Cụ thể, dự thảo Luật đã điều chỉnh điều kiện hưởng lương hưu xuống tối thiểu 15 năm tham gia đóng bảo hiểm xã hội, thấp hơn 5 năm so với quy định hiện hành. Cùng với đó, ban soạn thảo quy định công dân từ đủ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp xã hội hằng tháng khác thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách nhà nước bảo đảm. Quy định này nhằm phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2030, khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội.

Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu (chưa đủ 15 năm đóng) và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (chưa đủ 75 tuổi) thì được lựa chọn trợ cấp hằng tháng. Mức hưởng tùy thuộc vào thời gian đóng, tiền lương, thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội của người lao động; đồng thời trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng được hưởng bảo hiểm y tế do ngân sách bảo đảm.

Cơ quan soạn thảo cũng đã tiếp thu ý kiến cử tri mở rộng đối tượng được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, gồm: Nhóm chủ hộ kinh doanh - có đăng ký kinh doanh; người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố (tương tự như đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã); người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương; người lao động làm việc không trọn thời gian - người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt; trường hợp không giao kết hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên. Dự kiến, khi luật đi vào đời sống, tổng số người được mở rộng có cơ hội tham gia bảo hiểm xã hội khoảng 3 triệu người.

Xem xét kỹ các yếu tố cấu thành tiền lương

Đón nhận các thông tin nêu trên, nhiều người lao động cho rằng, bên cạnh những điều khoản hướng tới hài hòa hơn lợi ích của người tham gia và thụ hưởng các quyền lợi, thì điều kiện rút bảo hiểm xã hội một lần cần tính toán sao cho hợp lý. Việc lựa chọn 1 trong 2 phương án rút bảo hiểm xã hội một lần được dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đề xuất chỉ giải quyết phần ngọn, chưa giải quyết tận gốc vấn đề. Đó là phải cải thiện tiền lương đóng bảo hiểm xã hội để tăng mức lương hưu nhằm thu hút người lao động tham gia lâu dài.

Cùng góc nhìn, nhiều đoàn viên công đoàn, người lao động Thủ đô đề nghị trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) hoặc các văn bản dưới luật cần quy định chi tiết các yếu tố cấu thành tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.

Chủ tịch Công đoàn Công ty May liên doanh Plummy (huyện Quốc Oai) Hà Phương Anh phân tích, khi tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, cả người sử dụng lao động và người lao động đều đã phải trích một khoản tiền nhất định để nộp vào quỹ bảo hiểm. Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đã hoàn thành nghĩa vụ bảo đảm phúc lợi cho người lao động. Tuy nhiên, khi người lao động vì một lý do nào đó không còn đi làm, không có nhu cầu tham gia bảo hiểm và muốn rút một lần thì nên để quyền quyết định cho đối tượng được hưởng phúc lợi chính là người lao động.

Ngoài ra, theo bà Hà Phương Anh, song song với việc linh hoạt rút bảo hiểm xã hội bắt buộc, cũng cần điều chỉnh điều kiện đủ tuổi hưởng lương hưu. Bởi thực tế hoạt động sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp cho thấy, người lao động phải làm những công việc nặng nhọc, nếu nam 62 tuổi hoặc nữ 60 tuổi mới nghỉ hưu thì người lao động không đủ sức khỏe làm việc. Vì vậy, đối với đối tượng đủ điều kiện đủ tuổi hưởng lương hưu nên chia làm 2 nhóm: Một là người lao động khối văn phòng có thể quy định tuổi nghỉ hưu là nam 62 tuổi, nữ 60 tuổi; hai là người lao động sản xuất trực tiếp có thể giảm số tuổi nghỉ hưu.

Trong khi đó, luật gia Lê Quang Vững đề nghị, trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) hoặc các văn bản dưới luật cần quy định chi tiết các yếu tố cấu thành tiền lương để làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội. Thậm chí, có thể quy định khung cho các yếu tố này giống như quy định về tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc mức thấp nhất, mức cao nhất. “Tôi đồng quan điểm với nhiều ý kiến đề xuất mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội bằng 70% tổng thu nhập”, ông Lê Quang Vững nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội: Vì mục tiêu an sinh xã hội toàn dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.