Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chia “bánh” hay không?

Vân Anh| 15/08/2021 05:17

(HNMCT) - Đầu tháng 7-2021, Truyền hình FPT ra thông báo về việc đơn vị này sở hữu bản quyền truyền hình trực tiếp các trận đấu bóng đá trong khuôn khổ UEFA Champions League, UEFA Europa League, UEFA Youth League... trong 3 mùa bóng tới (2021 - 2024).

Trước đó, Truyền hình FPT cũng đã sở hữu bản quyền truyền hình các trận đấu của đội tuyển bóng đá Việt Nam tại vòng loại thứ 3 Giải vô địch bóng đá thế giới 2022. Đó đều là những tin “lớn” đối với người hâm mộ bóng đá, những người có thể được xem hoặc không thể xem các trận đấu mà mình yêu thích nói trên chỉ bởi đã đăng ký hoặc không đăng ký gói kênh của Truyền hình FPT.

Thị trường truyền hình trả tiền tại Việt Nam luôn có biến động, một phần liên quan tới việc các đơn vị cung cấp dịch vụ tham gia vào thị trường này sở hữu bản quyền truyền hình trực tiếp các giải thể thao quan trọng. Hiện nay, ngoài Truyền hình FPT, ta có thể thấy Truyền hình K+ đang giữ quyền phát sóng Giải bóng đá Ngoại hạng Anh; VTVcab có bản quyền phát sóng La Liga (Giải vô địch bóng đá Tây Ban Nha)... Về nguyên tắc, đó đều là những hợp đồng mang tới quyền phát sóng "trực tiếp và duy nhất”, nghĩa là thuê bao của đơn vị nào thì được quyền xem chương trình của đơn vị đó. Tuy nhiên, vài năm qua, một số đơn vị có chính sách “chia sẻ bản quyền” bằng cách cho đối tác của mình tích hợp chương trình thể thao vào danh sách kênh của họ. Bằng cách đó, thuê bao của VTVcab, Truyền hình FPT, SCTV cũng có thể xem chương trình bóng đá trên  K+... Tất nhiên là người xem sẽ phải nộp thêm một khoản tiền để có được quyền đó, tốn kém hơn một chút nhưng còn hơn phải thay đổi nhà cung cấp dịch vụ chỉ để có cơ hội theo dõi những trận đấu bóng đá mà mình yêu thích.

Bởi thế, với nhiều người, câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu Truyền hình FPT có tạo điều kiện cho thuê bao của K+, VTVcab, SCTV... được xem các trận đấu mà mình sở hữu bản quyền theo cách như K+ và VTVcab đã chia sẻ với các đối tác hay không?

Khán giả truyền hình hy vọng “miếng bánh bóng đá” nói trên sẽ được chia sẻ trên tinh thần “vì nhân dân phục vụ”, không tổn hại tới quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp nhưng cũng không đẩy một bộ phận không nhỏ hộ gia đình phải thay đổi nhà cung cấp dịch vụ hoặc “cõng” thêm quá nhiều khoản chi không đáng có cho việc lắp đặt thêm đầu thu của nhà mạng mới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chia “bánh” hay không?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.