(HNM) - Giám sát là một trong những chức năng chủ yếu của HĐND các cấp. Qua theo dõi thực tiễn hoạt động này ở HĐND thành phố Hà Nội và các quận, huyện, thị xã cho thấy, hiệu quả giám sát phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng đại biểu dân cử.
Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Hà Nội thực hiện giám sát tại Trường Mầm non thị trấn Chi Đông, huyện Mê Linh. |
Hiệu quả hoạt động giám sát chưa cao
Cùng với các địa phương khác, HĐND huyện Chương Mỹ thời gian qua đã đổi mới hoạt động, lựa chọn những vấn đề quan trọng, bức xúc được nhiều cử tri quan tâm để khảo sát, giám sát và thường xuyên đôn đốc thực hiện các kết luận sau giám sát. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch HĐND huyện Chương Mỹ Nguyễn Văn Nam, hoạt động giám sát của HĐND huyện đang tồn tại hạn chế làm cho hiệu quả hoạt động giám sát chưa cao. Trong đó, việc đại biểu kiêm nhiệm chiếm đa số trong cơ cấu tổ chức của HĐND, dẫn đến tình trạng nể nang, ngại va chạm, không thể hiện rõ chính kiến của đại biểu trong quá trình thực hiện giám sát là nguyên nhân chính.
Ở HĐND huyện Mê Linh cũng vậy. Bởi có nhiều đại biểu còn “dĩ hòa vi quý” trong hoạt động giám sát nên tại một số phiên chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp HĐND huyện từ đầu nhiệm kỳ 2016-2021 đến nay, câu hỏi chất vấn chưa đi thẳng vào vấn đề sát với tình hình thực tế địa phương như công tác môi trường, dồn điền đổi thửa, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…
Theo Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Gia Lâm Nguyễn Huy Việt, đa số đại biểu HĐND các cấp hoạt động không chuyên trách và còn mang tính chất cơ cấu, nên chất lượng hoạt động còn hạn chế. Trong đó rõ nhất là việc thực hiện chức năng giám sát thông qua hình thức chất vấn tại kỳ họp. Đáng lưu ý, những kiến nghị sau giám sát của HĐND chưa được các đơn vị liên quan thực hiện, khắc phục một cách nhanh chóng, kịp thời. Trong khi đó, theo quy định thì hiện chưa có biện pháp, chế tài hoặc cơ chế hữu hiệu nào để quy trách nhiệm và xử lý nghiêm những cơ quan, tổ chức, cá nhân chậm trễ hoặc cố ý trì hoãn việc tiếp thu, khắc phục theo những kiến nghị của HĐND sau giám sát. Điều đó cũng gây tác động lớn đến tâm lý của mỗi đại biểu HĐND các cấp.
Bên cạnh việc nhiều đại biểu kiêm nhiệm ngại va chạm, né tránh thể hiện chính kiến của mình, thì thực tiễn còn cho thấy, nhiều đại biểu có năng lực, trình độ chưa đáp ứng tốt vị trí, vai trò trong hoạt động cơ quan dân cử. Bởi lĩnh vực giám sát của HĐND là rộng và toàn diện, chuyên sâu, đòi hỏi chủ thể giám sát phải có kiến thức chuyên môn để phân tích, đánh giá chính xác hoạt động của đơn vị chịu sự giám sát. Tuy nhiên, không phải đại biểu nào cũng “thạo việc”, dẫn đến hoạt động giám sát đôi lúc chỉ mang tính hình thức.
Tăng cường tập huấn kỹ năng chuyên sâu
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn nhận định, chất lượng giám sát của HĐND một số địa phương chưa cao; trong đó, năng lực hoạt động, phản biện của nhiều đại biểu HĐND cấp huyện chưa tốt, chưa thực sự xứng đáng với niềm tin, kỳ vọng của nhân dân và cử tri địa phương… Do đó tới đây, thành phố sẽ tăng cường tập huấn kỹ năng chuyên sâu để đại biểu HĐND cấp huyện có đủ tri thức, khả năng nắm bắt những vấn đề quản lý mang tính chuyên môn sâu, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động giám sát.
Ngoài ra, trong điều kiện vẫn còn nhiều đại biểu chuyên trách theo cơ cấu, để nâng cao chất lượng giám sát, khi thành lập đoàn giám sát cần lựa chọn những thành viên am hiểu, nhiều kinh nghiệm chuyên môn ở lĩnh vực chọn giám sát. Mặt khác, thường trực, các ban HĐND cấp huyện sớm cung cấp các thông tin, tài liệu có liên quan để các thành viên có điều kiện nghiên cứu, tìm hiểu kỹ vấn đề trước khi tiến hành giám sát trực tiếp tại đơn vị. Đây là kinh nghiệm của HĐND các quận: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Cầu Giấy, Ba Đình…, nơi đã làm tốt hoạt động này thời gian qua.
Hoạt động giám sát của HĐND các huyện: Thạch Thất, Phú Xuyên, Thanh Trì, Ba Vì… đã chuyển biến chất lượng nhờ làm tốt hoạt động tập huấn kỹ năng cho đại biểu dân cử. Tiêu biểu như HĐND huyện Thạch Thất, qua tập huấn, hoạt động giám sát trực tiếp tại 2 phiên giải trình về công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng và công tác giao đất dịch vụ cho nhân dân, vệ sinh môi trường đã phát huy hiệu quả. Cụ thể là với cách đại biểu đặt câu hỏi trúng, xoay quanh quyền lợi của người dân và doanh nghiệp, trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương nên UBND huyện đã tiếp thu, chỉ đạo giải quyết. Đến nay, về đất dịch vụ, từ chỗ tồn tại nhiều năm đã từng bước được tháo gỡ. UBND huyện Thạch Thất đã bố trí quỹ đất, dự kiến giao xong trước tháng 6-2019 theo chỉ đạo của thành phố. Ngoài ra, công tác vệ sinh môi trường của huyện đã chuyển biến tích cực, tỷ lệ thu gom rác thải hằng ngày đạt 100%.
Thực tiễn cho thấy, việc tập huấn kỹ năng cho đại biểu được đề cập, song từ đầu nhiệm kỳ 2016-2021 đến nay vẫn chưa có nhiều chuyển biến, nhất là ở HĐND các xã, phường, thị trấn. Về vấn đề này, theo Chủ tịch HĐND quận Ba Đình Nguyễn Công Thành, thời gian tới, ngoài việc tổ chức tập huấn ở đầu nhiệm kỳ, hằng năm, HĐND cấp quận, huyện cần tăng cường các lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên sâu theo chủ đề khối tư pháp, kinh tế - ngân sách, văn hóa - xã hội. Ngoài ra, nên có những buổi tập huấn mẫu về một lĩnh vực giám sát cụ thể, giúp đại biểu nắm rõ quy trình, các tình huống xảy ra và cách thức đặt vấn đề trong quá trình giám sát.
Nâng chất lượng đại biểu nhằm nâng chất lượng hoạt động của HĐND nói chung và hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử nói riêng là nhiệm vụ cấp thiết hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.