Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chấn chỉnh hoạt động quảng cáo ngoài trời: Cần quy hoạch tổng thể, rõ ràng

Minh Ngọc| 11/06/2016 07:38

(HNM) - Hoạt động quảng cáo ngoài trời (QCNT) diễn ra lộn xộn, thiếu quy hoạch, ảnh hưởng đến trật tự, mỹ quan đô thị là một trong những vấn đề nổi cộm những năm qua. Vì thế, trong quá trình triển khai thực hiện

Hà Nội sẽ áp dụng nhiều biện pháp siết chặt việc quảng cáo ngoài trời.Ảnh: Anh Tuấn


Vào cuộc quyết liệt, chuyển biến rõ nét

Trước Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch số 167/KH-UBND ngày 15-12-2009 về quản lý, tổ chức hoạt động quảng cáo rao vặt (QCRV) trên địa bàn nhằm dọn sạch "rác văn hóa". Ngay khi Kế hoạch 167 được ban hành, người người, nhà nhà ra quân bóc, xóa QCRV; chính quyền địa phương, ngành văn hóa tăng cường tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân có nhu cầu QCRV thực hiện quảng cáo (QC) đúng quy định. Quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Cầu Giấy… thành lập đội xung kích, đội tự quản, bố trí lực lượng thường xuyên kiểm tra tình hình QCRV tại các tuyến đường, ngõ, phố. Nhờ đó, về cơ bản hoạt động QCRV trên địa bàn Hà Nội đã đi vào nền nếp.

Nhức nhối không kém nạn QCRV là sự lộn xộn về biển hiệu, biển QC trên hầu hết các tuyến đường, phố ở Thủ đô. Nhằm chấn chỉnh hoạt động này, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 94/2009/QĐ-UBND ngày 24-8-2009 về "Quy chế quản lý hoạt động QCNT trên địa bàn TP Hà Nội" (từ ngày 20-1-2016 đến nay, Quyết định số 94 được thay thế bằng Quyết định số 01/2016/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội với nội dung tương tự nhưng có sự điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tế). Trên tinh thần đó, các địa phương có cách làm sáng tạo nhằm đưa hoạt động QCNT vào nền nếp. Từ năm 2010 đến nay, quận Đống Đa ra quân tháo dỡ hàng nghìn biển hiệu, biển QC vi phạm; xây dựng các "phố điểm" về QC như phố Thái Hà, Chùa Bộc, Kim Mã…

Hướng đến sự thay đổi bền vững, quận Hoàn Kiếm coi lắp đặt biển hiệu, biển QC đúng quy định là một trong những yếu tố tạo nên nét văn hóa, văn minh trong kinh doanh, luôn động viên, khuyến khích các hộ tự giác thực hiện. Cán bộ các ngành chức năng quận Long Biên là đối tượng trực tiếp chuyển tải quy định về hoạt động QCNT nói riêng, về nếp sống văn minh đô thị (VMĐT) nói chung đến từng hộ gia đình, góp phần đưa Long Biên trở thành điểm sáng về quản lý hoạt động QCNT.

So sánh hình ảnh các tuyến phố nội đô hiện nay so với những năm trước đây, ai cũng có thể thấy sự thay đổi theo hướng tích cực. Đó là minh chứng rõ nhất cho thấy sự cần thiết phải đưa hoạt động QCNT vào nền nếp.

Xây dựng quy hoạch chung, nhân rộng mô hình mới

Lắp đặt biển hiệu, biển quảng cáo theo đúng quy định là yếu tố tạo nên nét văn hóa. Trong ảnh: Biển hiệu, biển quảng cáo trên phố Nhà Chung (quận Hoàn Kiếm). Ảnh: Anh Tuấn


Không thể phủ nhận kết quả đã đạt được, song so với yêu cầu phát triển của một Hà Nội văn minh, công tác quản lý QCNT cần phải được thực hiện quyết liệt hơn nữa. Theo quy định, biển hiệu ngang có chiều cao tối đa 2m, chiều dài không vượt quá chiều ngang mặt tiền nhà; biển hiệu dọc có chiều cao tối đa 4m nhưng không vượt quá chiều cao của tầng nhà nơi đặt biển hiệu, chiều ngang tối đa là 1m... Tuy nhiên, khảo sát thực tế cho thấy sự lộn xộn về nội dung, kích thước biển hiệu, biển QC trên cùng một tuyến đường, phố vẫn là điều phổ biến dù quy định chung đã có.

Thấy rõ hiện trạng và hạn chế trong lĩnh vực QCNT, UBND quận Long Biên đã xây dựng và triển khai đề án "Quy hoạch, sắp xếp hệ thống biển QC, biển hiệu, biển chỉ dẫn trên địa bàn" (giai đoạn 2014-2020) trên cơ sở nhân rộng mô hình các tuyến phố điểm về QC. Theo đó, từ năm 2015 đến nay, các ngành chức năng của quận đã khảo sát, đánh giá, thiết kế, xây dựng phương án chỉnh trang hàng nghìn biển hiệu trên tuyến đường Ngọc Lâm, đường đê Ngọc Thụy, đường từ cầu Đông Trù đến Cầu Đuống, đường Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Sơn, Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Linh… Bên cạnh đó, quận Long Biên còn lắp đặt hàng trăm biển QC tấm nhỏ đúng quy cách trên một số tuyến đường chính; huy động nguồn kinh phí xã hội hóa để lắp đặt biển QC tấm nhỏ, bảng hộp đèn… tại những vị trí đã quy hoạch.

Ở quận Tây Hồ, công tác chấn chỉnh hoạt động QCNT được thực hiện lồng ghép với quá trình xây dựng mô hình "Phường văn hóa" và "Phường đạt chuẩn văn minh đô thị" trên toàn địa bàn. Đó cũng là cách làm của nhiều địa phương khác trên địa bàn Hà Nội.

Đối với hệ thống bảng QC tấm lớn, trên phạm vi toàn thành phố, các ngành chức năng đã và đang tiến hành kiểm tra, rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của hệ thống này, từ đó đưa ra giải pháp quản lý khả thi. Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Hànộimới, Sở VH-TT Hà Nội là đơn vị chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng xây dựng Quy hoạch QCNT trên địa bàn TP Hà Nội. Trong thời gian chờ quy hoạch, cơ quan quản lý tạm dừng việc cấp phép lắp dựng mới biển QC tấm lớn; các biển cũ được duy trì hiện trạng cho đến khi có quy định mới.

Nói về dự thảo quy hoạch QCNT, ông Nguyễn Khắc Lợi, Phó Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội cho biết, điều được đánh giá cao trong dự thảo quy hoạch này là ý tưởng xây dựng các tuyến đường, phố mang đặc trưng riêng của Hà Nội. Trên tuyến phố ấy, từ lòng đường, vỉa hè đến hông tường nhà lắp đặt biển hiệu, biển QC..., tất cả phải tuân thủ quy định, quy chuẩn rõ ràng. "Quy hoạch QCNT được coi là giải pháp tổng thể để khắc phục những vấn đề tồn tại hiện nay, đưa hoạt động QCNT đi vào nền nếp, góp phần thực hiện nếp sống VMĐT", ông Nguyễn Khắc Lợi nhấn mạnh. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chấn chỉnh hoạt động quảng cáo ngoài trời: Cần quy hoạch tổng thể, rõ ràng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.