Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần sự vào cuộc chủ động, tinh thần trách nhiệm cao của các địa phương

Bảo Khánh| 23/08/2020 05:10

(HNMCT) - Bảo vệ, quản lý hệ thống di vật, hiện vật là một phần quan trọng trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị của các di tích văn hóa, lịch sử  trên địa bàn thành phố Hà Nội. Phóng viên Hànộimới Cuối tuần đã trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Doãn Văn, Trưởng ban Quản lý di tích - danh thắng Hà Nội (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) xung quanh vấn đề này.

- Thưa ông, để thực hiện công tác quản lý di vật, hiện vật tại các di tích trên địa bàn Hà Nội, Thành phố đã đề ra chủ trương, chính sách như thế nào?

- Điều 16 Luật Di sản văn hóa quy định, các tổ chức, cá nhân quản lý trực tiếp di sản văn hóa có các quyền và nghĩa vụ bảo vệ, giữ gìn di sản văn hóa; thực hiện biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại di sản văn hóa; thông báo kịp thời cho chủ sở hữu hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền nơi gần nhất khi di sản văn hóa bị mất.

Ngày 17-11-2016, UBND thành phố Hà Nội đã có Quyết định số 48/2016/QĐ - UBND về việc ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố Hà Nội, trong đó nêu rõ: Định kỳ hằng năm, các đơn vị quản lý di tích cấp thành phố, UBND cấp huyện chỉ đạo kiểm kê hiện vật thuộc di tích đã được xếp hạng... Như vậy là chúng ta đã có quy định rõ ràng. Đây là công việc chung của toàn dân; các tổ chức, cá nhân đều có nghĩa vụ và trách nhiệm bảo vệ di vật, hiện vật dưới sự hướng dẫn của các cơ quan bảo vệ pháp luật và cơ quan chuyên môn về di sản văn hóa.

- Vậy nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng liên tục xảy ra các vụ mất cắp di vật, hiện vật? Thành phố đã có chỉ đạo gì nhằm hạn chế tình trạng này, thưa ông?

- Thời gian vừa qua, trên địa bàn cả nước nói chung và thành phố Hà Nội nói riêng đã xảy ra nhiều vụ mất cắp di vật, hiện vật tại các di tích. Đặc biệt, vào thời điểm Thành phố thực hiện giãn cách xã hội do đại dịch Covid-19, nhiều di tích đã xảy ra tình trạng mất di vật, hiện vật. Khi đó, các cấp chính quyền đang tập trung chống dịch nên kẻ gian đã lợi dụng điều đó để hoành hành. Tuy nhiên, một số nơi có sự buông lỏng quản lý. Khi di vật, hiện vật bị mất, một số địa phương đã không kịp thời trình báo, gây khó khăn cho cơ quan quản lý văn hóa, cơ quan công an trong việc truy tìm di vật, hiện vật bị mất.

Ngay sau khi các vụ mất cắp diễn ra, ngày 6-5-2020, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã có văn bản báo cáo UBND Thành phố về công tác quản lý di vật, hiện vật tại các di tích. Ngày 11-6-2020, UBND Thành phố có văn bản số 2352/UBND-KGVX về việc quản lý di vật, hiện vật; xây dựng, tu bổ, tôn tạo không phép, sai phép tại các di tích trên địa bàn thành phố... Đó là những văn bản thể hiện sự chỉ đạo kịp thời nhằm ngăn chặn tình trạng nói trên.

- Chính quyền địa phương có vai trò như thế nào trong việc quản lý di vật, hiện vật tại các di tích?

- Theo quy định phân cấp, UBND các quận, huyện, thị xã có trách nhiệm tổ chức quản lý nhà nước đối với di tích thuộc danh mục kiểm kê trên địa bàn theo phân công quản lý, bảo đảm thực hiện Luật Di sản văn hóa, các quy định hiện hành của Nhà nước và Thành phố Hà Nội về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với các cơ quan chức năng chỉ đạo, thực hiện công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích trong phạm vi quản lý theo thẩm quyền.

Như vậy, UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND Thành phố về công tác quản lý di sản văn hóa. Để xảy ra tình trạng trên, một phần do UBND các quận, huyện, thị xã chưa nghiêm túc thực hiện nội dung Quyết định số 48/2016/QĐ - UBND ngày 17-11-2016 của UBND Thành phố; một số địa phương lơi lỏng, thiếu chỉ đạo, kiểm tra kịp thời.

- Hà Nội là địa phương có số lượng di tích lớn, vì vậy, công tác quản lý di sản nói chung và di vật, hiện vật tại các di tích nói riêng hẳn sẽ có nhiều khó khăn. Đâu là giải pháp cần có để khắc phục những khó khăn, bất cập đó, thưa ông?

- Theo Danh mục kiểm kê di tích được công bố tại Quyết định số 5745/QĐ - UBND ngày 14-10-2016 của UBND Thành phố, Hà Nội có 5.922 di tích. Trong đó có 19 Di tích quốc gia đặc biệt, 1.163 Di tích cấp quốc gia... Số lượng di tích lớn đặt ra trước ngành Văn hóa không ít khó khăn. Nhiều di tích ở nơi biệt lập với khu dân cư, nhất là tại các huyện ngoại thành. Trải qua thời gian, rất nhiều di tích bị xuống cấp nặng, không đủ điều kiện bảo đảm an toàn cho di vật, hiện vật. Nhiều địa phương chưa hiểu hết giá trị của di tích, di vật, hiện vật, buông lỏng công tác quản lý.

Về giải pháp, Sở Văn hóa và Thể thao ban hành các văn bản và chủ động phối hợp với UBND các, quận, huyện, thị xã, các đơn vị chức năng trong việc thực hiện công tác quản lý, bảo vệ di vật, hiện vật tại các di tích. Bên cạnh đó, UBND các quận, huyện, thị xã cần chỉ đạo các phòng, ban chức năng, UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện tốt một số công việc thường xuyên. Đó là, xây dựng kế hoạch, rà soát, kiểm kê, thống kê, vẽ sơ đồ bài trí di vật, hiện vật; bổ sung, hoàn thiện hồ sơ di vật, hiện vật tại các di tích trên địa bàn, nhất là các di tích đã xếp hạng từ năm 2010 trở về trước, để làm cơ sở cho việc bảo quản di vật, hiện vật theo đúng quy trình, khoa học.

Cùng với đó, các địa phương cần tăng cường kiểm tra, rà soát, hướng dẫn các ban quản lý di tích, tiểu ban bảo vệ di tích xã, phường, thị trấn trong việc kiện toàn tổ chức quản lý, hoàn thiện phương án bảo vệ, bảo quản, bảo tồn; chủ động lắp đặt thiết bị bảo vệ như camera... Chúng ta cũng phải chú trọng tăng cường lực lượng tham gia tiểu ban quản lý di tích xã, phường, thị trấn bởi thành phần tham gia bảo vệ di tích hiện nay chủ yếu là cán bộ về hưu, các cụ phụ lão hoạt động theo chế độ tự nguyện hoặc kiêm nhiệm...

Khi sự việc đáng tiếc xảy ra, các bên liên quan trong công tác quản lý cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an nhằm nhanh chóng tổ chức điều tra, truy tìm những di vật, hiện vật đã mất để trả lại cho di tích, đồng thời làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xảy ra vụ việc. Ngoài việc xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cần có hình thức động viên, khen thưởng kịp thời đối với tổ chức, cá nhân có thành tích phát hiện, ngăn chặn nạn mất cắp di vật, hiện vật tại di tích.

Cũng về giải pháp, một nội dung quan trọng khác là tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, vận động nhân dân, cán bộ, đảng viên tham gia vào việc bảo vệ, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa, tuân thủ các quy định của Luật Di sản văn hóa, Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Hệ thống di tích, di vật, hiện vật là tài sản quốc gia nhưng nằm trên địa bàn các địa phương. Bởi vậy, cần lưu ý rằng sự vào cuộc chủ động với tinh thần trách nhiệm cao của chính quyền các địa phương - nơi trực tiếp quản lý di tích và hệ thống di vật, hiện vật - là đặc biệt quan trọng đối với sự thành công của công tác bảo vệ di sản nói chung.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần sự vào cuộc chủ động, tinh thần trách nhiệm cao của các địa phương

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.