(HNM) - Trận đấu Iraq - Việt Nam tại lượt cuối vòng loại World Cup 2018 vừa qua đã khơi gợi nhiều cách lý giải về sự thua kém của đội tuyển Việt Nam, trong đó có thể hình, thể lực. Thực tế, nếu quan tâm và đầu tư rốt ráo cho khâu này thì không chỉ bóng đá mà nhiều môn khác có thể cải thiện được thể hình, thể lực cho VĐV nhanh hơn so với dự kiến.
Thủ thành Nguyên Mạnh (tím) cũng không thắng nổi cầu thủ Iraq khi tranh bóng bổng |
Thiệt đủ bề
Xem trận đấu Iraq - Việt Nam, người ta không khỏi ngán ngẩm khi các cầu thủ Việt Nam liên tục mất bóng khi bị áp sát dù họ đã chủ động che chắn, cài bóng. Lê Công Vinh, một trong những cầu thủ giàu kinh nghiệm và giỏi cài bóng cũng không chịu nổi các pha áp sát của các cầu thru Iraq có thể hình và thể lực trội hơn hẳn. Cứ mỗi khi quay lưng nhận bóng là Công Vinh đều không giữ nổi, liên tục để mất bóng. Cũng vì vậy, tiền đạo này đã ức chế đến nỗi thúc cả cùi chỏ vào mặt đối thủ.
Phải đến hiệp 2, khi HLV Nguyễn Hữu Thắng đưa Công Vinh ra biên, cầu thủ này mới không phải nhận bóng trong tư thế quay lưng về khung thành như khi đá trung phong. Khi ấy, anh mới đủ thời gian để cầm và chuyền bóng. Còn bàn thắng của Iraq trong trận này cũng đến từ một tình huống bóng bổng khi thủ thành Nguyên Mạnh dù được cả sải tay hỗ trợ cũng không thắng được sức mạnh và thể hình của tiền vệ Iraq. Trước đó, Ban huấn luyện và chính các cầu thủ Việt Nam cũng đã hết sức đề phòng những pha tạt bóng từ biên của đối thủ nhưng cuối cùng đội tuyển vẫn để thủng lưới, không thể cưỡng được.
Thành Lương (đỏ) thất thế hoàn toàn trước các cầu thủ to cao của Iraq |
Không phải đến trận Iraq - Việt Nam vừa qua, người ta mới nhận thấy hết sự quan trọng của thể hình, thể lực trong các môn đối kháng trực tiếp như bóng đá, bóng rổ... hay gián tiếp như bóng chuyền, bóng bàn... Từ nhiều năm nay, mỗi khi đối đầu với các đội bóng Đông Á, Tây Á, thể hình và thể lực luôn là nỗi ám ảnh với các cầu thủ Việt Nam. Thua thiệt như vậy nên bóng đá Việt Nam lép vế đủ đường. Thậm chí, khi thi đấu ở Đông Nam Á trước các đội bóng mạnh về thể lực và có chiều cao trung bình tốt hơn như Malaysia, Singapore bóng đá Việt Nam cũng đã gặp vô số khó khăn.
Nó được coi như cái thua khó khắc phục với bóng đá Việt Nam ở đấu trường quốc tế từ nhiều năm qua. Không phải ngẫu nhiên mà khi nắm đội tuyển Việt Nam, ông T.Miura đã dùng nhiều cầu thủ có thể hình để đối chọi lại các đội bóng có thể hình, thể lực tốt hơn. Nhưng kể cả khi có nhiều cầu thủ to cao thì đội tuyển Việt Nam vẫn chỉ hạn chế được phần nào điểm yếu này. Đơn giản, đấy là sự "to, cao" so với chính mặt bằng cầu thủ Việt Nam chứ không phải so với đối thủ.
Không kể, khi có chiều cao, sức mạnh thì nhiều cầu thủ Việt Nam lại hạn chế ở kỹ thuật, tư duy chơi bóng. Còn các đội khác lại có nhiều cầu thủ hội đủ yếu tố cao, to, giỏi tranh chấp, giàu kỹ thuật và tư duy chơi bóng. Đến thời của HLV Nguyễn Hữu Thắng, những cầu thủ có kỹ thuật, tốc độ, tư duy chơi bóng dù thể hình không quá lý tưởng được trọng dụng. Dù vậy, việc những cầu thủ kiểu này như Tuấn Anh, Xuân Trường bị vắt kiệt sức chỉ sau hơn 60 phút thi đấu với Iraq hay Văn Toàn, Công Vinh, Thành Lương... nhỏ thó so với những đồng nghiệp Iraq đã cho thấy thể lực, thể hình vẫn là vấn đề khó với bóng đá Việt Nam trong thời gian tới.
Sự gợi mở ở đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia
Đến lúc này, HLV Nguyễn Hữu Thắng sẽ phải chấp nhận bộ khung đội tuyển với những cầu thủ có thể hình thua thiệt so với nhiều đội khác và phương án chống bóng bổng vẫn luôn được đặt ra trong nhiều trận đấu. Để khắc phục điều này sẽ phải bắt đầu từ khâu đào tạo trẻ khi VĐV được hưởng chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt, tập luyện hợp lý. Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2020 cũng đã đặt ra vấn đề này khi cho rằng:"Ưu tiên ứng dụng nghiên cứu khoa học, y học thể thao cho công tác huấn luyện, ứng dụng công nghệ cao trong công tác huấn luyện kỹ thuật, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý dữ liệu về vận động viên thể thao thành tích cao và vận động viên trẻ kế cận". Lò đào tạo Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG được coi là điểm sáng về khâu dinh dưỡng, sinh hoạt cho các cầu thủ trẻ. Thế nên, một Công Phượng nhỏ thó, từng bị lò Sông Lam Nghệ An không thu nhận do khó phát triển về thể hình mới có thể cao đến 1m70.
Một buổi tập thể lực của các VĐV bóng bàn trẻ quốc gia |
Đấy là chuyện ở lò đào tạo tư nhân, mang tính xã hội hóa nên nguồn kinh phí cho khâu dinh dưỡng không phải vấn đề quá lớn. Còn ở những nơi đào tạo còn mang tính bao cấp, chủ yếu trông vào kinh phí Nhà nước, đây vẫn là vấn đề nan giải. Tuy nhiên, nếu biết cách làm thì vẫn có thể tận dụng các thành tựu khoa học, nhất là mảng dinh dưỡng, vào đào tạo VĐV với chi phí hợp lý nhất. Chuyện ở đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia là ví dụ. Hiện tại, tay vợt Hà Hữu Khang của đội tuyển đang là 1 trong 5 em dưới 18 tuổi của Việt Nam được hưởng chế độ hỗ trợ dinh dưỡng của Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc, thông qua sự giới thiệu của Viện dinh dưỡng quốc gia, cho đến năm 18 tuổi.
Năm nay gần 15 tuổi, Hà Hữu Khang cao 1m45. Nhưng theo dự báo, với việc được hỗ trợ thuốc dinh dưỡng từ một hãng dược phẩm của Đức với tổng giá trị ước khoảng trên 400 triệu đồng cho 4 năm, kết hợp với chế độ tập luyện, sinh hoạt, Hà Hữu Khang có thể cao từ 1m65 đến 1m67. Với chiều cao như vậy, tay vợt được đánh giá là có kỹ thuật, tư duy thi đấu này mới có thể theo nghiệp VĐV chuyên nghiệp.
Ngoài ra, từ đầu năm 2016, các VĐV trong đội đã được sử dụng cao năng lượng Hibo của Viện dinh dưỡng quốc gia với mức giá thấp nhất có thể, qua đó giúp VĐV hồi phục nhanh chóng. Thực tế, đây là sự hỗ trợ của Viện dinh dưỡng quốc gia với đội tuyển. Trước đó, chính Viện trưởng Viện dinh dưỡng quốc gia Lê Danh Tuyên đã trực tiếp thị sát bữa ăn của các VĐV ở đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia trong một tuần liên tục để sau đó đưa ra tính toán về khẩu phần ăn cho VĐV cho đội nhằm đáp ứng nhu cầu tập luyện, tích lũy thể lực.
Riêng về thuốc thực phẩm để tăng chiều cao cho VĐV, do giá cả ngoài khả năng chi trả của nhà nước (khoảng 30 triệu đồng/ năm) nên Ban huấn luyện chỉ có thể làm cầu nối giữa gia đình VĐV với đơn vị cung cấp để có mức giá thấp nhất có thể. Một số gia đình VĐV cũng đã thực hiện theo phương án này từ cuối năm 2015. Trong thời gian tới, ngoài hỗ trợ của hãng thực phẩm chức năng Herbalife, Ban huấn luyện đội cũng đã nhận được sự đồng ý của một số doanh nghiệp về việc thành lập một Quỹ hỗ trợ các VĐV bóng bàn trẻ quốc gia để giúp các VĐV trẻ có thể tăng cường thuốc thực phẩm cũng như thi đấu quốc tế.
Cũng chỉ từ năm ngoái, phòng tập thể lực của Trường ĐH TDTT Từ Sơn, nơi đội tập luyện và ăn nghỉ, mới được "hâm nóng" trở lại sau thời gian dài ít được các đội tuyển khác ngó ngàng. HLV Bùi Xuân Hà của đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia cho hay rằng:" Hiện tại, ngoài phát triển thể hình cho VĐV, người ta còn chú trọng đến tăng cường khối cơ, các cơ xung quanh cơ chính nhằm phát huy sức mạnh toàn diện. Nếu không tận dụng được phòng tập thể lực của trường ĐH TDTT Từ Sơn sẽ là lãng phí lớn".
Chuyện của đội bóng trẻ quốc gia dù sao cũng là nỗ lực riêng lẻ của một cá nhân tâm huyết với nghề và có mối quan hệ rộng. Sẽ cần phải có nhiều hơn những cái bắt tay giữa đơn vị đào tạo như Tổng cục TDTT, Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT các tỉnh, thành... với những cơ quan nghiên cứu như Viện dinh dưỡng quốc gia, các hãng thực phẩm chức năng để giúp VĐV phát triển hết những tố chất về thể hình, thể lực để không thiệt thòi mỗi khi thi đấu quốc tế. Đấy là chuyện có thể làm ngay và làm được thay vì chỉ trông chờ Đề án nâng cao tầm vóc và thể lực người Việt Nam đi vào hiện thực
.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.