Luận đàm thời sự

Bước tiến tạo tầm vóc mới

Đại sứ Trần Đức Mậu 25/08/2023 - 06:28

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã không quá lời khi đề cập đến "Nước Ấn Độ mới" ngay sau thời khắc tàu vũ trụ Chandrayaan-3 của Ấn Độ đổ bộ thành công xuống cực Nam của Mặt trăng, 4 năm sau thất bại ở lần đổ bộ đầu tiên và 15 năm sau khi phóng tàu thăm dò đầu tiên lên quỹ đạo quanh Mặt trăng.

india.jpg

Thành công lần này có ý nghĩa rất to lớn và quan trọng đối với Ấn Độ. Ấn Độ trở thành quốc gia thứ 4 trên thế giới hiện diện trên bề mặt của Mặt trăng, sau Liên Xô trước đây, Mỹ và Trung Quốc, nhưng là quốc gia đầu tiên có tàu vũ trụ đổ bộ xuống cực Nam của Mặt trăng. Vùng này chưa từng được con người khám phá, địa hình đồi núi cao không thuận lợi cho các con tàu vũ trụ đổ bộ.

Các nhà khoa học cho rằng, ở vùng cực Nam này của Mặt trăng có nguồn băng, nước dự trữ và nhiều nguyên vật liệu, chất liệu cần thiết cho cuộc sống của con người và cho việc xây dựng căn cứ hậu cần trên Mặt trăng để chinh phục những tinh tú xa xôi hơn. Cho nên, trong chừng mực nhất định có thể nói Ấn Độ không những đã đuổi kịp Nga hiện tại, Mỹ và Trung Quốc trong công cuộc chinh phục Mặt trăng, mà còn đã đi trước ba quốc gia này trên phương diện thám hiểm cực Nam của Mặt trăng.

Ấn Độ hiện là nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới sau Mỹ, Trung Quốc, Đức và Nhật Bản. Nhưng mọi dự báo đều cho thấy Ấn Độ có thể sẽ vượt Đức và Nhật Bản vào năm 2030. Ấn Độ thuộc nhóm cường quốc hạt nhân và tự chế tạo được tàu ngầm hạt nhân. Ấn Độ được công nhận là quốc gia có ảnh hưởng và vai trò dẫn dắt "Khối các nước phương Nam". Về chính trị thế giới, Ấn Độ xem ra chỉ thua kém Nga, Mỹ và Trung Quốc ở chỗ không là thành viên Thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Thành công với sứ mệnh tàu vũ trụ Chandrayaan-3 đổ bộ xuống cực Nam của Mặt trăng xác lập cho Ấn Độ tầm vóc quốc gia mới trên thế giới mà kỳ tích về khoa học, kỹ thuật và công nghệ chinh phục không gian vũ trụ chỉ là một khía cạnh biểu hiện. Đấy là thể diện quốc gia và uy tín quốc tế của quốc gia. Trình độ ấy và tiềm năng ấy làm cả thế giới bên ngoài không thể không khâm phục và ngưỡng mộ Ấn Độ, mà còn buộc cả thế giới bên ngoài từ nay phải nhìn Ấn Độ bằng con mắt khác.

Ấn Độ đề ra và theo đuổi chương trình nghiên cứu và chinh phục vũ trụ từ những năm 60 của thế kỷ trước. Ở thời kỳ đầu, Ấn Độ tập trung ưu tiên cho việc chế tạo vệ tinh và tên lửa đẩy vệ tinh, về sau mới đề ra mục tiêu phóng tàu thăm dò vũ trụ tới những tinh tú xa xôi. Điều đáng chú ý ở chương trình vũ trụ của Ấn Độ là chi phí thấp, tư nhân hóa và hợp tác với đối tác bên ngoài. Sứ mệnh Chandrayaan-3 của Ấn Độ tiêu tốn khoảng 75 triệu USD, thấp hơn cả chi phí cho bộ phim "Gravity" của Hollywood hồi năm 2013.

Thành tựu mới của Ấn Độ cho thấy, cuộc chinh phục không gian vũ trụ hoàn toàn không phải là cuộc chơi riêng của các quốc gia giàu hay công nghiệp phát triển. Nếu biết hợp tác với nhau và tranh thủ được sự tham gia của tư nhân thì các quốc gia khác đều có thể đạt được thành quả như Ấn Độ. Bằng thành quả mới này, Ấn Độ khích lệ các quốc gia thuộc "Khối các nước phương Nam" tự tin hơn trong việc hợp tác cùng nhau vươn tới những mục tiêu phát triển cao xa và bản thân Ấn Độ cũng vậy. Ngoài ra, có thể thấy, cuộc thi đua và ganh đua giữa các nước trên thế giới về chinh phục Mặt trăng và các hành tinh khác sẽ thêm sôi động và quyết liệt trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bước tiến tạo tầm vóc mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.