Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bước phát triển mới của nông nghiệp Thủ đô

Nguyễn Mai| 02/09/2016 06:15

(HNM) - Ban Chỉ đạo Chương trình 02 Thành ủy Hà Nội xác định mục tiêu 5 năm tới là: Sản xuất nông nghiệp tăng trưởng bình quân từ 3,5 đến 4%/năm; giá trị sản xuất nông nghiệp thực tế đạt 250 triệu đồng/ha trở lên; phấn đấu đến năm 2020, nâng tỷ trọng giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ

Kiểm tra mẫu mô các giống cây mới được nuôi cấy tại Viện Di truyền nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).



Những mô hình tiền tỷ


Chứng kiến mô hình trồng nấm ở xã Vĩnh Quỳnh (Thanh Trì), chúng tôi thực sự ngỡ ngàng trước công nghệ sản xuất hiện đại. Trang trại có quy mô 3ha được chủ hộ xây dựng nhà trồng nấm bằng vật liệu cách nhiệt có kiểm soát nhiệt độ và độ ẩm khá tốt. Cơ sở cũng sử dụng công nghệ men vi sinh để phòng trừ dịch bệnh; xử lý môi trường, xử lý nước ao nuôi thủy sản bằng hệ thống RO để sản xuất nấm; có phòng lạnh để bảo quản nấm tươi và thiết bị, máy móc... Với trang thiết bị hiện đại, sản xuất nấm ở đây hoàn toàn chủ động, không phụ thuộc vào thời tiết. Bà Bùi Thị Kính chủ cơ sở cho biết, bình quân mỗi tháng thu 13 tấn nấm tươi, doanh thu mỗi năm đạt từ 10 đến 12 tỷ đồng (10% là lợi nhuận). Hiện cơ sở của bà Bùi Thị Kính đang sản xuất thử nấm Kim Phúc. Loại nấm này đang được tiêu thụ tốt với giá 100.000 đồng/kg (cao gấp đôi nấm sò) được trồng dưới đất và không phải đầu tư nhà lạnh. Đây là mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hiệu quả. Từ mô hình này, huyện Thanh Trì đang chỉ đạo nhân rộng ra các vệ tinh để tạo vùng sản xuất, xây dựng thương hiệu "Nấm Thanh Trì" để cung cấp cho các siêu thị và xuất khẩu...

Không riêng Thanh Trì, trên địa bàn thành phố xuất hiện ngày càng nhiều những mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tại xã Nam Hồng (Đông Anh), dù đã bị thu hồi một phần diện tích đất nông nghiệp để phát triển giao thông, đô thị nhưng tỷ lệ lao động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp của địa phương vẫn cao, chiếm 62%, vì vậy, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi vẫn là nhu cầu bức thiết. Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Hồng Phạm Thị Thiết cho biết: Đảng ủy xã đã ra nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhờ vậy, 5 năm qua đã xây dựng được 59 mô hình trang trại VAC thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm/trang trại. Đặc biệt, Hợp tác xã (HTX) Rau an toàn Khải Hưng xã Nam Hồng thu hút 41 hộ xã viên tham gia đã có ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm ổn định 1 tấn rau/ngày; HTX Rau an toàn Đạo Hồng (thôn Tiền Vệ) có 200 thành viên tham gia, đã chuyển đổi theo Luật HTX. HTX đã đầu tư mua máy cơ giới hóa khâu làm đất, giúp xã viên công đoạn vất vả nhất trong quy trình sản xuất...

Tiếp sức cho nông nghiệp

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, sau dồn điền đổi thửa, việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, đưa công nghệ cao, cơ giới hóa vào sản xuất, đạt được những kết quả đáng khích lệ. Bước đầu đã hình thành và mở rộng các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa nông sản, thực phẩm tập trung như: Lúa chất lượng cao, rau an toàn, hoa, cây cảnh, cây ăn quả, chăn nuôi xa khu dân cư, nuôi trồng thủy sản. Cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn đã được thành phố quan tâm đầu tư, góp phần tăng trưởng trong nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đời sống dân cư nông thôn có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển nông nghiệp Thủ đô thì vốn đầu tư vẫn còn ở mức thấp (chỉ chiếm khoảng 4-6% trong tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản), chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển nông nghiệp, nhất là phát triển nông nghiệp chất lượng cao theo hướng sản xuất hàng hóa. Trong khi khả năng tự đầu tư của nông dân còn hạn chế do thu nhập của nông dân mới chỉ có thể cải thiện đời sống.

Ở một số nơi, người dân vẫn băn khoăn về việc họ đã hoàn thành dồn điền, đổi thửa nhưng hướng dẫn chuyển dịch cơ cấu cây trồng của thành phố chưa có. Nông dân lúng túng trong việc chọn lựa trồng cây gì, nuôi con gì? Những vấn đề này cần phải được chỉ đạo hướng dẫn cụ thể, để mỗi hộ dân yên tâm đầu tư sản xuất chuyên sâu với từng thửa ruộng của gia đình sau chuyển đổi. Cùng với quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, Nhà nước cần quan tâm đến việc hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm rau an toàn, để nâng nguồn thu nhập cho các hộ sản xuất nông nghiệp. Chủ tịch UBND xã Tự Lập (Mê Linh) Trần Văn Khánh cho biết: Theo quy định đối với vùng chuyển đổi sang trang trại xa khu dân cư 10ha trở lên sẽ được hỗ trợ điện và vay vốn. Sau dồn điền đổi thửa, xã Tự Lập đã quy hoạch vùng sản xuất trang trại, vận động 47 hộ dân tham gia. Tuy vậy, khu vực này vẫn chưa được đầu tư đường điện nên người dân tự góp tiền để thuê kéo điện phục vụ sản xuất...

Mới đây, HĐND TP Hà Nội ban hành nghị quyết về một số chính sách thực hiện "Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thành phố giai đoạn 2016-2020", UBND thành phố cũng vừa phê duyệt đề án "Tái cơ cấu nông nghiệp TP Hà Nội theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, giai đoạn 2016-2020", cho thấy, thành phố khá quan tâm khuyến khích, hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp. Thành phố sẽ quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng bền vững. Ngoài ra, đầu tư xây dựng Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao kỹ thuật sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và Xúc tiến thương mại nông nghiệp TP Hà Nội (dự kiến quy mô 10ha tại phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông và tiến tới xây dựng Khu sản xuất, dịch vụ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao dự kiến quy mô 70ha cũng tại phường Yên Nghĩa… sẽ tạo ra cú hích cho nông nghiệp phát triển tiên tiến, hiện đại.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bước phát triển mới của nông nghiệp Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.