Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, song năm 2023, ngành Nông nghiệp Thủ đô vẫn đạt mức tăng trưởng 2,74%. Đặc biệt, Hà Nội đã hoàn thành trước một năm mục tiêu xây dựng huyện nông thôn mới và thành tựu này được bình chọn là một trong 10 sự kiện tiêu biểu của Thủ đô.
Từ những kết quả này, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại về tầm nhìn, mục tiêu, nhiệm vụ cũng như giải pháp của ngành trong năm 2024.
Điểm nhấn riêng, dấu ấn riêng
- Tốc độ tăng trưởng (GRDP) của nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản Hà Nội năm 2023 là 2,74%, giá trị sản xuất đạt 41.681 tỷ đồng... Kết quả này đã được ghi nhận, đánh giá cao, đồng thời cũng là “điểm tựa” để ngành Nông nghiệp thành phố tự tin triển khai nhiệm vụ năm 2024. Đồng chí có thể chia sẻ về tầm nhìn cũng như mục tiêu của ngành Nông nghiệp Thủ đô trong năm nay?
- Năm 2024, ngành Nông nghiệp thành phố phấn đấu tốc độ tăng trưởng đạt từ 2,5% đến 3%. Để đạt được mục tiêu này, nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, phục hồi tốc độ tăng trưởng thông qua việc nâng cao hiệu quả sản xuất, gia tăng giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường, qua đó nâng cao thu nhập và đời sống của người dân, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, thực phẩm trong tình hình mới. Cùng với đó, nhiệm vụ đặt ra là xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ mới với năng suất, chất lượng cao, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế.
Thành phố sẽ tập trung nguồn lực đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản và kết nối bền vững với chuỗi giá trị nông sản toàn cầu; đẩy mạnh phát triển sản xuất cây, con giống; phát triển nông nghiệp xanh, sinh thái thông minh, gắn với phát triển đô thị, dịch vụ, du lịch nông thôn…
Bên cạnh việc phát triển nông thôn mang tính đặc thù, Hà Nội gắn nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới với việc tập trung phát triển kinh tế hợp tác, kinh tế trang trại, ngành nghề, làng nghề...
- Thực tế cho thấy, sản xuất nông nghiệp vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và còn không ít hạn chế. Đồng chí có thể chia sẻ đôi điều về vấn đề này?
- Thách thức lớn nhất đối với ngành Nông nghiệp vẫn là yếu tố thời tiết. Ngoài ra, giá vật tư, nhân công lao động đầu vào không ổn định và luôn có xu hướng tăng, làm tăng chi phí sản xuất, giảm hiệu quả kinh tế. Việc ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp chưa đồng bộ; nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển…
- Nông nghiệp Hà Nội có điểm khác biệt với các tỉnh, thành phố trong cả nước. Vậy, làm thế nào để tạo ra điểm nhấn, lợi thế riêng?
- Nông nghiệp Hà Nội có đặc thù riêng, đó là nền nông nghiệp nằm trong lòng đô thị. Vấn đề đặt ra là xác định phương hướng phát triển thế nào để bảo đảm đầy đủ các yếu tố tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường, gìn giữ văn hóa, giữ vững an ninh lương thực trong mọi hoàn cảnh. Nhiều vấn đề ngành Nông nghiệp phải tính toán, cân đối. Dịch vụ nông nghiệp sẽ được khai thác hiệu quả trên cơ sở phát triển một nền nông nghiệp đô thị sinh thái.
Luật Đất đai sửa đổi với những điều khoản mới là “chìa khóa” tháo gỡ những khó khăn, tồn tại, bất cập của ngành Nông nghiệp hiện nay. Hơn nữa, Luật Thủ đô sửa đổi (dự kiến được Quốc hội xem xét, thông qua trong kỳ họp tới) sẽ thúc đẩy việc khai thác hợp lý, hiệu quả nguồn lực từ đất đai cho phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, đáng chú ý là có đề xuất giao Hà Nội quyền khai thác, sử dụng quỹ đất nông nghiệp ở bãi sông để phát triển nông nghiệp sinh thái kết hợp các mô hình tham quan, du lịch, giáo dục trải nghiệm. Hay là việc Hà Nội được phép chuyển đổi cơ cấu sản xuất trên đất trồng lúa sang trồng cây hằng năm, cây lâu năm, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và hoạt động sản xuất nông nghiệp khác. Hà Nội cũng sẽ được quyết định việc góp quyền sử dụng đất, cho thuê, chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong các trường hợp tập trung đất nông nghiệp để thực hiện sản xuất cũng như xây dựng trên đất nông nghiệp các công trình phụ trợ bán kiên cố phục vụ trực tiếp cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung…
Hoàn thành các mục tiêu về xây dựng nông thôn mới
- Điểm nhấn nổi bật trong năm qua là việc hoàn thành trước một năm mục tiêu xây dựng huyện nông thôn mới - thành tựu này được bình chọn là một trong 10 sự kiện tiêu biểu của Thủ đô năm 2023. Từ kết quả này, theo đồng chí, đâu là mục tiêu trọng tâm trong năm 2024?
- Thành phố phấn đấu đến hết năm 2024, có ít nhất 4 huyện đạt nông thôn mới nâng cao; có thêm 40 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 35 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Ngành Nông nghiệp sẽ phối hợp với các huyện, thị xã rà soát, thực hiện đầy đủ mức đạt chuẩn theo bộ Tiêu chí huyện nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, hoàn thành các mục tiêu về xây dựng nông thôn mới mà Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy khóa XVII về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”. Quá trình xây dựng nông thôn mới là quá trình liên tục, không có điểm kết thúc… Sở sẽ bám sát các chỉ đạo của thành phố, phối hợp với các địa phương để cùng thực hiện, qua đó cũng nắm bắt những khó khăn, vướng mắc, sớm tháo gỡ…
- Thành phố đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách đầu tư, hỗ trợ, song vẫn còn không ít vướng mắc. Đâu là vấn đề mà ngành Nông nghiệp vẫn còn trăn trở, thưa đồng chí?
- Hiện tại, công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng, quản lý đất đai, vệ sinh môi trường, thu gom, xử lý chất thải rắn, nước thải khu vực nông thôn vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế. Việc chuyển đổi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của Thủ đô. Cơ sở hạ tầng nông thôn chưa đồng bộ, nhiều nơi đã xuống cấp, đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn…
Bên cạnh đó, không ít địa phương còn tình trạng coi nhẹ một số tiêu chí xây dựng nông thôn mới, như tiêu chí về an ninh trật tự, hình thức tổ chức sản xuất, môi trường, văn hóa... Có địa phương còn chưa nhận thức hết những tác động của tiêu chí nêu trên đối với việc phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân…
- Tại Hội nghị giao ban Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU mới đây, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU Nguyễn Thị Tuyến đã có những chỉ đạo mang tính định hướng, gợi mở, cũng là nhiệm vụ trọng tâm của ngành Nông nghiệp và các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan. Sở NN&PTNT Hà Nội có những giải pháp gì để nông thôn mới về đích theo đúng kế hoạch, thưa đồng chí?
- Trước hết, bám sát sự chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, ngành Nông nghiệp sẽ phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương rà soát, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, để có giải pháp phù hợp với thực tế phát triển.
Ngành Nông nghiệp sẽ ưu tiên dành nguồn lực đầu tư để hoàn thành các tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu, phấn đấu về đích theo đúng kế hoạch. Mặt khác, các huyện, thị xã cần chủ động cân đối, bố trí ngân sách cấp huyện, xã và huy động các nguồn khác trên địa bàn để triển khai thực hiện, bảo đảm mục tiêu đề ra.
Thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ tăng cường tuyên truyền, bảo đảm đa dạng, thường xuyên, liên tục, có trọng tâm, trọng điểm, nhằm huy động nội lực, khơi dậy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm và sự đồng thuận trong nhân dân… Ngành sẽ tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”; đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động để nâng cao hiệu quả, góp phần giữ vững và phát huy các tiêu chí xây dựng nông thôn mới cũng như rút ngắn tiến độ xây dựng nông thôn mới.
- Trân trọng cảm ơn đồng chí!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.