(HNM) - 10 năm qua, Thủ đô Hà Nội có bước phát triển vượt bậc về ứng dụng công nghệ thông tin. Đến nay, tỷ lệ máy tính/cán bộ, công chức có nhu cầu sử dụng trong các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn đạt 100%; nhiều năm liền nằm trong tốp đầu của cả nước về ứng dụng công nghệ thông tin; tỷ lệ giao dịch trực tuyến đạt 90%...
Bài cuối: Tiến tới chính quyền điện tử
(HNM) - 10 năm qua, Thủ đô Hà Nội có bước phát triển vượt bậc về ứng dụng công nghệ thông tin. Đến nay, tỷ lệ máy tính/cán bộ, công chức có nhu cầu sử dụng trong các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn đạt 100%; nhiều năm liền nằm trong tốp đầu của cả nước về ứng dụng công nghệ thông tin; tỷ lệ giao dịch trực tuyến đạt 90%... Đó chính là nền tảng để thành phố tiến tới thực hiện chính quyền điện tử, phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Bước tiến mạnh mẽ
Tại xã Hồng Minh, huyện Phú Xuyên, sau khi nhận kết quả đăng ký khai sinh cho cháu, bà Nguyễn Thị Vân, người dân địa phương, vui mừng bày tỏ: “Hôm trước, tôi nghe nói chỉ cần làm trên máy tính nên nhờ người hướng dẫn cách làm khai sinh cho cháu rồi làm theo. Chỉ 2 hôm sau, tôi đã nhận được cả giấy khai sinh, đăng ký thường trú và thẻ bảo hiểm y tế cho cháu mà không cần phải ra UBND xã”.
TP Hà Nội quyết tâm xây dựng “chính quyền điện tử” nhằm phục vụ tổ chức, công dân một cách tốt nhất. Ảnh: Thành Nam |
Đây chỉ là một trong rất nhiều trường hợp người dân hài lòng về việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục hành chính. Để đạt kết quả này, TP Hà Nội đã triển khai các kế hoạch về ứng dụng công nghệ thông tin theo đúng lộ trình, bài bản, chuẩn hóa và đồng bộ. Cụ thể, tháng 7-2012, HĐND thành phố đã thông qua Chương trình mục tiêu Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước TP Hà Nội giai đoạn 2012-2015 với nhiều chỉ tiêu cao hơn chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao các địa phương.
Trong quá trình thực hiện, thành phố thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc tiến độ đối với chỉ tiêu nào chưa đạt. Tiếp đó, HĐND thành phố thông qua Chương trình mục tiêu Ứng dụng Công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước TP Hà Nội giai đoạn 2016-2020.
Nếu như năm 2008, mạng diện rộng (WAN) của thành phố mới kết nối được 60% sở, ngành, quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn thì đến nay tỷ lệ này là 100%. Hiện tại, 100% sở, ban, ngành và UBND quận, huyện, thị xã đã có máy chủ quản trị mạng và cài đặt các ứng dụng của đơn vị. 100% sở, ban, ngành và UBND quận, huyện, thị xã có mạng cục bộ (LAN) và internet kết nối tới tất cả các phòng, ban. 100% UBND xã, phường, thị trấn có kết nối internet và có mạng LAN…
Các giao dịch về hồ sơ hành chính đều được cán bộ, công chức thao tác nhập dữ liệu vào máy tính. Hiện tỷ lệ máy tính/cán bộ, công chức có nhu cầu sử dụng trong các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã, UBND xã, phường, thị trấn đạt 100%. Toàn bộ sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã, UBND xã, phường, thị trấn sử dụng Phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc, phần mềm một cửa điện tử…
Cùng với đó, việc giải quyết hồ sơ hành chính trong các lĩnh vực: Xây dựng, quy hoạch, đăng ký kinh doanh luôn được thành phố quan tâm cải tiến. Tại Sở Kế hoạch và Đầu tư, sau khi kê khai các thông tin qua mạng, doanh nghiệp chỉ cần cầm hồ sơ gốc tới để đối chiếu là nhận được giấy đăng ký thành lập doanh nghiệp. Sự tiện lợi đó đã khuyến khích các doanh nghiệp đăng ký qua mạng (đạt tỷ lệ 30%)…
Ông Nguyễn Xuân Mạnh, Chủ tịch UBND xã Đại Hùng (huyện Ứng Hòa) cho biết: “Trước đây, việc giải quyết thủ tục hành chính của địa phương đều làm thủ công. Sau khi được trang bị máy tính, đường truyền mạng, chúng tôi đã cử công chức theo học các lớp tập huấn để đáp ứng yêu cầu công việc trong giai đoạn mới. Do đó, công chức thao tác máy tính và các phần mềm rất thành thạo, bảo đảm giải quyết hồ sơ hành chính sớm, đúng hạn cho công dân”.
Triển khai diện rộng dịch vụ công trực tuyến
Một trong những kết quả nổi bật của việc ứng dụng công nghệ thông tin là Hà Nội đã triển khai thành công các dịch vụ công trực tuyến cấp huyện và xã. Với sự hướng dẫn sát sao của Sở Thông tin và Truyền thông, các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn đã triển khai tốt các giai đoạn theo kế hoạch triển khai dịch vụ công trực tuyến của thành phố.
Đặc biệt, các đơn vị còn sáng tạo nhiều hình thức tuyên truyền, hỗ trợ giúp người dân dễ dàng tiếp cận với loại hình mới này. Nếu như các quận: Thanh Xuân, Long Biên, Hà Đông bố trí các điểm hỗ trợ thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại khu chung cư, tổ dân phố thì huyện Chương Mỹ lại tiên phong thành lập câu lạc bộ tin học cựu chiến binh và người cao tuổi. Nhiều quận, huyện khác đẩy mạnh tuyên truyền tại các cuộc họp, hoạt động tại tổ dân phố, phát tờ rơi…
Ông Nguyễn Đình Hiếu, Phó Chủ tịch, Trưởng bộ phận “một cửa” UBND xã Vĩnh Quỳnh (huyện Thanh Trì) cho biết: “Thời gian đầu thấy phải điền trên điện thoại, máy tính, công dân rất ngại. Sau khi chúng tôi hướng dẫn trực tiếp tại bộ phận “một cửa”, phát tờ rơi, thông báo trên loa truyền thanh, tuyên truyền tại nhà văn hóa của 3 thôn và 11 tổ dân phố… thì người dân đã biết và tự nộp hồ sơ qua mạng khá nhiều. Đặc biệt, thủ tục đăng ký kết hôn đạt 100% các thanh niên đăng ký qua mạng”.
Còn nhớ, thời gian đầu khi mới triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 cấp xã trong lĩnh vực tư pháp (cuối năm 2016), người dân còn bỡ ngỡ với hình thức mới này nên cán bộ thường phải làm thay, khiến áp lực công việc rất lớn. Song, đến nay, tỷ lệ người dân tự nộp hồ sơ trực tuyến trung bình trên toàn thành phố đã lên tới 70%.
Hiện tại, TP Hà Nội đã đưa vào hoạt động hơn 600 dịch vụ công trực tuyến. Theo kế hoạch của Sở Thông tin và Truyền thông, năm 2018 sẽ hoàn thành 65% thủ tục hành chính thực hiện dịch công trực tuyến mức độ 3, 4.
Cũng trong năm nay, TP Hà Nội sẽ triển khai kiến trúc chính quyền điện tử, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trên các lĩnh vực và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Điều đó cho thấy quyết tâm của TP Hà Nội trong việc xây dựng “chính quyền điện tử” nhằm phục vụ tổ chức, công dân một cách tốt nhất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.