Thế giới

Các lực lượng Palestine nhất trí đoàn kết: Bước chuyển biến quan trọng

Hoàng Linh 03/03/2024 - 07:07

Các phe phái của Palestine, trong đó có lực lượng Hamas và Fatah khẳng định sẽ "hành động thống nhất" dưới sự dẫn dắt của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) trong cuộc xung đột với Israel, đánh dấu bước chuyển quan trọng trong diễn biến đang ngày càng phức tạp tại khu vực.

dai-dien-cac-to-chuc-va-luc.jpg
Đại diện các tổ chức và lực lượng Palestine trong cuộc họp tại Nga.

Đại diện của các phe phái Palestine, trong đó có cả Hamas, Fatah và nhóm Hồi giáo vũ trang Jihad (PIJ), đã tham gia cuộc gặp ngày 1-3 tại Mátxcơva (Nga) để thảo luận về cuộc xung đột tại Gaza và vấn đề tái thiết dải đất này. Tại cuộc gặp, Bộ Ngoại giao Nga và các chuyên gia Trung Đông của nước này đã có mặt để hỗ trợ, đồng thời tham khảo ý kiến đại biểu.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov kêu gọi các tổ chức Palestine hướng đến thành lập một chính phủ thống nhất để gạt sang một bên những khác biệt và đoàn kết vì lợi ích của người dân. Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Nga cũng bày tỏ hy vọng, các cuộc đàm phán lần này sẽ dẫn đến "hiểu biết lẫn nhau giữa tất cả các phe phái" về sự cần thiết phải có một chính phủ.

Trên tinh thần đó, kết quả đạt được rất tích cực. Trong tuyên bố đưa ra sau cuộc gặp, các lực lượng Palestine đều bày tỏ mong muốn tìm kiếm tiếng nói chung, khẳng định sẽ tổ chức cuộc đối thoại trong thời gian tới để củng cố sự đoàn kết "dưới ngọn cờ của PLO” - cũng là đại diện hợp pháp duy nhất của nhân dân Palestine được quốc tế công nhận. Tuyên bố cũng cho biết, các cuộc đàm phán mang tính xây dựng tại Mátxcơva đã đạt được đồng thuận về các vấn đề như Israel rút quân khỏi Dải Gaza và Nhà nước Palestine.

Theo giới quan sát, việc các tổ chức và lực lượng Palestine nhất trí đoàn kết là một bước tiến lớn sau nhiều năm chia rẽ vì khác biệt quan điểm trong nhiều vấn đề, đặc biệt là việc công nhận Israel là một nhà nước. PLO đã công nhận Israel vào năm 1993 nhưng Hamas đã bác bỏ lập trường đó trong nhiều năm. Bạo lực cũng bùng phát giữa các tổ chức của người Palestine. Sau khi Hamas giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tại Gaza năm 2006, lực lượng này không đạt được thỏa thuận chia sẻ quyền lực với Fatah và giao tranh đã nổ ra. Fatah đã rời Gaza, để Hamas nắm quyền ở dải đất này. Cơ quan quản lý của Fatah ở Bờ Tây mang tên chính quyền Palestine (PA).

Việc các lực lượng Palestine thống nhất cao dưới “lá cờ” PLO cũng là dễ hiểu. PLO trong những năm qua có nhiều thành tựu, trong đó quan trọng hơn cả chính là vị thế trên trường quốc tế được củng cố thông qua nhiều thắng lợi ngoại giao, với sự kiện quan trọng là trở thành thành viên của Tòa án Hình sự quốc tế (ICC). Điều này mở đường cho các biện pháp pháp lý của Palestine chống lại những hành động vi phạm luật pháp quốc tế của Israel đối với người Palestine, tạo áp lực buộc Tel Aviv rút quân khỏi các vùng lãnh thổ chiếm đóng và chấp nhận xác lập quan hệ láng giềng với Palestine.

Một số ý kiến phân tích cũng cho rằng, tiếng nói chung của các tổ chức Palestine lúc này là rất quan trọng, trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang tăng cường nỗ lực làm xoa dịu cuộc xung đột tại Gaza và bắt đầu tập trung vào một cơ cấu chính trị để quản lý vùng đất này thời hậu xung đột. Thực tế, ngay trước thềm cuộc gặp, Thủ tướng Palestine Mohammad Shtayyeh cũng đã đệ đơn từ chức lên Tổng thống Mahmoud Abbas với lý do để tạo sự đồng thuận rộng rãi trong nội bộ Palestine về các thỏa thuận chính trị. Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Palestine Riyad al-Maliki cho biết, chính quyền Palestine sẽ thực hiện những cải tổ cần thiết để thu hút sự ủng hộ to lớn hơn, qua đó tạo tiền đề cho việc giải quyết xung đột hiện nay cũng như định hình cục diện chính trị về lâu dài.

Nhìn chung, dù con đường phía trước còn nhiều chông gai và bất định, cần khẳng định rằng, triển vọng hòa bình Trung Đông chỉ có thể thành công khi các bên có thiện chí, tránh tạo thêm căng thẳng mới. Con đường duy nhất là thúc đẩy giải pháp hai nhà nước, trao cho người Palestine quyền có một đất nước độc lập và bình đẳng, để họ được sống trong môi trường chính trị, xã hội và kinh tế ổn định.

Trao đổi với phóng viên ngày 2-3, Đại sứ Palestine tại Việt Nam Saadi Salama cho biết, Nhà nước Palestine ủng hộ các nỗ lực gạt sang một bên những khác biệt, đoàn kết vì lợi ích của người dân Palestine; đồng thời hoan nghênh những đóng góp của Nga vào tiến trình này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các lực lượng Palestine nhất trí đoàn kết: Bước chuyển biến quan trọng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.