(HNM) - Hà Nội trong suốt chiều dài lịch sử, ngoài niềm tự hào là đất văn hiến ngàn năm, còn là biểu tượng mạnh mẽ về khởi nghiệp và phát triển. Năm 2016, tại hội nghị “Hà Nội 2016 - Hợp tác đầu tư và phát triển”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng từng nhấn mạnh: Hà Nội phải đi tiên phong, trở thành trung tâm khởi nghiệp, trung tâm sáng tạo của cả nước.
Sự kiện sáng 19-3, lần đầu tiên Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội tổ chức tiếp xúc cử tri với chuyên đề “Thanh niên Thủ đô với việc học tập, việc làm và khởi nghiệp” không nằm ngoài vấn đề "nóng" của cả nước hiện nay, đồng thời cho thấy bước tiếp cận trực diện với hai yếu tố quan trọng cho sự phát triển lâu dài của thành phố là lực lượng thanh niên và khát vọng khởi nghiệp.
Khởi nghiệp là câu chuyện liên quan nhiều yếu tố nhưng chắc chắn không thể thành công, phát triển bền vững nếu không có sự tham gia của sức trẻ. Ngược lại, thanh niên - thế hệ tương lai của đất nước nếu không mang trong mình tinh thần, khát vọng, ý chí khởi nghiệp thì không chỉ lãng phí nguồn lực mà còn khiến cho những chủ trương, chính sách lớn về nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước khó được hiện thực hóa.
Rõ ràng, với quyết tâm rõ nét, Hà Nội cũng như cả nước không chỉ mong muốn phát triển về số lượng doanh nghiệp mà sâu xa hơn là vun đắp cho tinh thần khởi nghiệp thông qua sự chăm lo cho lực lượng thanh niên, cổ vũ cho ý chí lao động, sáng tạo của giới trẻ trên nền tảng kinh tế tri thức, cách mạng công nghiệp 4.0.
Hà Nội cũng có rất nhiều thuận lợi cho việc phát triển khởi nghiệp, với truyền thống trọng dụng nhân tài, với nguồn lực và tài sản quý giá từ sự hội tụ lớn nhất của các cơ sở đào tạo hàng đầu cả nước. Tuy nhiên, như chính tiếng nói của người trẻ thì việc kết nối, thắp sáng tinh thần khởi nghiệp của thanh niên tại Thủ đô đòi hỏi tiếp tục vượt qua nhiều thách thức. Đó là tính phong trào, nặng lý thuyết; thiếu mô hình đỡ đầu ý tưởng sáng tạo, việc làm, thiếu thông tin kết nối với doanh nghiệp, nhà đầu tư… Nhìn rộng ra đây cũng chính là vấn đề lớn của khởi nghiệp trên cả nước. Giải quyết điều này, không chỉ có vai trò của thành phố mà quan trọng hơn cả là sự chuyển động ngay trong các cấp, ngành, chính quyền địa phương và cả xã hội. Gia đình, cộng đồng không còn khư khư quan niệm “Đại học là con đường lập nghiệp duy nhất”; chính quyền, các nhà đầu tư “có con mắt xanh”, tin vào sức trẻ, sẵn sàng đổi mới chính sách…, từ đó mới tạo ra động lực để những mầm khởi nghiệp vươn dậy mạnh mẽ.
Đúng như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Hà Nội phải có thêm nhiều giải pháp, sáng kiến, sáng tạo hỗ trợ khởi nghiệp. Quả thực, đây là hoạt động liên quan tới rất nhiều lĩnh vực. Thành phố có ban hành các chính sách ưu tiên nhưng để chính sách đi vào thực tế thì sự vào cuộc thực sự của các ngành, các cấp là vô cùng quan trọng.
Nâng niu mầm khởi nghiệp là ở từng việc làm nhỏ, từng bước đi cụ thể như vậy, bên cạnh những cơ chế, chính sách vĩ mô. Trước mắt, là những việc mà lãnh đạo TP Hà Nội đã nêu tại cuộc tiếp xúc cử tri trên như xây dựng trung tâm khởi nghiệp hiện đại; xây dựng kho dữ liệu mở hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp; ưu đãi cụ thể về thuê văn phòng, mở rộng cơ chế thu hút nhân tài…
Cuối cùng, quan trọng không kém, bản thân thanh niên cũng phải tự mình vươn lên, chủ động đề xuất, sáng tạo; thậm chí hợp thành nhiều mầm xanh khởi nghiệp vẫy gọi sự quan tâm, đầu tư trong nước và quốc tế.
Biến khát vọng thành hiện thực - là quyền lợi mà cũng chính là trách nhiệm của mỗi người trẻ. Nhưng đây còn là trách nhiệm của toàn xã hội đối với tương lai phát triển.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.