Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bầu cử Tổng thống Pháp: Tái hiện “cuộc đua song mã”

Quỳnh Dương| 12/04/2022 06:47

(HNM) - Đúng với hầu hết dự đoán và thăm dò dư luận, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và lãnh đạo phe cực hữu Marine Le Pen là 2 ứng cử viên giành nhiều phiếu ủng hộ nhất trong cuộc bầu cử tổng thống vòng 1 được tổ chức vào ngày 10-4. Như vậy, kịch bản bầu cử năm 2017 một lần nữa đã được lặp lại. Tuy nhiên, “cuộc đua song mã” vòng 2 giữa hai ứng cử viên vào ngày 24-4 được dự đoán sẽ gay cấn hơn rất nhiều.

Ông Emmanuel Macron và bà Marine Le Pen là hai ứng cử viên vào vòng 2 bầu cử Tổng thống Pháp.

Kết quả bầu cử được đăng tải trên trang France24 ngày 11-4 cho thấy, với 97% số phiếu được kiểm, Tổng thống Emmanuel Macron dẫn đầu với tỷ lệ ủng hộ 28%. Đối thủ chính của ông E.Macron, bà Le Pen nhận được 23% phiếu ủng hộ. Đứng thứ ba là ông Jean Luc Melenchon đạt 20,2% số phiếu.

Dù Tổng thống đương nhiệm E.Macron dẫn đầu trong vòng đầu tiên của cuộc bầu cử tổng thống, nhưng bà Le Pen cũng đã giành số phiếu rất cao. Kết quả này đặc biệt ấn tượng đối với bà Le Pen bởi sau cuộc bầu cử thất bại năm 2017, với màn tranh luận trên truyền hình bị coi là thảm họa trước ông E.Macron, uy tín của bà Le Pen đã giảm sút trong một thời gian dài. Đặc biệt, việc xuất hiện một nhân vật cực hữu khác là ông Eric Zemmour trong gần 1 năm qua khiến vị thế của bà Le Pen trong nhóm cử tri cực hữu bị đe dọa. Đến ngày 15-3, thăm dò dư luận cho thấy, bà Le Pen có thể chỉ giành được 14,5% phiếu bầu ở vòng 1. Vì thế, sự bứt tốc mạnh mẽ của bà Le Pen trong vòng 1 tháng qua được đánh giá là rất ấn tượng. Điều này phần lớn là do chiến dịch tranh cử hiệu quả cùng những cam kết mà nữ chính khách này đưa ra đã thuyết phục được nhiều cử tri.

Trong số các ứng cử viên, bà Le Pen là người đưa ra các hứa hẹn mạnh mẽ nhất về cải thiện đời sống cho người dân, như việc giảm thuế giá trị gia tăng từ mức 20% hiện nay xuống còn 5%, tăng lương tối thiểu… Ngoài ra, chiến lược cải thiện hình ảnh của cá nhân bà Le Pen nhằm xóa bỏ định kiến về một đảng cực hữu cũng phát huy tác dụng. Việc đổi tên đảng cực hữu từ “Mặt trận quốc gia” thành “Tập hợp quốc gia” cách đây 4 năm là bước ngoặt cho thấy bà Le Pen đã từ bỏ chính sách vận động cử tri dựa trên sự cực đoan và chia rẽ, mà thay vào đó bằng việc xây dựng hình ảnh như một chính trị gia biết tập hợp lực lượng từ mọi xu hướng chính trị khác nhau.

Theo các nhà phân tích, với 3 lần tranh cử tổng thống, bà Le Pen đã trở thành một chính khách lão luyện, bền bỉ, đưa đảng Tập hợp quốc gia từ một lực lượng bên lề trở thành một thế lực đáng gờm trên "bàn cờ" chính trị nước Pháp.

Trong khi đó, với số phiếu ủng hộ đứng đầu, Tổng thống E.Macron đã chứng minh bản thân vẫn nhận được sự tín nhiệm của phần lớn cử tri. Ông đã công bố chương trình hành động của nhiệm kỳ tới tập trung vào những vấn đề cần tiếp tục được ưu tiên cải cách là y tế công, giáo dục, giảm thuế và đặc biệt là kích thích thị trường lao động và tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, E.Macron cũng cam kết sẽ nỗ lực xây dựng một châu Âu bình ổn, vượt qua những thử thách trước mắt về năng lượng, môi trường và các vấn đề an ninh. Song, cuộc xung đột tại Ukraine bùng phát cùng với việc Pháp phải đảm nhiệm cương vị Chủ tịch luân phiên Hội đồng liên minh châu Âu (EU) trong 6 tháng là những yếu tố khiến chiến dịch tranh cử của ông chủ điện Elysee bị chi phối. Bên cạnh đó, những lo ngại về vấn đề giá cả leo thang, độ tuổi về hưu kéo dài đến 65 tuổi… có thể ảnh hưởng tới tỷ lệ ủng hộ Tổng thống E.Macron trong vòng 2.

Theo kế hoạch, hai ứng viên E.Macron và Le Pen sẽ có cuộc tranh luận phát sóng trực tiếp trên truyền hình vào ngày 20-4. Cuộc tranh luận sẽ thu hút hàng triệu người theo dõi và kết quả chung cuộc sẽ chịu tác động không nhỏ từ sự kiện này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bầu cử Tổng thống Pháp: Tái hiện “cuộc đua song mã”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.