(HNM) - TP Hà Nội có hai chợ đầu mối nông sản là chợ phía Nam (quận Hoàng Mai) và chợ Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) đang hoạt động. Tuy nhiên, nguồn cung của hai chợ này mới chỉ đáp ứng khoảng 14% nhu cầu tiêu thụ toàn thành phố và việc kết nối giữa chợ đầu mối với chợ dân sinh còn hạn chế.
Chợ đầu mối phía Nam (quận Hoàng Mai) chưa thật sự phát huy hiệu quả. Ảnh: Hữu Tiệp |
Chưa thật sự phát huy vai trò đầu mối
Chợ đầu mối phía Nam (phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai) có tổng diện tích khoảng 45.000m2 với 468 hộ kinh doanh. Mỗi ngày có khoảng 200-400 tấn hàng hóa luân chuyển qua chợ. Chợ đầu mối Minh Khai (phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm) có diện tích hơn 36.000m2 với khoảng 1.000 hộ kinh doanh. Mỗi ngày có khoảng 350 tấn hàng hóa luân chuyển qua chợ.
So với nhu cầu tiêu thụ nông sản thực phẩm trên địa bàn TP Hà Nội rất lớn (mỗi ngày khoảng 400 tấn thịt lợn, 170 tấn thịt gà và vịt, 1.000 tấn thủy, hải sản, 2.800 tấn rau, củ, quả) thì lượng hàng hóa lưu thông qua hai chợ đầu mối mới bảo đảm 14% nhu cầu tiêu thụ toàn thành phố. Ngoài ra, trên địa bàn Thủ đô đang có 4 chợ kinh doanh bán buôn nông sản, thủy sản hoạt động có tính chất đầu mối, gồm: Chợ Long Biên (kinh doanh hoa quả và rau các loại), chợ cá Yên Sở (thủy sản), chợ gia cầm Hà Vỹ (gia cầm, thủy cầm), chợ hoa Quảng An.
Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thanh Hải, các chợ đầu mối trên địa bàn thành phố đảm nhận chức năng chính là bán buôn và hỗ trợ chợ dân sinh. Tuy nhiên, việc kết nối giữa chợ đầu mối và chợ dân sinh còn hạn chế. Đặc biệt, đối với loại hàng hóa là rau, củ, quả, phần lớn được người dân từ các tỉnh chở trực tiếp đến bán tại các chợ dân sinh. Hơn nữa, do hạn chế trong công tác khai thác thị trường, quảng bá sản phẩm, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm nên hàng hóa tại chợ đầu mối chưa cung cấp trực tiếp được tới hệ thống các siêu thị. Đáng chú ý, mặt hàng thực phẩm cung ứng cho các chợ chưa được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng dẫn đến tình trạng nhiều hàng hóa không bảo đảm vẫn được bày bán. Thông tin từ Sở Công Thương cho biết, kết quả giám sát các chỉ tiêu an toàn thực phẩm vẫn phát hiện mẫu rau vượt giới hạn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, mẫu thịt vượt mức giới hạn dư lượng kháng sinh (tỷ lệ khoảng 6%)...
Băn khoăn về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Nguyễn Thị Nắng Mai chia sẻ: “Việc kết nối, cung cấp hàng hóa từ chợ đầu mối Minh Khai và các siêu thị hiện tại gần như không có, do việc kiểm soát chất lượng thực phẩm tại chợ đầu mối còn nhiều bất cập. Dù quận đã chỉ đạo sát sao công tác khai thác, quản lý chợ đầu mối nhưng vẫn chưa kiểm soát chặt chẽ đối với các hộ kinh doanh. Nhiều hộ có số lượng lớn hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, nhất là đối với thực phẩm rau, củ, quả và các sản phẩm động vật tươi sống”.
Một thực tế nữa tại các chợ đầu mối hiện nay là số lượng các hộ kinh doanh lớn hơn số điểm kinh doanh theo phương án được phê duyệt nên thường xuyên xảy ra tình trạng bày hàng hóa tràn ra lối đi trong chợ và khu vực xung quanh, gây ảnh hưởng đến việc đi lại, an ninh trật tự.
Cấp thiết xây dựng mới chợ đầu mối
Đáp ứng nhu cầu phát triển, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 5058/QĐ-UBND ngày 5-11-2012 phê duyệt Quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo quy hoạch, thành phố định hướng xây dựng mới 5 chợ tại các khu vực: Xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm; xã Thạch Thán, huyện Quốc Oai; xã Thanh Lâm, xã Kim Hoa, huyện Mê Linh; xã Phúc Tiến, huyện Phú Xuyên và xã Cam Thượng, huyện Ba Vì. Tuy nhiên, việc thu hút các nhà đầu tư xây dựng chợ đầu mối gặp nhiều khó khăn trong khi Chính phủ không cho phép đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nên từ năm 2012-2017, trên địa bàn TP Hà Nội không có chợ đầu mối được xây dựng mới. Trước những khó khăn đặt ra, Sở Công Thương đang hoàn thiện đề án “Phát triển thương mại dịch vụ văn minh, hiện đại trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2025” theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, trong đó có nội dung phát triển mạng lưới chợ đầu mối nông sản thực phẩm trên địa bàn.
Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội giám sát tại chợ đầu mối Minh Khai.Ảnh: Trần Thảo |
Qua đợt giám sát mới đây, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Bùi Huyền Mai đề nghị, các sở, ngành liên quan thực hiện một số nội dung nhằm thúc đẩy việc thực hiện quy hoạch mạng lưới chợ đầu mối. Theo đó, Sở Công Thương cần chủ trì phối hợp với các ngành chức năng rà soát quy hoạch theo hướng rõ tiêu chí, phân loại, phân hạng chợ đầu mối. Nếu có sự chưa phù hợp thống nhất giữa cấp bộ và UBND thành phố thì phải tham mưu để giải quyết...
Từ thực tế, các cơ quan chức năng cần đánh giá hiệu quả hoạt động của hai chợ đầu mối; khi xây dựng chợ đầu mối mới cần tính đến những thiết kế đặc thù phù hợp như bố trí lối đi đủ rộng để luân chuyển hàng hóa, xác định rõ từng khu vực tương ứng với 3 chức năng của chợ đầu mối, lập kế hoạch đầu tư khai thác sử dụng theo từng giai đoạn khác nhau. Đồng thời, cần có cơ sở và tiêu chí cụ thể để xác định chợ đầu mối nông sản, phân cấp rõ ràng trách nhiệm quản lý chợ đầu mối nông sản và chợ dân sinh... Đặc biệt, việc kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm phải được đặt lên hàng đầu, bảo đảm toàn bộ hàng hóa rõ nguồn gốc, xuất xứ mới được bày bán.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.