Chính trị

Bài tham dự Cuộc thi viết “Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”:Vẹn nguyên ký ức hào hùng

Dương Linh 27/06/2024 07:33

Ở tuổi 93, Đại tá Bùi Gia Tuệ, nguyên Trưởng phòng Pháp chế (Tổng cục Công nghiệp quốc phòng) còn khá khỏe mạnh, tinh anh. Trong câu chuyện với các nhà báo trẻ, ông không giấu được cảm xúc bồi hồi khi nhớ lại những ký ức hào hùng năm xưa, đặc biệt là niềm tự hào khi là một trong những người đầu tiên trở về tiếp quản Thủ đô.

Những năm tháng hào hùng

Trong căn nhà nhỏ ở ngõ 33 phố Chùa Láng (phường Láng Thượng, quận Đống Đa), ông Bùi Gia Tuệ đưa chúng tôi ngược dòng lịch sử. Sinh ra và lớn lên tại phố Hàng Bè, từ khi còn là một thiếu niên, ông Tuệ đã sớm giác ngộ cách mạng. Ngày 19-12-1946, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến", ông Tuệ lúc ấy mới 15 tuổi đã nhận nhiệm vụ trinh sát, liên lạc cho tự vệ khu phố Hàng Bè.

hj.jpg
Ông Bùi Gia Tuệ bảo vệ Nhà máy nước Yên Phụ sau ngày tiếp quản Thủ đô (tháng 10 năm 1954). Ảnh: Tư liệu

Năm 1948, trong một lần đến thăm anh trai làm bác sĩ ở Sư đoàn 308, ông Tuệ quyết định gia nhập quân ngũ, xin đầu quân vào Sư đoàn 308. Khói lửa chiến tranh đã trui rèn cho chàng thiếu niên ngày nào thêm cứng rắn, trưởng thành. Năm 1949, sau hai trận chiến đấu dũng cảm, ông vinh dự được kết nạp Đảng lúc bước sang tuổi 18.

Khi quân ta bước vào trận quyết chiến ở Điện Biên Phủ, ông Tuệ giữ vai trò Trung đội trưởng, chuyên vận chuyển, tiếp đạn cho pháo binh của Sư đoàn.

Nhắc đến chiến dịch Điện Biên Phủ, những kỷ niệm lại quay về trong tâm trí, đôi mắt người cựu chiến binh lấp lánh. “Ngoài nhiệm vụ tiếp đạn pháo, do biết tiếng Pháp nên tôi được giao nhiệm vụ canh giữ tù binh. Ngày 7-5-1954, chiến dịch kết thúc thắng lợi, tôi vô cùng phấn khởi, sung sướng”, ông kể.

Do lập chiến công trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông được nhận Bằng khen của Sư đoàn. Cũng trong lúc làm nhiệm vụ vận chuyển đạn dược cho đơn vị, ông bị thương, xếp hạng thương binh 4/4.

tt.jpg
Ông Bùi Gia Tuệ chỉ vào bức ảnh ông ngồi trên xe khi đơn vị vào tiếp quản Thủ đô ngày 10-10-1954 giữa rừng cờ hoa. Ảnh: Nguyệt Ánh

Kể về ký ức hào hùng trong ngày tiếp quản Thủ đô, ông Tuệ không giấu được cảm xúc bồi hồi, bởi đó là phút giây thực sự hạnh phúc, thực sự khó quên khi được trở về với Thủ đô thân yêu, giữa thanh thiên bạch nhật, trong tâm thế của người chiến thắng.

Chỉ vào tấm ảnh ông cùng đồng đội ngồi trên xe ô tô tiến vào tiếp quản Thủ đô đi ngang qua phố Hàng Đào, giọng ông hơi nghèn nghẹn: “Xe của tôi là xe thứ ba, đi sau xe của Chủ tịch Ủy ban Quân chính Vương Thừa Vũ và Phó Chủ tịch Trần Duy Hưng. Xe đi từ Hà Đông vào Cửa Nam, qua Hàng Đậu, Hàng Ngang, Hàng Đào, Bờ Hồ và quay về Thành cổ Hoàng Diệu để chào cờ. Tôi ngồi ngay đầu xe bên phải, chứng kiến sự hân hoan chào đón của hàng vạn bà con mà xúc động lắm. Các nữ sinh Trưng Vương ùa ra đón, ôm lấy chúc mừng, khiến chúng tôi trào dâng cảm xúc…”.

Sau ngày tiếp quản Thủ đô, ông Tuệ và các đồng đội trong đơn vị được giao nhiệm vụ bảo vệ Nhà máy nước Yên Phụ trong khoảng 2 tháng, sau đó tiếp tục cuộc đời binh nghiệp hơn 40 năm đầy vẻ vang.

Hai lần gặp Bác Hồ

Ông Tuệ chia sẻ, dấu ấn sâu đậm trong tim ông là hai lần vinh dự được gặp Bác Hồ. Lần thứ nhất là khi Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ, nói chuyện với cán bộ Đại đoàn Quân Tiên phong (tức Sư đoàn 308) tại đền Hùng, Phú Thọ vào tháng 9-1954, trước khi đơn vị làm nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô. Đã gần 70 năm trôi qua nhưng ông vẫn nhớ như in lời Người căn dặn: "Nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô có ý nghĩa chính trị rất quan trọng, cho nên các cháu cần phải thận trọng, chu đáo".

Lần thứ hai là khi ông đang học tập tại Trường Đại học Kinh tế Tài chính (nay là Trường Đại học Kinh tế quốc dân) thì Bác Hồ đến thăm và ông được trò chuyện cùng Người.

“Hôm đó là chiều 3-2-1961, bất chợt Bác đến thăm Trường Đại học Kinh tế Tài chính. Không ai nghĩ là Bác đến thăm trường trong lúc đang bộn bề công việc. Bác đi thẳng vào khu nhà bếp, kiểm tra bếp ăn của cán bộ, sinh viên, sau đó mới lên hội trường. Tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên, sinh viên đều hồi hộp chờ đón Bác. Lúc đó tôi đang ngồi trên hàng ghế đầu, Bác hỏi: “Cháu tên gì?”, “Dạ thưa Bác, cháu là Bùi Gia Tuệ ạ”, tôi đứng lên đáp. Bác nói tiếp: “Cháu Tuệ, cháu thay mặt anh chị em sinh viên tại đây trả lời Bác nhé. Các cháu học để làm gì?”, “Dạ, thưa Bác, chúng cháu học để phục vụ nhân dân”, “Phục vụ nhân dân là như thế nào?, “Dạ, thưa Bác, phục vụ nhân dân là lo cho đời sống của nhân dân được cải thiện tốt hơn về ăn, ở, mặc, đi lại, học hành”, “Thế là tốt. Cháu ngồi xuống”. Những lời Bác Hồ nói rất mộc mạc, nhưng suốt đời tôi mãi không quên”, ông Tuệ nhớ lại.

Sau khi học xong Trường Đại học Kinh tế Tài chính, ông Tuệ về Cục Quân giới (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) công tác. Sau này, ông đã trải qua nhiều cương vị công tác, tại nhiều đơn vị. Năm 1991, ông nghỉ hưu với quân hàm Đại tá. Khi còn đang trong quân ngũ hay lúc đã nghỉ hưu, tham gia công tác địa phương, ông Tuệ luôn gương mẫu, chuyên chú thực hành cần - kiệm - liêm - chính như lời Bác dặn.

bv.jpg
Ông Bùi Gia Tuệ cùng vợ ôn lại kỷ niệm trong những năm tháng tham gia chiến đấu bảo vệ Thủ đô và đất nước. Ảnh: Nguyệt Ánh

Với những đóng góp, cống hiến cho cách mạng, ông Tuệ đã vinh dự được Nhà nước, quân đội tặng thưởng nhiều huân, huy chương và phần thưởng cao quý. Năm 2019, ông được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội trao tặng danh hiệu “Người tốt - Việc tốt” vì những đóng góp cho công tác hòa giải ở cơ sở. Với ông, đây là động lực để tiếp tục sống vui, sống khỏe, động viên con cháu sống có ích cho cộng đồng. Đồng hành cùng ông luôn là người vợ đã gắn bó gần 60 năm qua, bà Bạch Thị Hoàng Oanh. Trong căn phòng nhỏ, đôi vợ chồng già vẫn chan hòa ánh mắt nụ cười. Ông vẫn trìu mến gọi bà là “Người bảo vệ”, “hậu phương lớn”…

Ông Tuệ "khoe" với tôi, dịp kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô cũng là thời điểm ông vinh dự được nhận Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng. Ông chia sẻ: “Được đóng góp một phần công sức cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước là điều vinh tự, tự hào nhất của tôi trong cuộc đời. Tôi mong muốn các thế hệ sau này phát huy truyền thống tốt đẹp của cha ông, ra sức học tập, rèn luyện để cống hiến cho đất nước, chung tay xây dựng đất nước và Thủ đô ngày càng giàu mạnh”.

Những ký ức về một thời lịch sử hào hùng của người cựu chiến binh già như bồi đắp thêm tình yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc cho những người trẻ hôm nay, để thấy mình cần phải sống xứng đáng với máu xương cha ông đã đổ xuống vì nền độc lập, hòa bình của đất nước và dân tộc.

logo-dien-tu-moi-02.jpg
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài tham dự Cuộc thi viết “Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”: Vẹn nguyên ký ức hào hùng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.