Chính trị

Bài tham dự cuộc thi “Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”: Hà Nội linh thiêng - nơi khơi nguồn sức mạnh dân tộcBài cuối: Những trang sử tuyệt đẹp của Thủ đô anh hùng

Văn Ngọc Thủy 21/06/2024 08:36

Là nơi ươm mầm, nuôi dưỡng và đưa nhiều phong trào thi đua yêu nước phát triển đến đỉnh cao, 70 năm qua, Hà Nội không ngừng phát huy sức mạnh các phong trào thi đua, góp phần to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng, phát triển Thủ đô và đất nước.

Nơi tập trung trí tuệ, ý chí, niềm tin của toàn Đảng, toàn dân

Những năm đầu thập kỷ 60 của thế kỷ trước đánh dấu sự ra đời của nhiều phong trào thi đua có sức lan tỏa mạnh mẽ. Quân dân Thủ đô, với lòng yêu nước nồng nàn đã đưa khí thế này về từng nhà máy, xí nghiệp, trên các cánh đồng, trong mỗi đơn vị lực lượng vũ trang, trường học... Trong ngành công nghiệp Hà Nội, đặc biệt là ngành cơ khí đã dấy lên phong trào thi đua cải tiến quản lý, cải tiến kỹ thuật, chống tham ô, lãng phí. Đi đầu là các nhà máy, xí nghiệp, quốc doanh như Nhà máy xe lửa Gia Lâm, Nhà máy cơ khí Hà Nội…

ad-8-1-.jpg
Câu lạc bộ Nữ doanh nhân Hà Nội diễu hành trong Lễ hội Áo dài năm 2023. Ảnh: Viết Thành.

Bên cạnh thanh niên “Ba sẵn sàng”, phụ nữ “Ba đảm đang”, giới trí thức Hà Nội với phong trào "Ba quyết tâm" đã nghiên cứu và áp dụng hàng trăm công trình khoa học, kỹ thuật đóng góp quan trọng phục vụ sản xuất và chiến đấu. Phụ lão Thủ đô "tuổi cao, chí càng cao", hăng hái tham gia phong trào "Ba giỏi". Thiếu nhi Thủ đô "việc nhỏ chí lớn", thi đua làm "Nghìn việc tốt"…

Những phong trào đó càng khẳng định vị thế của Hà Nội là trung tâm của hậu phương lớn, nơi tập trung trí tuệ, ý chí, niềm tin và quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Hà Nội, quân dân Thủ đô đã tạo nên sức mạnh tổng hợp vừa chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, vừa chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam.

Thi đua là động lực phát triển toàn diện

Công cuộc đổi mới Thủ đô và đất nước đã thu được nhiều kết quả to lớn, từng bước phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, góp phần giữ vững niềm tin của nhân dân đối với Đảng và sự nghiệp cách mạng. Thi đua đã thực sự trở thành động lực thúc đẩy kinh tế xã hội, đồng thời góp phần giải quyết những khâu yếu, việc khó, những bức xúc ở nhiều cấp, nhiều ngành của thành phố.

anh-5-.jpg
Hà Nội luôn là đơn vị nòng cốt trong các phòng trào thi đua hướng về biển đảo, nhất là đối với quân dân quần đảo Trường Sa. Ảnh: Ngọc Thuỷ.

Đặc biệt, cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" đã được các cấp ủy Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội hưởng ứng nhiệt thành, tham gia tích cực với nhiều hình thức sáng tạo và đạt kết quả tốt đẹp. Các hình thức tuyên truyền, cổ động kết hợp giao lưu, sinh hoạt truyền thống... gắn với việc quan tâm chăm lo đời sống nhân dân và các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, từ thiện, nhân đạo đã giúp các tầng lớp nhân dân có nhận thức sâu sắc hơn về những giá trị to lớn của tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Trong những việc làm cụ thể, thiết thực theo tấm gương đạo đức của Người, phong trào "Người tốt, việc tốt" là một minh chứng rõ nét nhất.

Đầu năm 1992, Hà Nội đã chính thức phát động phong trào "Người tốt, việc tốt" và được đông đảo nhân dân hưởng ứng. Từ các phong trào thi đua đã làm nảy nở, xuất hiện và bồi dưỡng, rèn luyện những gương "Người tốt, việc tốt" và chính những con người ưu tú đó đã trở thành nòng cốt, thành động lực thúc đẩy phong trào thi đua. Đó là những gương người thật, việc thật, những người với suy nghĩ và hành động có sức thuyết phục, cảm hóa lớn, làm cho những hạt giống mà Bác Hồ năm xưa đã gieo đua nhau nở hoa kết trái.

Từ năm 2010, nhân Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Thủ đô có thêm một danh hiệu mới "Công dân Thủ đô ưu tú" để phong tặng cho những tấm gương sáng về tư tưởng, đạo đức, những con người đầy tâm huyết và tài năng, cống hiến hết mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Thủ đô…

Thực tế đã chứng minh, trong nhiều năm qua, Hà Nội là nơi khởi phát, lan tỏa nhiều phong trào thi đua yêu nước. Thành phố luôn quan tâm đổi mới các phong trào thi đua cả về nội dung, hình thức và phương pháp tổ chức; bám sát, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của thành phố và của các ngành, các địa phương, đơn vị; tập trung giải quyết các khâu yếu, việc khó, các vấn đề phức tạp, bức xúc phát sinh trong quá trình phát triển của Thủ đô như công tác quản lý đô thị, giải phóng mặt bằng, bảo đảm an sinh xã hội, cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, tội phạm...

Thành phố đã khuyến khích tính sáng tạo của các cấp, các ngành, các tổ chức, địa phương, đơn vị; từ đó xuất hiện nhiều phong trào, mô hình thiết thực, phát huy hiệu quả, nêu cao ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm đối với xã hội của cán bộ, đảng viên, hội viên và nhân dân như phong trào “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô”, “Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, “Xây dựng Thủ đô sáng - xanh - sạch - đẹp”; thi đua thực hiện hiệu quả chủ đề công tác của từng năm như: “Năm trật tự, văn minh đô thị”, “Năm kỷ cương hành chính”, “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”… Tiếp tục đổi mới trong công tác chỉ đạo, điều hành, đảm bảo triển khai, thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua; bám sát mục tiêu “Xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” và thi đua xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh và phát triển toàn diện…

anh-6.jpeg
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến và Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh trao Bằng khen “Người tốt, việc tốt”. Ảnh: Viết Thành.

Năm 2024 được dự báo là năm khởi sắc của thành phố khi hiện thực hóa tầm nhìn và khát vọng phát triển Thủ đô với nhiều sự kiện quan trọng, nổi bật là các phong trào thi đua hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.

Tại hội nghị tổng kết biểu dương kết quả phong trào thi đua năm 2023 ngày 6-3-2024, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng thành phố Trần Sỹ Thanh đã nhấn mạnh: “Tổ chức các phong trào thi đua cần có mục tiêu thiết thực, cụ thể, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, địa phương và phải được tiến hành toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, phải ăn sâu, lan rộng khắp mọi mặt, mọi tầng lớp nhân dân. Đặc biệt quan tâm đến tính toàn dân của thi đua, thể hiện ở việc tổ chức cho các tầng lớp nhân dân được quyền và có nghĩa vụ đóng góp vào công việc chung của đất nước, Thủ đô tùy theo sức lực của mình…”.

70 năm qua, các phong trào thi đua yêu nước của Hà Nội như những đợt sóng, lúc êm đềm, lúc sục sôi nhưng chưa khi nào ngơi nghỉ. Tinh thần ấy trở thành động lực quý báu huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và nhân dân Thủ đô, cùng đoàn kết thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Hà Nội ngày càng văn hiến, văn minh, hiện đại, xứng đáng là Thủ đô Anh hùng, Thành phố Vì hòa bình…

logo-dien-tu-moi-02.jpg

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài tham dự cuộc thi “Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”: Hà Nội linh thiêng - nơi khơi nguồn sức mạnh dân tộc Bài cuối: Những trang sử tuyệt đẹp của Thủ đô anh hùng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.