Chính trị

Bài tham dự Cuộc thi viết “Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào” Hà thành, mỗi bước ta đi

Giang Nam 10/09/2024 17:29

Những công trình mới đang định hình một Thủ đô hiện đại. Nhưng ở mảnh đất nghìn năm văn hiến, quá khứ, hiện tại cứ đan cài lẫn nhau. Bên chính những tòa nhà, con đường, cây cầu… là những ký ức vật chất và tinh thần xưa cũ còn lắng đọng. Và không chỉ thế, những gì người đi trước để lại cho thế hệ hôm nay không ngủ yên. Quá khứ sống cùng hiện tại, trở thành điểm tựa để Thăng Long - Hà Nội vững bước tới tương lai.

Bài đầu: Quá khứ trong hơi thở hiện đại

Chẳng cứ phải đến các phố cổ, làng cổ hay di tích, trên đất Thăng Long - Hà Nội, mỗi bước ta đi, ta đều đi trong không gian của những điều xưa cũ. Dòng chảy cuộc sống luôn tạo ra những công trình mới. Nhưng với Hà Nội, những điều xưa cũ luôn được trân trọng giữ gìn.

Hà Nội vào thu. Đâu đó trong những cơn gió trong lành, đã bắt gặp cái se se vào những buổi sớm mai. Có một sự trùng hợp đến lạ kỳ. Những sự kiện trọng đại của đất nước, Thủ đô đều diễn ra vào cái mùa đẹp nhất trong năm của đất Hà thành. Hơn 10 thế kỷ trước, vua Lý Thái Tổ cùng quần thần đến với tân đô trong một ngày thu năm Canh Tuất. Thế kỷ XX, Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9 và ngày đoàn quân chiến thắng trở về Giải phóng Thủ đô cũng đều diễn ra trong tiết thu trong trẻo.

bai-1.1.jpeg
Lễ chào cờ lịch sử ngày 10-10-1954 đã diễn ra ngay trước cổng Đoan Môn, dưới chân Cột cờ Hà Nội. Ảnh tư liệu

Nhìn vào sự phát triển của Hà Nội, không thể không ngạc nhiên trước nỗ lực kiến tạo của con người. Những tuyến đường trên cao, những đường sắt đô thị, những cây cầu lớn… định hình một Thủ đô hiện đại. Song ở mảnh đất này, quá khứ - hiện tại cứ ràng rịt lấy nhau. Chẳng cứ phải đến các di tích, mỗi bước ta đi đều trong không gian của những điều xưa cũ. Đường Hoàng Hoa Thám, đường La Thành, nay là đường, xưa là đê, mà cũng chính là vòng thành cổ. Mỗi khi xây dựng công trình, những nhát cuốc bổ xuống, quá khứ lại hiện ra. Đó là những dấu tích thành cổ phát lộ khi thi công đường Văn Cao. Đó là đàn Xã Tắc nơi các vị vua xưa tế trời đất được phát hiện khi xây dựng đường Xã Đàn…

Dòng chảy cuộc sống luôn tạo ra những công trình mới. Nhưng với Hà Nội, những điều xưa cũ luôn được trân trọng giữ gìn, cho dù, có thể là những ký ức đau thương. Phố Ngô Quyền nổi bật với Nhà khách Chính phủ, xưa là Phủ Thống sứ Bắc Kỳ - biểu tượng của chế độ thực dân. Nhiều du khách đã bần thần khi phát hiện ra hàng rào sắt của tòa nhà có những lỗ thủng, “vết sẹo” lồi lõm. Gần 80 năm trước, đó là nơi diễn ra những trận đánh quyết tử khi Toàn quốc kháng chiến bùng nổ. “Vết sẹo” hằn trên sắt thép là chứng tích của trận chiến khốc liệt. Mặc cho thời gian, ta không bỏ quên, dù chỉ một hàng rào sắt. Hẳn nhiều người sẽ thấy lạ kỳ, khi chỉ cách hồ Gươm một quãng, di tích Nhà tù Hỏa Lò xù xì, thô kệch - nơi thực dân Pháp từng giam cầm biết bao nhà cách mạng, chí sĩ yêu nước - vẫn bền bỉ với thời gian. Khi kiến tạo “Hà Nội mới”, hai tòa cao ốc mọc lên từ nền nhà tù Hỏa Lò, nhưng một phần nhà tù vẫn được giữ lại, để những thế hệ sau này hiểu được giá trị của độc lập, tự do.

bai-1.2.jpeg
Người dân Hà Nội hân hoan khi lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên Cột cờ trong Ngày Giải phóng Thủ đô 10-10-1954. Ảnh tư liệu

Quá khứ luôn hòa cùng nhịp thở hiện đại. Nhưng nếu chọn một nơi thẳm sâu ký ức nhất, nhiều người sẽ chọn Hoàng thành Thăng Long. Hoàng thành nay chỉ còn lại một phần không gian xưa dọc theo đường Hoàng Diệu. Con đường giống như gáy một cuốn sách, mà hai bên là những trang sử ngàn năm: Một bên là Khu khảo cổ học số 18 Hoàng Diệu, bên kia là khu thành cổ. Khi chuẩn bị xây Nhà Quốc hội hơn 20 năm trước, những gì thuộc về quá khứ lần lượt hiện ra với hàng triệu hiện vật từ thời Đại La đến tận mãi sau này. Phía bên kia, khu thành cổ dù đã qua bao binh lửa vẫn sừng sững đứng đó Cột cờ Hà Nội, Đoan Môn, thềm điện Kính Thiên và cổng thành Cửa Bắc… Ở đó, ngay dưới mỗi bước chân ta đi là phế tích của những lầu son gác tía qua các thời Đại La, Lý, Trần, Lê, Nguyễn vẫn tiếp tục chờ khám phá. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tống Trung Tín bảo rằng: “Có lẽ, không có di tích nào mà những điều chưa biết còn có thể lớn hơn những điều đã biết”.

bai-1.3.jpeg
Cờ đỏ sao vàng tung bay trên đỉnh Cột cờ như một biểu tượng của Thủ đô Văn hiến - Anh hùng. Ảnh: Hoàng thành Thăng Long
bai-1.4.jpeg
Tái hiện lại lễ chào cờ lịch sử năm 1954 trước cổng Đoan Môn. Ảnh: Hoàng thành Thăng Long

Hoàng thành Thăng Long lắng đọng lịch sử dân tộc. Ở đó cũng còn nguyên minh chứng cho một thời đất nước bị thực dân giày xéo. Cột cờ Hà Nội người Pháp dùng làm vọng gác. Điện Kính Thiên từng được thay bởi điện Long Thiên dưới thời Nguyễn, và rồi người Pháp phá điện Long Thiên đi xây dựng trụ sở Bộ Chỉ huy pháo binh. Xa hơn, cổng thành Cửa Bắc còn in dấu những trái đại bác quân Pháp bắn vào…

Nhưng Hoàng thành không chỉ có những trang sử máu và nước mắt. Sau trận Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, đoàn quân chiến thắng trở về Giải phóng Thủ đô ngày 10-10-1954 đã làm lễ chào cờ ngay trước cổng Đoan Môn, dưới chân Cột cờ Hà Nội. Cờ đỏ sao vàng đã tung bay trên đỉnh Cột cờ khi “chúng ta đem vinh quang sức dân tộc trở về”.

Ký ức cứ chồng lớp lên nhau. Chính không gian này, gần 6 thế kỷ trước, Lê Lợi tiến quân vào giải phóng thành Đông Quan (tên gọi Thăng Long thời bấy giờ), đánh dấu kết thúc 20 năm giặc Minh đô hộ. Chính nơi này, vua Quang Trung cưỡi voi tiến vào giải phóng Thăng Long - mốc son đánh dấu chiến công đại phá quân Thanh xâm lược năm 1789. Thế kỷ XX, ngày Thủ đô giải phóng, buổi chào cờ tổ chức trước cổng Đoan Môn, dưới chân Cột cờ, như một sự tiếp nối của dòng chảy lịch sử vĩ đại.

70 năm, quá dài với đời người. Nhưng những ký ức hào hùng thì luôn sống mãi. Bà Đỗ Hồng Phấn (nguyên cán bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), một người đã đứng trong hàng ngũ đoàn quân chiến thắng trở về hôm ấy, nhớ lại: “Tôi bị địch bắt khi hoạt động ở nội thành. Sau khi địch trả tự do, tôi được chuyển ra ngoài hoạt động. Tôi được vinh dự đi trong đoàn quân chiến thắng trở về. Nhìn thấy bạn bè, thấy mẹ mình trong đoàn người chào mừng mà nước mắt cứ chực trào ra. Sau bao nhiêu năm dưới ách kìm kẹp của thực dân, lá cờ đã tung bay trên đỉnh Cột cờ Hà Nội. Thật tự hào làm sao”.

hoang-thanh-vao-xuan-tien-bach-1-.jpg
Hoàng thành Thăng Long ngày nay đã trở thành điểm đến hấp dẫn du khách Ảnh: Tiến Bách

Ở đất thiêng Hoàng thành, ta lại viết thêm những trang sử mới. Nơi ấy đã trở thành Tổng hành dinh của cuộc kháng chiến chống Mỹ trường kỳ với công trình tiêu biểu nhất cho giai đoạn lịch sử ấy là Nhà và hầm D67. Nơi ấy có phòng họp của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, phòng làm việc của “vị tướng của nhân dân” Võ Nguyên Giáp và nhiều tướng lĩnh khác. Cũng chính nơi đây, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đã có nhiều cuộc họp bàn quan trọng, trong đó có cuộc họp đưa ra quyết sách mở Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tháng 4-1975.

Hà Nội hôm nay cuồn cuộn nhịp sống của một đô thị hiện đại. Nhưng khi lắng lòng lại, ta sẽ thấy, đâu đâu cũng lắng sâu những câu chuyện lịch sử, những ký ức bi tráng và hào hùng…

(Còn nữa)

logo-dien-tu-moi-02.jpg
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài tham dự Cuộc thi viết “Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào” Hà thành, mỗi bước ta đi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.