Đời sống

Bài tham dự Cuộc thi viết “Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”:Người Hà Nội

Vũ Công Chiến 23/06/2024 14:57

Một thời gian dài, người ta thường né tránh hoặc rất thận trọng với câu hỏi, liệu rằng mình có phải là người Hà Nội?

12.jpg
Niềm vui đầu xuân của một gia đình Hà Nội. Ảnh: Lê Bích

Ngay cả tôi lúc còn thanh niên cũng có suy nghĩ này bởi tôi được sinh ra ở chiến khu Việt Bắc, về sống ở Hà Nội từ năm 1955, nhưng vẫn còn có quê gốc ở Hưng Yên. Tôi thường nghĩ mình không phải người Hà Nội, nhưng khi theo bố về thăm quê thì dân làng ai cũng bảo tôi là thanh niên Hà Nội. Mà có vẻ thế thật khi về làng thì tôi chẳng lẫn vào được với ai, người làng nhìn ngay ra dáng dấp cậu trai phố.

Lấn cấn về chuyện lúc ở Hà Nội thì nghĩ mình chỉ sống ở Hà Nội chứ không phải người Hà Nội, nhưng về thăm quê thì lại được người làng gọi là trai Hà Nội, chẳng lẽ mình là dân nửa vời, nên tôi đã hỏi bố tôi. Bố tôi cười bảo:

- Con là trai Hà Nội, là người Hà Nội đấy. Ngay cả bố mẹ cũng thế. Bởi suy cho cùng, quê quán chỉ là nơi gốc gác, còn mình định cư và lập nghiệp ở đâu thì mình là người của miền đất đó. Những người sống ở Hà Nội lâu nhất, từ thời xa xưa thực chất cũng là người ở các tỉnh xung quanh đến Hà Nội lập nghiệp theo phường, theo nghề. Bây giờ có ai bảo họ không phải người Hà Nội đâu.

Rồi bố tôi lại bảo:

- Hà Nội rộng lắm vì còn có cả các huyện ngoại thành. Người dân các vùng đó ngoài làm nông, còn có truyền thống làng nghề, có nét văn hóa riêng. Còn nội thành, nhất là khu phố cổ ngày trước vẫn hay gọi là kinh kỳ, Kẻ Chợ, cũng do người dân làm nghề từ khắp nơi đổ về lập nghiệp. Nhưng điều quan trọng nhất không phải là kiếm sống mà chính là văn hóa của Hà Nội do mọi người cùng tạo nên, gìn giữ và phát triển. Mọi người đem văn hóa địa phương của mình đến góp vào Hà Nội, chọn lọc lấy những điều hay và tinh hoa nhất để làm nên văn hóa Thủ đô.

Từ cái ngày đã rất lâu ấy, sau khi nghe bố nói thì tôi không bao giờ tham gia cùng chúng bạn vào những cuộc cãi vã về chuyện đứa nào quê ở đâu nữa. Chúng tôi sống cùng bố mẹ ở Hà Nội, được học hành và lớn lên ở Thủ đô. Trong những năm đánh Mỹ, tôi cùng lớp lớp bạn bè lên đường nhập ngũ rồi vào khắp các chiến trường và ở đâu, đồng đội cũng gọi chúng tôi là lính Hà Nội. Thậm chí nhiều thủ trưởng lúc đầu còn nghĩ rằng, lính Hà Nội "công tử bột" chúng tôi không biết đánh đấm có ra gì không. Phải qua thời gian, qua nhiều trận đánh, các thủ trưởng và đồng đội mới công nhận rằng lính Hà Nội ngoài chất hào hoa cũng chiến đấu gan dạ và lập nhiều chiến công chẳng hề thua kém lính địa phương nào.

Thời gian trôi đi, đến nay tôi cũng đã có gần 70 năm sống ở Hà Nội. Tôi đã có con, có cháu và đương nhiên chúng luôn được coi là người Hà Nội. Những gia đình bạn bè hàng xóm với tôi cũng vậy. Bọn trẻ bây giờ thậm chí còn không được một ngày về thăm cái nguyên quán xa xưa của ông nội, cụ nội bởi những đứa trẻ ở quê cùng trang lứa với chúng, nếu có họ hàng thì cũng đã xa tới 6, 7 đời rồi.

Các khu dân cư ở Hà Nội, nhất là khu tập thể, các ngõ phố có chung một đặc điểm là thường hay có hàng xóm mới. Người cũ có điều kiện mua nhà mới ở nơi khác rộng hơn và những người mua nhà mới dọn đến lại trở thành hàng xóm. Cần phải coi tất cả những gia đình đến định cư ở Hà Nội là người Hà Nội, không phân biệt họ đã sống ở Thủ đô bao nhiêu năm. Nơi tôi ở là một khu tập thể cũ nên các gia đình sống với nhau rất gần gũi vì hầu như ngày nào ra khỏi nhà cũng nhìn thấy nhau. Lũ trẻ con hiếu động học cùng lớp cùng trường cũng hay chơi cùng nhau dưới sân nhà vào ngày nghỉ nên khung cảnh rất gần với thôn xóm. Sát nhà tôi có mấy gia đình tới ở được chừng chục năm. Dù biết rằng họ còn có cha mẹ ở quê và ngày hè, ngày Tết vẫn đưa các cháu về quê chơi, nhắn nhờ tôi để ý giúp cửa nhà, nhưng tôi luôn coi họ là người Hà Nội như mình. Đôi lúc sang nhà nhau pha ấm trà ngồi nói chuyện, tôi thường tâm sự:

- Nếu như các bạn quyết định tới Hà Nội lập nghiệp và sinh sống, rồi sinh các cháu, nuôi dạy và cho chúng nó học ở đây thì các bạn phải coi Hà Nội là quê hương của mình, của con của cháu mình. Chính chúng mình phải có trách nhiệm xây dựng Thủ đô văn minh hiện đại và phải dạy bảo, giáo dục lũ trẻ những truyền thống văn hóa tốt đẹp của Thủ đô.

Nhìn lại Hà Nội 70 năm qua, địa giới mở rộng và dân cư cũng đông hơn gấp nhiều so với Ngày Giải phóng Thủ đô năm 1954. Thành phố phát triển mọi mặt, đẹp hơn, hiện đại hơn và mặt bằng đời sống của người dân cũng được nâng cao hơn trước nhiều. Bây giờ là ăn ngon mặc đẹp chứ không phải chỉ là ăn no mặc ấm như thời còn bao cấp. Lớp trẻ bây giờ được tiếp xúc với khoa học kỹ thuật ở tầm cao, năng động và giỏi giang hơn. Họ làm ra nhiều của cải vật chất hơn và sự đòi hỏi về hưởng thụ cũng cao hơn nhưng có những điều không thể thay đổi mà vẫn cần phải gìn giữ và vun đắp. Đó chính là văn hóa của Thủ đô, là nếp sống văn minh nơi công cộng, là ý thức và trách nhiệm đối với xã hội, mỗi người vì mọi người.

Nếu như trong ngôi nhà của mỗi gia đình, ông bà cha mẹ giáo dục và nhắc nhở để mọi người biết sống nhân ái, hòa thuận, yêu lao động và cùng nhau giữ gìn cho tổ ấm luôn sạch đẹp, có không khí đầm ấm, thì với xã hội chung cũng như vậy. Mỗi gia đình người Hà Nội phải có trách nhiệm để xây dựng Hà Nội, bởi Hà Nội lúc này là quê hương, là ngôi nhà chung.

logo-dien-tu-moi-02.jpg
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài tham dự Cuộc thi viết “Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”: Người Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.