Chính trị

Bài tham dự cuộc thi “Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”:Tự hào thanh niên Hà Nội thời đánh Mỹ

Vũ Công Chiến 03/06/2024 09:24

Thế hệ chúng tôi sinh ra trong những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp và những năm đầu hòa bình lập lại ở miền Bắc. Được nuôi dưỡng dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, lúc đất nước có chiến tranh đã thôi thúc chúng tôi cầm súng ra trận, trở thành những thanh niên của thời đại Hồ Chí Minh.

1. Vào những năm chiến tranh chống Mỹ ấy, thanh niên Hà Nội, nhất là thuộc 4 khu phố nội thành (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng), mà phần lớn là con em cán bộ, công nhân viên Nhà nước, được hưởng chế độ tem phiếu cung cấp của Nhà nước, luôn bị mang tiếng là dân “tiểu tư sản”. Thực ra, “tiểu tư sản” là gì, chính chúng tôi cũng chẳng hiểu rõ, bởi vì tất cả mọi người lúc đó đều thiếu thốn, xã hội chẳng có cảnh kẻ giàu - người nghèo. Nhưng quả thật, đại đa số chúng tôi được cha mẹ cho học hành đến nơi đến chốn, đã đi học là phải cố mà học, ít nhất là hết lớp 10 phổ thông.

Khi giặc Mỹ leo thang chiến tranh, dùng không quân đánh phá ra miền Bắc, ngày 17-7-1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra "Lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước” với chân lý bất hủ: "Không có gì quý hơn độc lập tự do". Thế là cùng thanh niên cả nước, lớp lớp thanh niên Hà Nội chúng tôi lên đường nhập ngũ.

Hà Nội là Thủ đô của cả nước và khí thế lên đường ra trận của thanh niên Hà Nội cũng vô cùng náo nức. Ngoài việc quân đội tuyển quân trực tiếp cho các đơn vị thuộc các quân binh chủng, năm 1967, Bộ Tư lệnh Thủ đô cũng quyết định thành lập Trung đoàn 1867 (sau đổi thành Trung đoàn 59 - quân tăng cường Thủ đô), tuyển các thanh niên từ cả 4 khu phố nội thành và 4 huyện ngoại thành Hà Nội, tổ chức huấn luyện, sau đó trực tiếp đưa vào bổ sung cho các đơn vị đang chiến đấu ở các chiến trường.

Mỗi năm vài đợt tuyển quân, trong thời gian từ năm 1967 đến năm 1975, Hà Nội đã gọi nhập ngũ và đưa vào Trung đoàn 59 tổng cộng 42 tiểu đoàn với gần 40.000 chiến sĩ. Sau những tháng huấn luyện có khi đủ 6 tháng, nhưng cũng có khi khẩn trương chỉ 3 tháng, các tiểu đoàn tân binh đó của Hà Nội đã được đưa vào bổ sung cho hầu khắp các chiến trường, từ Quảng Trị tới miền Tây Nam Bộ, từ B3 Tây Nguyên, các binh trạm trên tuyến đường 559 Trường Sơn cho đến các chiến trường Trung, Nam Lào.

hanoimoi.com.vn-uploads-images-phananh-2020-04-29-_thanh-nien-thu-do.jpg
Thanh niên Thủ đô Hà Nội phấn khởi lên đường tòng quân chống Mỹ, cứu nước năm 1972. Ảnh: TTXVN

Lứa thanh niên trạc tuổi tôi sinh vào mấy năm cuối cùng của cuộc kháng chiến 9 năm chống Pháp được gọi nhập ngũ đông nhất vào năm 1971 khi có lệnh tổng động viên. Chỉ riêng một đợt tuyển quân đầu tháng 9-1971, ngay sau trận lũ lịch sử nước sông Hồng ngập mấp mé cầu Long Biên, đã có tới gần 2.000 thanh niên khắp các khu phố nội thành, huyện ngoại thành của Hà Nội lên đường nhập ngũ.

Chúng tôi được đưa vào các tiểu đoàn 48, 50 và 52 của Trung đoàn 59. Chỉ riêng đợt ấy thôi mà chia quân ra bổ sung cho cả mấy chiến trường Quảng Trị, Quảng Ngãi và Nam Lào. Tôi ở Tiểu đoàn 52, được huấn luyện dài nhất tới 6 tháng, học đủ các khoa mục bộ binh cơ bản rồi cả tiểu đoàn hành quân vào Nam Lào, bổ sung cho Sư đoàn 968 là sư đoàn bộ binh duy nhất thuộc Bộ Tư lệnh Trường Sơn, đồng thời là quân tình nguyện Việt - Lào. Nhiều đồng đội của tôi lập công, được tặng thưởng huân chương ngay từ trận đánh đầu tiên. Chúng tôi nhanh chóng nhận được sự tin tưởng và yêu mến của đồng đội, của các thủ trưởng.

Qua nhiều trận đánh ác liệt, những người lính Hà Nội có nhiều người đã ngã xuống, nhiều người bị thương phải ra Bắc, nhưng những chàng trai Hà Nội còn lại vẫn bền gan. Sau một năm chiến đấu, nhiều lính Hà Nội, trong đó có tôi, được giao làm tiểu đội trưởng. Rồi 2, 3 năm sau, nhiều đồng đội được lên làm cán bộ trung đội, đại đội nhờ thành tích chiến đấu...

ttxvn0804si-1586353564-74.jpg
Lễ xuất phát của đoàn thanh niên xung phong Hà Nội lên đường chống Mỹ, cứu nước, tổ chức ở Nhà hát Lớn Hà Nội, ngày 11-7-1969. Ảnh: Tư liệu TTXVN

2. Ở tuyến trước và trong chiến đấu thì như vậy, khi được về hậu cứ phía sau để củng cố, hay trong những giai đoạn sau khi ký Hiệp định Paris, thì những nét tài hoa của trai Hà Nội được dịp phát huy. Nhiều đồng đội Hà Nội được tham gia đội văn nghệ nhờ biết chơi đàn hay thổi sáo khi còn ở nhà. Còn chuyện làm bích báo thì cái chất văn trong lính Hà Nội cũng được dịp phát huy. Làm tờ bích báo nơi chiến trường không có giấy. Đồng đội các tỉnh đóng góp sáng kiến làm giá bằng tre và mỗi bài báo là một ống nứa cạo vỏ rồi viết chữ lên; trong khi đó, lính Hà Nội có nhiều đóng góp về nội dung.

Thanh niên Hà Nội nhập ngũ vào 42 tiểu đoàn quân tăng cường của Thủ đô trong những năm đánh Mỹ là con số rất đáng tự hào của người Hà Nội. Trong các đợt tòng quân, trước lúc vào chiến trường, chúng tôi thường được các thủ trưởng cấp cao tới thăm, riêng Tiểu đoàn 52 còn được Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp tới động viên. Đợt xuất quân vào chiến trường, các đơn vị lính Hà Nội được xem văn công biểu diễn, có đợt còn được Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội tới tặng quà, gồm thuốc lá và bánh kẹo. Chính những sự quan tâm và động viên ấy đã góp phần rất lớn để chúng tôi hăng hái lên đường ra trận, còn những người thân ở hậu phương cũng thêm phần phấn khởi và bớt lo lắng hơn.

Qua những năm chiến tranh, nhiều đồng đội lính Hà Nội đã phải nằm lại trên các chiến trường. Chúng tôi trở về lập hội đồng ngũ, có những hội, số anh em chỉ còn lại phân nửa so với lúc ra đi. Trong lòng biết ơn và nhớ thương các đồng đội đã hy sinh, chúng tôi tự biết trách nhiệm của mình lúc trở về sau chiến tranh. Dù còn lành lặn hay đã mất đi một phần cơ thể, ai cũng cố gắng để hòa mình vào cuộc sống, trở lại làm người dân thường. Một số không nhỏ trong chúng tôi về học các trường đại học, sau này ra trường trở thành kỹ sư, bác sĩ, cử nhân; tỏa đi khắp mọi miền đất nước và lao động quên mình, xây dựng cuộc sống cho bản thân, cho gia đình và tích cực đóng góp công sức xây dựng xã hội.

Rất đông anh em trong chúng tôi về làm công nhân trong các công trường, nhà máy. Nói chung, ở đâu thì hình ảnh những người lính, những cựu chiến binh Hà Nội cũng nổi lên rõ nét bởi tinh thần hăng say lao động, chịu đựng được gian khổ, có nhiều cố gắng và có tinh thần nhân ái trong cuộc sống.

Năm tháng qua đi, Hà Nội có nhiều đổi thay và phát triển. Lớp người chúng tôi nay đã cao tuổi nhưng vẫn luôn tự hào là những người Hà Nội đã hòa chung công sức của mình trong cuộc kháng chiến của dân tộc. Và hơn tất cả, chúng tôi vẫn luôn cố gắng để giữ vững phẩm chất của “anh bộ đội Cụ Hồ”, xứng đáng là công dân của Thủ đô anh hùng và của đất nước Việt Nam anh hùng.

logo-dien-tu-moi-02-1-.jpg
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài tham dự cuộc thi “Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”: Tự hào thanh niên Hà Nội thời đánh Mỹ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.