Thể thao

Bài tham dự Cuộc thi viết “Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào” Lan tỏa mạnh mẽ tinh thần thể thao Thủ đô

Ngân Hà 10/09/2024 - 11:52

Nhiều năm qua, thể thao Hà Nội luôn duy trì ổn định vị thế dẫn đầu cả nước.

Có được thành tích đó là nhờ Hà Nội luôn có những tấm gương bình dị, cháy hết mình cho niềm đam mê, lặng lẽ gây dựng, lan tỏa phong trào tập luyện thể thao, tạo bước đà mạnh mẽ để thể thao thành tích cao của Thủ đô phát triển bền vững.

Thắp lửa đam mê

Nhiều năm nay, nắng cũng như mưa, cứ vào 5h chiều là Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Thường Tín lại sôi động với giờ tập luyện của hơn 60 thành viên câu lạc bộ bóng bàn. Đặc biệt, người tham gia tập luyện tại câu lạc bộ (đa số là các em nhỏ) đều được huấn luyện viên Trương Minh Tài hướng dẫn hầu như miễn phí.

Với mong muốn tạo nên một phong trào bóng bàn cho thiếu nhi trong huyện, thời gian đầu Trương Minh Tài đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để mua bàn, mua bóng, gây dựng cơ sở vật chất cho câu lạc bộ. Năm 2016, câu lạc bộ được địa phương cho mượn mặt bằng nhà thi đấu huyện để tập luyện. Từ đó, Thường Tín trở thành một địa phương có phong trào bóng bàn mạnh ở Thủ đô. Mỗi năm, các học trò của huấn luyện viên Trương Minh Tài mang về 500 - 600 huy chương từ các giải thể thao ở thành phố.

9-hlv-truong-minh-tai.jpg
Huấn luyện viên Trương Minh Tài hướng dẫn học trò học bóng bàn. Ảnh: Ngân Hà

Từ năm 10 tuổi, Trương Minh Tài đã tiếp xúc với bóng bàn và theo đuổi đam mê đó suốt hơn 30 năm qua. Nhờ năng khiếu bẩm sinh và niềm đam mê cháy bỏng với bóng bàn, Trương Minh Tài được tuyển vào đội tuyển bóng bàn trẻ Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh, được đi thi đấu khắp nơi và giành không ít huy chương. Thế nhưng, năm 15 tuổi, chàng trai quê Thường Tín phải dừng thi đấu chuyên nghiệp vì lý do khách quan. Song, điều đó không làm Tài từ bỏ đam mê. Anh vừa đi học, vừa đi làm và vẫn tham gia các giải đấu ở các tỉnh, thành phố.

Tài chia sẻ: “Thi đấu chuyên nghiệp có thể có danh tiếng nhưng chỉ là một mình tôi. Còn nếu lui về huấn luyện, tôi có thể lan tỏa niềm đam mê bóng bàn đến hàng trăm người. Tập luyện thể thao không chỉ giúp thanh, thiếu niên rèn luyện thể chất, tinh thần mà còn giúp các em hòa nhập tốt. Những năm qua tôi dạy các em bằng đam mê của mình, không hề có lương nhưng vẫn thấy rất vui. Nhất là khi được đứng giữa nhà thi đấu mà cả 10 bàn bóng đều có học trò của mình thi đấu trận chung kết. Cảm xúc đó thật là tuyệt vời!”.

9-lo-luyen-bong-ban.jpg
Câu lạc bộ bóng bàn “0 đồng” của Huấn luyện viên Trương Minh Tài. Ảnh: Ngân Hà

Đến xã Bắc Hồng (huyện Đông Anh) hỏi “lò võ” Wushu King không ai không biết. Câu lạc bộ này là nơi tuyển chọn, đào tạo nhiều vận động viên trẻ năng khiếu của wushu Hà Nội và đội tuyển quốc gia. Đáng nói, đây là “lò” dạy wushu miễn phí cho trẻ em do vận động viên tán thủ wushu lừng lẫy một thời Phan Quốc Vinh và người chú ruột Phan Quốc Phương mở.

Phan Quốc Vinh từng đứng trên đỉnh vinh quang khi nhiều năm vô địch Giải wushu trẻ toàn quốc, giành Huy chương vàng Giải trẻ châu Á năm 2001, Huy chương vàng Seagame 2003, Huy chương bạc châu Á 2004, Huy chương bạc Asiad 2006… Năm 2007, anh chuyển sang ngạch huấn luyện khi vừa tròn 23 tuổi. Anh hiện là Trưởng bộ môn wushu của Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao Hà Nội, đồng thời là huấn luyện viên đội tán thủ wushu nam quốc gia.

Trên mảnh đất rộng hơn 700m2 của gia đình, chú cháu Vinh đã đầu tư hơn 2 tỷ đồng xây nhà ở, phòng tập wushu với đầy đủ trang thiết bị. Người thân trong gia đình lo công tác hậu cần, nấu ăn phục vụ các vận động viên. Các em nhỏ có năng khiếu được tuyển chọn về đây, được dạy wushu miễn phí. Những em nhà xa được hỗ trợ chi phí ăn ở. Sau một thời gian đào tạo, những em có năng khiếu nổi bật được giới thiệu vào lớp năng khiếu của bộ môn wushu Hà Nội. Nhiều tài năng xuất phát từ “lò” này đã giành Huy chương vàng Giải vô địch thế giới, Giải vô địch Đông Nam Á như Nguyễn Chí Quân, Nguyễn Văn Tuấn, Lê Thanh Hòa, Phan Thanh Yên…, đóng góp thành tích cho thể thao Hà Nội cũng như quốc gia.

9-hlv-phan-quoc-vinh.jpg
Huấn luyện viên Phan Quốc Vinh hướng dẫn học trò thi đấu. Ảnh: Ngân Hà

Chia sẻ lý do mở lò võ, Phan Quốc Vinh cho hay: “Nhận thấy khoảng trống kế cận sau lứa của mình, tôi đã quyết tâm tuyển chọn, đào tạo vận động viên trẻ cho đội tuyển. Tôi nghĩ, nếu có một phòng tập thật tốt cùng với sự nhiệt huyết của huấn luyện viên, chắc chắn sẽ xuất hiện các nhân tố xuất sắc, đạt thành tích tốt”.

Huấn luyện viên đội tuyển wushu quốc gia Nguyễn Văn Tài, người đồng hành cùng Phan Quốc Vinh trong công tác đào tạo trẻ cho hay: “Wushu King giống như một gia đình, ở đây các em được học văn hóa, được tập võ và sinh hoạt kỷ luật như ở đội tuyển quốc gia. Đây là môi trường rất tốt đối với các vận động viên chuyên nghiệp”.

Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao Hà Nội Hoàng Đình Kiên thì bày tỏ: "Những lò võ vệ tinh thế này đã giúp thể thao Hà Nội và Việt Nam phát hiện thêm nhiều tài năng".

Lò võ “0 đồng” của huấn luyện viên Phan Quốc Vinh. Ảnh: Ngân Hà
Lò võ “0 đồng” của Huấn luyện viên Phan Quốc Vinh. Ảnh: Ngân Hà

Thúc đẩy phong trào

Trưởng phòng Quản lý thể dục thể thao (Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội) Đào Quốc Thắng cho hay, Hà Nội luôn quan tâm đầu tư phát triển thể thao. Tỉ lệ người dân tham gia tập luyện thể dục thể thao tăng từng năm, góp phần nâng cao sức khỏe, chất lượng cuộc sống, đồng thời là tiền đề để tìm ra các nguồn vận động viên năng khiếu cho các đội tuyển. Với lĩnh vực thể thao thành tích cao, thành phố đã ưu tiên dành nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ luyện tập và thi đấu; có cơ chế, chính sách hỗ trợ, khen thưởng thỏa đáng đối với huấn luyện viên, vận động viên…

Hà Nội cũng tăng cường sử dụng nguồn lực chuyên gia nước ngoài trực tiếp huấn luyện cho các vận động viên Hà Nội. Những quyết sách đó thể hiện quyết tâm của Hà Nội đầu tư vào các môn thể thao nằm trong hệ thống ASIAD, Olympic, lấy đấu trường SEA Games làm cơ sở, từng bước tiếp cận đấu trường châu lục và thế giới và giúp thể thao thành tích cao của Hà Nội duy trì ổn định vị thế dẫn đầu cả nước.

Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng, năm 2024, lĩnh vực thể thao thành tích cao của Thủ đô đón nhận “luồng gió mới” về cơ chế, đó là HĐND thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 13/2023/NQ- HĐND ngày 6-12-2023, trong đó quy định chế độ thu hút, đãi ngộ đặc thù đối với vận động viên, huấn luyện viên đạt thành tích cao. Đây được xem là động lực mạnh mẽ giúp các vận động viên thêm gắn bó, cống hiến cho thể thao Hà Nội. Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng tạo cơ chế thu hút, tuyển chọn nhân tài đóng góp cho thể thao Hà Nội.

Theo ông Đỗ Đình Hồng, thể thao Hà Nội đặt mục tiêu đóng góp trên 30% lực lượng vận động viên tham gia, đóng góp thành tích cho Đoàn Thể thao Việt Nam dự SEA Games 33 tại Thái Lan (2025), ASIAD lần thứ 20 tại Nhật Bản (2026) và SEA Games 34 tại Brunei (2027)… Để đạt các mục tiêu trên, Thành phố đề ra nhiều giải pháp, trong đó có việc tăng cường đầu tư, nâng cấp đồng bộ cơ sở vật chất hiện có, mua sắm đầy đủ trang thiết bị chuyên dụng phục vụ việc tập luyện, thi đấu, đồng thời huy động nguồn lực xã hội hóa ở một số môn nhằm hỗ trợ huấn luyện viên, vận động viên trọng điểm… Đây sẽ là bàn đạp để thể thao Hà Nội hướng đến những mục tiêu lớn tiếp theo.

logo-dien-tu-moi-02.jpg
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài tham dự Cuộc thi viết “Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào” Lan tỏa mạnh mẽ tinh thần thể thao Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.