Chính trị

Bài tham dự Cuộc thi viết “Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”Ngày về lịch sử vẻ vang

Cựu chiến binh - Đại tá Hoàng Kim Hiên 07/06/2024 07:34

Ngày 8-10-1954, 214 cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn Bình Ca (Trung đoàn Thủ đô, Đại đoàn 308 Quân Tiên phong) dưới danh nghĩa đơn vị cảnh vệ, là đơn vị đầu tiên của quân đội ta tiến vào Hà Nội tiếp quản 35 vị trí quân Pháp chiếm đóng.

Ngày 9-10, quân Pháp bắt đầu rút khỏi Hà Nội, chúng rút đến đâu, quân ta tiếp quản đến đó. Đến 16h30 cùng ngày, quân Pháp rút hết qua cầu Long Biên.

Trước đó, ngày 19-9-1954, tại đền Hùng (tỉnh Phú Thọ), Đại đoàn 308 - đơn vị chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam - đã vinh dự được Bác Hồ trao nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô. Người căn dặn: “Bác cháu ta gặp nhau ở đây trong tình cờ nhưng lại rất có ý nghĩa. Ngày xưa, các vua Hùng đã có công dựng nước, ngày nay, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước... Trải qua bao thời đại đấu tranh, ông cha ta mới giữ được Thủ đô, tám chín năm nay, do quân ta kiên quyết kháng chiến nên mới có thắng lợi trở về Hà Nội. Vì thế, các chú được Trung ương và Chính phủ giao cho nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô là được nhận một vinh dự lớn”.

19954-truoc-khi-ve-tiep-quan-thu-do-can-bo-dai-doan-quan-tien-phong-duoc-nghe-chu-tich-ho-chi-minh-noi-chuyen-tai-den-hung-tinh-phu-tho-nguoi-can-dan.jpg
Bác Hồ nói chuyện với Đại đoàn 308 ngày 19-9-1954 tại Đền Hùng. Ảnh tư liệu.

Ngày 10-10-1954 là một ngày lịch sử. Lúc 5h sáng, hết giờ giới nghiêm, cả Hà Nội nhộn nhịp, vừa có không khí thiêng liêng như ngày Tết, vừa có cái tưng bừng rạo rực của ngày hội lớn. Phố xá trang hoàng băng rôn, biểu ngữ, cờ hoa rực rỡ. Người người mặc quần áo đẹp nhất, từng đoàn, từng đoàn đông nghẹt trên các con phố chờ đón đoàn quân chiến thắng trở về.

8h sáng, các đơn vị Đại đoàn 308 Quân Tiên phong quân phục chỉnh tề, huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ” cài trên ngực áo, tiến vào thành phố trong tư thế người chiến thắng, đi giữa một rừng cờ hoa cùng sự đón mừng nồng nhiệt của người dân Thủ đô. Đại đoàn tiến quân vào Hà Nội theo 3 hướng, gặp nhau ở hồ Gươm, dẫn đầu là Trung đoàn Thủ đô, tiếp theo là Trung đoàn Tu Vũ, Trung đoàn Bắc Bắc.

Thực hiện “Ngày về” ước hẹn với thành phố quê hương, Trung đoàn Thủ đô dẫn đầu là Anh hùng Nguyễn Quốc Trị, Trung đoàn trưởng và Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 54 Trần Đông tiến vào từ khu vực Mai Dịch qua ô Cầu Giấy, Kim Mã, Hàng Đẫy, vườn hoa Cửa Nam, Hàng Bông, Hàng Gai, Hàng Đào, Hàng Đường, chợ Đồng Xuân… Những đường phố thân quen mà mùa đông năm 1946 các chiến sĩ Liên khu I đã cùng quân dân Thủ đô với bom ba càng, chai xăng, vũ khí thô sơ nêu cao tinh thần “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” suốt 60 ngày đêm (từ 19-12-1946 đến 17-2-1947), sau đó tiến hành cuộc rút quân thần kỳ bảo toàn lực lượng, cùng cả nước trường kỳ kháng chiến “chín năm làm một Điện Biên, nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng”.

ttxvn-ha-noi-ngay-tro-ve-1-3522.jpg
Sáng 10-10-1954, các cánh quân của Quân đội nhân dân Việt Nam từ các cửa ô tiến vào tiếp quản Thủ đô trong rừng cờ hoa đón chào của 20 vạn người dân Hà Nội Ảnh tư liệu.

Từ phía Nam, đoàn xe cơ giới xuất phát từ sân bay Bạch Mai, qua ngã tư Trung Hiền lên phố Huế… Trên chiếc xe com măng ca mui trần đi đầu là Thiếu tướng Vương Thừa Vũ - Tư lệnh Đại đoàn 308, Chủ tịch Ủy ban Quân chính thành phố tươi cười vẫy chào đồng bào, tiếp đến là xe của bác sĩ Trần Duy Hưng - Phó Chủ tịch Ủy ban Quân chính, rồi đến xe của các đồng chí trong Bộ Tư lệnh Đại đoàn: Chính ủy Song Hào, Đại đoàn phó Cao Văn Khánh. Theo sau là các xe chở bộ binh. Các chiến sĩ ngồi ngay ngắn, súng dựng trên sàn, lưỡi lê tuốt trần sáng loáng, tiếp đến là đội hình pháo binh. Những khẩu đội pháo cao xạ vươn nòng lên trời với các chiến sĩ ngồi nghiêm trang trên mâm pháo. Đoàn quân tiến đến đâu là tiếng reo hò nổi lên như sấm dậy, đường phố rực màu cờ hoa, chật kín người, những gương mặt rạng rỡ vui cười. Ánh mắt, tay vẫy và cả những giọt nước mắt vui mừng…

Sau khi hội quân ở hồ Gươm, đoàn quân chiến thắng tiến qua các phố Hàng Đào, Hàng Đường, chợ Đồng Xuân, lên Cửa Bắc vào thành Hà Nội rồi tập trung tại sân vận động Cột Cờ. Cả Hà Nội hội tụ về đây đón giây phút lịch sử. Đã hơn 70 năm kể từ ngày Hà thành thất thủ, Hoàng Diệu tuẫn tiết, Cột cờ Hà Nội do nhà Nguyễn xây dựng hết phải treo cờ Pháp, cờ Nhật, cờ “Tàu Tưởng”, rồi lại cờ Pháp, giờ đây mới được mang cờ Tổ quốc. Tối hôm trước, bộ đội công binh của Đại đoàn với sự giúp đỡ của công nhân nhà ga xe lửa Hà Nội đã lắp đặt lên đỉnh Cột cờ một ống thép cao 12m, nặng 2 tạ để nâng lá cờ Tổ quốc hiên ngang trên bầu trời Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến, anh hùng. Đúng 15h, từ Nhà hát Lớn nổi lên một hồi còi dài. Đoàn quân nhạc dưới sự điều khiển của nhạc trưởng Đinh Ngọc Liên cử Quốc thiều. Lần đầu tiên, cờ đỏ sao vàng tung bay trên đỉnh Cột cờ Hà Nội.

Trong hồi ký “Trưởng thành trong chiến đấu” (NXB Hà Nội, 2006), tướng Vương Thừa Vũ kể: “Trong buổi lễ chào cờ lịch sử này, tôi vinh dự được đọc thư của Hồ Chủ tịch gửi đồng bào Thủ đô: “Tám năm qua, Chính phủ xa rời Thủ đô để kháng chiến, cứu nước. Tuy xa nhau nhưng lòng Chính phủ vẫn luôn gần cạnh đồng bào. Ngày nay, do quân dân ta đoàn kết, nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, kháng chiến thắng lợi, Chính phủ trở về Thủ đô với đồng bào, muôn dặm một nhà, lòng vui xiết kể”. Lời Bác thân mật, thiết tha, nhiều người không nén được xúc động, nước mắt rưng rưng… Người dặn dò nhân dân Thủ đô “Đồng tâm, nhất trí, góp sức với Chính phủ thì chúng ta nhất định vượt qua mọi khó khăn và đạt được mục đích chung làm cho Hà Nội thành một thủ đô yên ổn, vui tươi và phồn vinh”. Thư Bác đọc vừa dứt thì tiếng hô “Hồ Chủ tịch muôn năm” lại đồng thanh vang động cả sân vận động, qua loa truyền thanh truyền lan qua các đường phố, mang đến trong lòng mỗi người dân Thủ đô một luồng gió mới, một không khí mới, thanh thản, vui tươi, tin tưởng, ấm áp tình người để ngày mai bắt tay vào xây dựng lại Thủ đô to đẹp, xứng đáng là vị trí trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của cả nước”.

vuong-thua-vu1-1.jpg
Người dân Hà Nội chào đón Thiếu tướng Vương Thừa Vũ dẫn đầu Đại đoàn Quân Tiên phong về tiếp quản Thủ đô. Ảnh tư liệu.

Ngày 10-10-1954 là một mốc son lịch sử trọng đại đánh dấu sự thất bại hoàn toàn của các thế lực hiếu chiến thực dân Pháp ở Việt Nam, sự thắng lợi oanh liệt của nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, là chiến công rực rỡ của thời đại Hồ Chí Minh, mở ra thời kỳ phát triển mới của Thủ đô và đất nước.

Những kỷ niệm sâu sắc của một thời máu và hoa ấy sống mãi trong ký ức của những người lính năm xưa. 70 năm qua, lớp lớp cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 308 đã phát huy truyền thống vẻ vang đi suốt những năm tháng chiến tranh đầy gian khổ hy sinh và rất vinh quang của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, thực hiện trọn vẹn mệnh lệnh thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu: “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, “Các vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Trong công cuộc đổi mới, đơn vị đã xây dựng sư đoàn bộ binh cơ giới chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, luôn đồng hành cùng quân dân Thủ đô và cả nước thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

70 năm trong ngàn năm văn hiến thật ngắn ngủi. Nhưng 70 năm qua, lớp lớp người Hà Nội đã kiến tạo cho “kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời” thêm rạng rỡ, lung linh. Thiết nghĩ, không có gì tôi luyện tư tưởng con người bằng lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Đó là những bài học để làm người, để yêu nước, để hình thành tâm hồn Việt Nam, như triết gia Cicero từng nói: “Bởi lịch sử là bằng chứng của thời đại, là ngọn lửa của chân lý, là sinh mệnh của ký ức, là thầy giáo của cuộc sống, là sứ giả của cố nhân”.

logo-dien-tu-moi-02-1-.jpg
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài tham dự Cuộc thi viết “Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào” Ngày về lịch sử vẻ vang

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.