Văn hóa

Bài tham dự Cuộc thi viết “Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”: Hà thành, mỗi bước ta điBài cuối: Động lực cho phát triển bền vững

Giang Nam 10/09/2024 21:47

Quá khứ không chỉ hòa cùng nhịp sống. Quá khứ còn là động lực cho sự phát triển của thành phố. Điều đó không chỉ thể hiện qua khai thác giá trị di sản, mà còn ở xây dựng, bồi đắp giá trị văn hóa - con người bằng chính những giá trị văn hóa - lịch sử của Thủ đô yêu dấu. Và đó là nhân tố để Thăng Long - Hà Nội phát triển vững bền.

Hoàng thành Thăng Long bây giờ đã trở thành Di sản văn hóa thế giới. Hiếm có di tích nào đặc biệt như nơi này: Vừa bảo tồn, vừa nghiên cứu, vừa khai thác, phát huy giá trị. Cách thềm điện Kính Thiên, nơi vua cùng quần thần từng bàn quốc sự vài chục bước chân là Nhà và hầm D67. Những bàn, ghế trong phòng họp của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương giản dị không khác đồ đạc chúng ta dùng hằng ngày. Biển tên các vị lãnh đạo vẫn ở đó, như thể cuộc họp kết thúc chưa lâu. Cả di tích thời quân chủ, di tích Pháp thuộc lẫn di tích Cách mạng đều đang trở thành điểm đến hấp dẫn bậc nhất Hà Nội, mỗi năm đón hàng trăm nghìn khách trong nước và quốc tế, hàng chục nghìn lượt học sinh đến tham quan, học tập. Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội còn triển khai tour du lịch đêm “Khám phá Hoàng thành Thăng Long”. Không ngạc nhiên khi tour đêm thường xuyên “cháy vé” từ sớm.

bai-2.1.jpeg
Học sinh Thủ đô học tập, trải nghiệm tại Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Hoàng thành Thăng Long
Học sinh Thủ đô học tập, trải nghiệm tại Hoàng thành Thăng Long.
Học sinh Thủ đô học tập, trải nghiệm tại Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Hoàng thành Thăng Long

Quá khứ không chỉ hòa cùng nhịp sống đương đại. Quá khứ còn là bệ đỡ tới tương lai - câu chuyện đang diễn ra ở khu di sản Hoàng thành Thăng Long. Và không chỉ ở Hoàng thành, còn nhiều, rất nhiều địa danh lịch sử - văn hóa khác cũng đang phát huy giá trị trong cuộc sống.

Thủ đô Hà Nội có 5.922 di tích, trong đó có 55 di tích cách mạng kháng chiến và kho tàng di sản kiến trúc, di sản công nghiệp đồ sộ. Chương trình 06 của Thành ủy Hà Nội về phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh được triển khai qua nhiều nhiệm kỳ, với nhiệm vụ vừa xây dựng văn hóa - con người, vừa khai thác những giá trị văn hóa cho sự phát triển.

Ở vế thứ hai, thành phố đã có những bước chuyển lớn, nhất là khi tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Song, yếu tố này chỉ thực sự có bước ngoặt khi Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Một xung lực mới được tạo ra trong khai thác, phát huy giá trị văn hóa, đặc biệt là giá trị di sản. Di tích không chỉ “sáng mở - tối đóng” bán vé tham quan, mà trở nên sống động. Và điều bất ngờ nhất lại diễn ra ở một di tích tưởng như khó khai thác nhất…

bai-2.3.jpeg
Bằng những sáng tạo độc đáo, di tích Nhà tù Hỏa Lò vừa trở thành điểm du lịch hấp dẫn, vừa là địa chỉ giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần Cách mạng. Ảnh: Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò

Di tích Nhà tù Hỏa Lò đón khách tour đêm bằng những ngọn nến nhỏ thắp lên đủ để xác định lối đi. Tiếng cửa xà lim mở nặng nề, tiếng lách cách của xiềng xích càng khiến người ta cảm thấy như khó thở khi bước vào các căn phòng giam chật hẹp…

Khi ấy, Ban Quản lý di tích nhà tù Hỏa Lò mới bắt đầu “kể” những câu chuyện lịch sử. Chủ đề “Sống như những đóa hoa” giúp du khách hồi tưởng lại quá trình đấu tranh của những phụ nữ kiên trung một lòng vì Đảng, vì dân như: Trương Thị Mỹ, Phạm Thị Hoàng Ngân, Hoàng Thị Ái… Với chủ đề “Lửa thanh xuân”, ta sống lại những ngày tháng tuổi trẻ bất khuất của những chiến sĩ cách mạng qua hoạt cảnh chiến sĩ cách mạng Nguyễn Hoàng Tôn kiêu hãnh đón nhận cái chết bằng máy chém trước cổng nhà tù Hỏa Lò năm 1931, hay những phút giây không cầm được nước mắt khi xem hoạt cảnh đồng chí Nguyễn Đức Cảnh gặp mẹ lần cuối trước khi chịu án tử hình...

bai-2.4(1).jpeg
Học sinh Trường Tiểu học Phú Thượng (quận Tây Hồ) thăm di tích Nhà cụ An, nơi Bác Hồ ở và làm việc chuẩn bị cho Lễ Tuyên ngôn độc lập 2-9-1945. Ảnh: Ngọc Dũng

Một nhà tù thực dân cũ kỹ bây giờ lại là điểm đến thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế. Công nghiệp văn hóa không phải cái gì xa xôi mà bắt đầu từ phương pháp khai thác giá trị di sản sáng tạo. Và ta hiểu thêm rằng: Thái độ trân trọng quá khứ suốt những năm tháng qua, đã giữ cho Hà Nội là Thủ đô di sản - tài nguyên vô giá để phát triển công nghiệp văn hóa bây giờ.

Thật khó có thể kể hết những câu chuyện về khai thác giá trị di sản trên địa bàn. Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đền Ngọc Sơn, hay những chùa Hương, chùa Thầy… đều đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Ngay cả tòa biệt thự Pháp trên phố Trần Hưng Đạo bỏ quên suốt bao năm cũng đã được trùng tu, trở thành Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cũ. Sau di tích Nhà tù Hỏa Lò, những di tích cách mạng khác do thành phố quản lý cũng đang đổi mới. Giám đốc Ban Quản lý di tích và danh thắng Hà Nội Nguyễn Doãn Văn chia sẻ: “Chúng tôi đang lập dự án sáng tạo tại Di tích quốc gia “Nhà Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tháng 12-1946” tại làng Vạn Phúc, quận Hà Đông, nơi Bác viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Di tích vẫn là địa chỉ đỏ về giáo dục truyền thống cách mạng, nhưng chúng tôi muốn nơi đây trở thành một không gian sáng tạo, trải nghiệm mới cho du khách”.

Cái được trong đổi mới hoạt động của các di tích không chỉ là phát triển du lịch, mà là “lợi ích đa chiều”. Như ở di tích Nhà tù Hỏa Lò, mỗi tour đêm là một “hành trình cảm xúc”. Sau khi trải nghiệm chương trình, em Trương Nhật Minh (phố Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: “Em không biết nói gì hơn ngoài hai từ “biết ơn” và “rất biết ơn”. Các hoạt cảnh rất sống động cho em hiểu về hy sinh của lớp người đi trước và giá trị của hòa bình, độc lập hôm nay”. Tâm sự của một bạn trẻ giúp ta hiểu rõ hơn mục tiêu sâu xa của Chương trình 06 của Thành ủy Hà Nội: Khai thác, phát huy giá trị văn hóa luôn song hành bồi đắp xây dựng văn hóa - con người. Ở khía cạnh xây dựng, đó là những bài học về lý tưởng cách mạng, về đạo làm người được lan tỏa.

Ở Hà Nội, dấu ấn của quá khứ không cứ ở những di tích nổi tiếng. Bất cứ tuyến đường, góc phố, ngôi làng nào cũng chứa những lớp lang lịch sử. Những bài học về truyền thống cách mạng, văn hóa không phải việc của riêng ai. Thế hệ trẻ hôm nay khám phá truyền thống chẳng cần ở đâu xa. Học sinh phường Phú Thượng (quận Tây Hồ) được thăm, nghe chuyện về “nhà Bác” - nơi Bác Hồ ở, làm việc trên địa bàn phường Phú Thượng năm 1945. Học sinh xã Nam Hồng (huyện Đông Anh) được khám phá tinh thần chống Pháp qua chính địa đạo Nam Hồng trên quê hương mình... Tình yêu, lòng tự hào về quê hương đang được bồi đắp, để lớn dần theo năm tháng, theo mỗi bước đường các em sẽ đi, sẽ xây dựng quê hương.

bai-2.5.jpeg
Phối cảnh cầu Tứ Liên, cây cầu nối hai miền huyền sử. Ảnh đơn vị thiết kế

Hà Nội hôm nay phát triển hơn xưa, về cả chiều rộng lẫn bề sâu. Dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, nhiều công trình lớn hoàn thành, nhiều công trình lớn chuẩn bị xây dựng. Một trong số đó là cầu Tứ Liên - cây cầu nối Tây Hồ với Đông Anh - huyện hôm nay, quận ngày mai, với điểm nhấn là Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia và những khu đô thị mới quy mô đang dần hiện hình hài. Không đơn thuần là một công trình giao thông, cầu Tứ Liên sẽ kết nối hai không gian văn hóa: Tây Hồ ở bên này, Cổ Loa ở bên kia. Nếu được chọn một hình ảnh đại diện cho Hà Nội trong một giai đoạn phát triển mới, chắc rằng nhiều người sẽ chọn cây cầu ấy. Một cây cầu hiện đại, nối hai miền huyền sử, với những trụ cầu bắc lên từ những vùng đất nghìn năm…

logo-dien-tu-moi-02.jpg
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài tham dự Cuộc thi viết “Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”: Hà thành, mỗi bước ta đi Bài cuối: Động lực cho phát triển bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.