Theo dõi Báo Hànộimới trên

''Bãi phế liệu nổi'' giữa hồ Tây

Kim Vũ| 17/09/2022 05:39

(HNM) - Năm 2017, UBND thành phố Hà Nội ban hành quyết định chấm dứt hoàn toàn hoạt động kinh doanh dịch vụ đối với các nhà thuyền nổi trên hồ Tây, yêu cầu di chuyển về vị trí tập kết tại Đầm Bảy, phường Nhật Tân (quận Tây Hồ). Sau hơn 5 năm “đắp chiếu”, các nhà thuyền đã trở thành "bãi phế liệu nổi", làm mất mỹ quan nghiêm trọng. Nhiều nhà thuyền còn trở thành nơi chứa rác, bốc mùi xú uế, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân quanh khu vực...

Những nhà thuyền nổi cũ nát gây ô nhiễm mặt nước và ảnh hưởng đến cảnh quan hồ Tây.

Ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan khu vực

Chia sẻ với phóng viên Báo Hànộimới, ông Nguyễn Văn Thắng, một người dân ở quận Tây Hồ thường xuyên tập thể dục quanh khu vực Đầm Bảy cho biết, mặc dù cơ quan chức năng đã quây lưới sắt ngăn cách vỉa hè hồ với khu vực đậu nhà thuyền nổi nhưng nhiều người vẫn tự ý cắt bỏ phần lưới sắt, vào trồng rau, câu cá. Nhiều người dân thiếu ý thức còn ném túi ni lông, rác... vào nhà thuyền khiến cảnh quan nơi đây luôn nhếch nhác, bẩn thỉu.

Theo quan sát của phóng viên, các nhà thuyền nổi đã xuống cấp nghiêm trọng, trở thành những đống sắt vụn, trong đó một số nhà thuyền bị bục đáy nên nước hồ tràn vào bên trong. Nhiều bộ phận của thuyền lâu ngày bị mục nát rơi xuống lòng hồ... Trên các nhà thuyền, rác vứt ngổn ngang, bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm môi trường và rất mất mỹ quan đô thị.

Giám đốc Xí nghiệp Thoát nước số 1 (Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội) Hoàng Thế Hùng cho biết, thông thường để nhặt rác, vớt bèo trôi nổi phát sinh mỗi ngày trên mặt hồ, công nhân chỉ cần đứng trên bờ vớt rác và thu gom về điểm tập kết, đưa lên xe ô tô chuyên dùng vận chuyển đến bãi rác... Tuy nhiên, tại khu vực Đầm Bảy, nơi có các nhà thuyền neo đậu, việc vớt rác vất vả và tốn kém chi phí hơn. Công nhân phải đi thuyền để vớt rác tồn đọng ở các nhà thuyền nổi, rồi mới di chuyển lên bờ...

Những nhà thuyền nổi neo đậu ở Đầm Bảy, phường Nhật Tân (quận Tây Hồ) đã hoen gỉ, mục nát.

Để nhà thuyền nổi không bị… thả nổi

Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Tây Hồ Nguyễn Anh Tuấn cho biết, đến nay đã có 2 doanh nghiệp tự di dời toàn bộ phương tiện thủy nội địa gồm 2 tàu, 2 sàn nổi, 2 phao nổi và 1 xuồng máy ra khỏi khu vực hồ Tây. Còn 8 doanh nghiệp chưa tự thực hiện di dời các phương tiện thủy nội địa trên hồ Tây nên gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan đô thị.

Cũng theo ông Nguyễn Anh Tuấn, hiện công tác di dời các nhà thuyền nổi gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về cơ sở pháp lý. Cụ thể, các nhà thuyền nổi đã hết hạn đăng kiểm nhưng theo Nghị định số 111/2014/NĐ-CP ngày 20-11-2014 của Chính phủ quy định về niên hạn sử dụng của phương tiện thủy nội địa thì phần lớn các nhà thuyền vẫn còn niên hạn sử dụng. Do đó, các đơn vị chức năng chưa đủ thủ tục pháp lý để thực hiện di dời các phương tiện này ra khỏi hồ Tây.

Một khó khăn khác, theo nội dung Thông báo số 372/TB-UBND ngày 16-4-2018 về kết luận của tập thể lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội tại cuộc họp giải quyết kiến nghị của 5 doanh nghiệp kinh doanh hoạt động trên hồ Tây, thành phố giao Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì, phối hợp Sở Du lịch lập phương án kinh doanh trên hồ Tây theo hướng tổ chức hoạt động văn hóa, giải trí phục vụ du lịch; cho phép tối đa 2 tàu hoạt động, nghiên cứu bố trí 6 đến 7 bến tàu. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có phương án kinh doanh để các doanh nghiệp biết và thực hiện...

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Lê Hoàng, quận Tây Hồ đã nhiều lần báo cáo, nêu rõ khó khăn và đề xuất UBND thành phố chỉ đạo Sở Giao thông - Vận tải sớm có hướng dẫn cụ thể về việc xử lý các phương tiện có đăng ký, hết hạn đăng kiểm nhưng vẫn còn niên hạn sử dụng để quận có cơ sở pháp lý xử lý. Bên cạnh đó, ngày 22-8 vừa qua, UBND quận Tây Hồ đã có công văn đề nghị Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội chỉ đạo Thanh tra Sở cung cấp hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính đối với những doanh nghiệp có phương tiện đang neo đậu tại hồ Tây để quận có căn cứ tiến hành di dời phương tiện vi phạm ra khỏi hồ. Quận cũng đề nghị Sở tổ chức tháo dỡ biển báo điểm đỗ tại cuối phố Nhật Chiêu (phường Nhật Tân) để phục vụ di dời các phương tiện thủy ra khỏi hồ theo chỉ đạo của UBND thành phố; đồng thời nghiên cứu cơ sở pháp lý để ưu tiên di chuyển ra khỏi mặt nước hồ Tây các phao nổi, ca nô... 

Việc để tồn tại những nhà thuyền nổi cũ nát, hoang tàn ở Đầm Bảy không chỉ ảnh hưởng đến quang cảnh của hồ Tây mà còn gây ô nhiễm mặt nước, mất vệ sinh môi trường sống và tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ về an ninh trật tự. Trước mắt, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần cho thu dọn sạch sẽ rác thải nơi các nhà thuyền nổi neo đậu. Về lâu dài, các cơ quan chức năng cần có biện pháp cứng rắn để di dời các nhà thuyền nổi này, trả lại không gian cho hồ Tây, tránh tình trạng mất mỹ quan đô thị và ô nhiễm, bảo đảm môi trường sống an toàn cho người dân quanh khu vực.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
''Bãi phế liệu nổi'' giữa hồ Tây

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.