(HNMO) - Bên cạnh những HTX điển hình tiên tiến hoạt động hiệu quả, vẫn còn không ít HTX lúng túng trong việc tìm hướng đi. Hiện thực hóa chủ trương của Liên minh HTX Việt Nam, lấy chuỗi giá trị làm trung tâm cho HTX phát triển, Liên minh HTX Hà Nội cũng đã chỉ ra những khó khăn hạn chế của các HTX sau chuyển đổi để có những chỉ đạo, hỗ trợ cụ thể đưa các HTX hoạt động gắn hiệu quả.
Nhận thức rõ khó khăn
Qua đợt khảo sát thực tế các HTX điển hình về rau, thịt của Hà Nội có thể tham gia vào Liên hiệp HTX tiêu thụ nông sản an toàn Việt Nam của Liên minh HTX Việt Nam và Hà Nội mới đây cho thấy còn ngổn ngang khó khăn. Ông Nguyễn Trọng Long, Giám đốc HTX chăn nuôi Hoàng Long xã Tân Ước huyện Thanh Oai cho biết: Hiện HTX có quy mô 400 lợn nái, hàng năm bán ra thị trường khoảng 1.000 tấn lợn thương phẩm.
Tuy nhiên, trước khi tham gia vào Liên hiệp, ông Long mong muốn HTX phải hoàn thiện cơ sở vật chất từ xử lý môi trường, giết mổ công nghiệp kiêm đóng gói sản phẩm quy mô 50 con/ngày…và có cửa hàng giới thiệu sản phẩm thịt lợn sinh học của Hoàng Long ngay tại thị trấn Kim Bài - huyện Thanh Oai làm điểm tựa lan tỏa ra các khu vực xung quanh. Hiện, các vấn đề này vẫn đang trong quá trình triển khai, muốn hoàn thành HTX rất cần vốn đề đầu tư trang thiết bị nhưng do chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên vẫn chưa được vay vốn.
Còn tại HTX rau Văn Đức huyện Gia Lâm với trên 250ha rau các loại, một trong những vựa rau lớn nhất Hà Nội, anh Nguyễn Văn Minh Giám đốc HTX cho hay: mỗi năm nông dân Văn Đức xuất ra thị trường trên 3.000 tấn rau các loại trong đó chủ lực là bắp cải, su hào, và không chỉ tiêu thụ trên địa bàn thành phố và các tỉnh miền Trung, bắp cải Văn Đức đủ điều kiện xuất khẩu đi Nhật và 1 số nước khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên việc tiêu thụ nông sản phụ thuộc vào hệ thống thương lái, vai trò của HTX ở khâu tiêu thụ hoàn toàn vắng bóng.
Mục tiêu phát triển đến năm 2020 HTX sẽ phân phối khoảng 100 đến 200 tấn rau cho xã viên. Muốn làm được điều đó HTX rất cần hỗ trợ về nhà sơ chế, được biết hiện nay trên địa bàn xã đã có nhà sơ chế rau của Công ty TNHH Hương Cảnh nhưng do liên quan đến thủ tục pháp lý vẫn chưa chính thức bàn giao cho HTX quản lý và vận hành. Và anh Nguyễn Văn Minh cũng thừa nhận: HTX có quy mô toàn xã, có chứng chỉ sản xuất RAT và VietGap, với 148 thành viên với số vốn góp 1 triệu đồng/thành viên nhưng HTX chủ yếu làm các dịch vụ: thủy lợi, bảo vệ đồng ruộng, vệ sinh môi trường và tiêu thụ sản phẩm... HTX vẫn hoạt động theo lối cũ, chưa áp dụng các công nghệ cao nên vẫn tự sản, tự tiêu...
Ông Lê Văn Chính Chủ tịch HĐQT - Giám đốc HTX NN Đồng Tháp huyện Đan Phượng cho hay: dù HTX đã chuyển đổi theo luật được cả năm trời nay, nhưng cái chính mới chỉ là sắp xếp lại bộ máy của HTX, tổ chức lại thành viên còn thực chất HTX thay đổi hoạt động chưa? Để bắt đầu với loại hình dịch vụ nào mới, HTX bảo tồn vốn, kinh doanh có lãi vẫn là bài toán nhiều nan giải với chúng tôi ông Chính nói.
Lý giải vấn đề này ông Nguyễn Quốc Bảo, Liên minh HTX Hà Nội cho hay: mặc dù Ban chỉ đạo kinh tế tập thể TP và Liên minh HTX Hà Nội đã tích cực chỉ đạo đổi mới hoạt động HTX nhưng do bản thân HTX thời gian dài hoạt động yếu kém, khâu cán bộ và phương án sản xuất chưa rõ ràng. Sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp chưa thực sự tích cực trong khi tham gia HTX là những người yếu thế, yếu cả kiến thức, năng lực, vốn, công nghệ do đó để đưa các HTX vào quỹ đạo hoạt động mới, cần rất nhiều tâm sức, sự hỗ trợ bền bỉ của hệ thống liên minh HTX từ trung ương tới thành phố.
Kỳ vọng vào chuỗi giá trị
Theo Chủ tịch Liên minh HTX Hà Nội Nguyễn Quang Mạnh, hiện nay trên địa bàn TP Hà Nội có tới gần 2.000 HTX trong đó có gần 1.000 HTX nông nghiệp, vào loại lớn nhất cả nước. Tuy nhiên cung - cầu trong tiêu thụ nông sản an toàn ở cả 2 phía, người sản xuất và người tiêu dùng mới chỉ gặp nhau trong ý thức, thực tế để biến mong muốn đó thành hiện thực vẫn còn là một chặng đường gian nan. Tham gia vào Liên hiệp HTX tiêu thụ nông sản an toàn Việt Nam, Hà Nội sẽ lấy chất lượng các loại nông sản an toàn để xây dựng thương hiệu và tạo chữ tín. Muốn làm được điều đó, Liên minh HTX Hà Nội rất mong Liên minh HTX Việt Nam cũng như thành phố hỗ trợ hơn nữa các HTX về vốn, công nghệ chế biến cũng như bố trí mặt bằng giới thiệu, tiêu thụ nông sản. Liên minh sẽ lựa chọn những HTX nông nghiệp có tiềm năng và quy mô, cùng các sở, ngành, xây dựng thành mô hình mẫu và nhân rộng.
Sản xuất ổi chất lượng cao ở HTX NN Song Phượng-Hoài Đức |
Để tháo gỡ, mở đường cho nông sản Hà Nội nói chung và cả nước nói riêng thuận lợi trong liên kết tiêu thụ và được người tiêu dùng đón nhận, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Võ Kim Cự gợi mở nhiều vấn đề về đề cao vai trò HTX. Bởi hiện nay việc nhận thức và chỉ đạo quản lý HTX nhiều nơi ở Hà Nội chưa được, chưa đúng bản chất HTX kiểu mới theo Luật HTX 2012. Tuy các huyện đều có chương trình quan tâm đến HTX trong nông nghiệp, nông thôn, nhưng chưa có chính sách đặc thù riêng cho HTX, đặc biệt cần chú ý phát triển HTX trong thanh niên, phụ nữ và cựu chiến binh.
Hiện nay không ít HTX tiêu thụ RAT và các loại nông sản hàng hóa nhưng không có vùng sản xuất, đã gây hiểu lầm về chất lượng, xuất xứ sản phẩm nông sản. Do đó, bản thân các HTX cần đẩy mạnh quy mô, hoàn thiện quy trình hợp quy chất lượng sản phẩm. HTX phải làm tốt cả 2 vấn đề: tổ chức sản xuất tốt và tiêu thụ sản xuất tốt.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.