(HNMO) - Sáng 20-6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Trong đó, dự thảo Luật được Quốc hội thông qua đã bỏ quy định về chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên trong hợp tác xã (HTX), liên hiệp HTX.
Dự thảo Luật đã quy định trường hợp luật khác có quy định đặc thù về thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể, phá sản và hoạt động có liên quan của tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thì áp dụng theo quy định của luật đó.
Dự thảo Luật được Quốc hội thông qua quy định tổ hợp tác khi có góp vốn và hợp đồng hợp tác không xác định thời hạn hoặc có thời hạn từ 12 tháng trở lên hoặc tổ hợp tác đề nghị thụ hưởng chính sách của Nhà nước phải đăng ký tại cơ quan đăng ký kinh doanh; khuyến khích tổ hợp tác khác đăng ký.
Liên hiệp hợp tác xã được dự thảo Luật xác định là tổ chức có tư cách pháp nhân do ít nhất 3 hợp tác xã là thành viên chính thức tự nguyện thành lập; phù hợp với quy định vốn góp tối đa của mỗi thành viên liên hiệp hợp tác xã không quá 40% vốn điều lệ.
Đáng lưu ý, dự thảo Luật đã bỏ quy định về chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nhằm bảo đảm phản ánh đúng bản chất của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã là đối nhân, không phải đối vốn như doanh nghiệp, tránh hiện tượng mua, bán phần vốn góp tương tự như công ty cổ phần, công ty TNHH, “doanh nghiệp hóa hợp tác xã”, thao túng, chi phối của một số cá nhân, tổ chức đối với hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, đặc biệt là đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đã được Nhà nước hỗ trợ nhiều nguồn lực.
Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được thành lập doanh nghiệp, góp vốn, mua cổ phần tham gia doanh nghiệp nhằm mục tiêu hỗ trợ hoạt động, liên kết, tiêu thụ, sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và giao Chính phủ quy định điều kiện hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập doanh nghiệp, điều kiện góp vốn, mua cổ phần tham gia doanh nghiệp. Trình tự, thủ tục thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.
Về hoạt động huy động vốn từ thành viên và cho vay nội bộ, dự thảo Luật xác định, cho vay nội bộ là việc hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã cho thành viên chính thức vay trong thời hạn không quá 12 tháng nhằm hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và đời sống trên nguyên tắc tự nguyện, tự chịu trách nhiệm, không vì mục tiêu lợi nhuận, phải bảo toàn vốn, có hoàn trả và bù đắp đủ các khoản chi phí của hoạt động cho vay nội bộ. Hoạt động cho vay nội bộ không phải là hoạt động ngân hàng theo quy định của pháp luật về các tổ chức tín dụng.
Dự thảo cũng quy định nguyên tắc hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã không được thực hiện việc huy động vốn trong và ngoài thành viên để cho vay nội bộ, bởi hoạt động này tương tự như hoạt động tín dụng do các tổ chức tín dụng thực hiện theo quy định của pháp luật về các tổ chức tín dụng đòi hỏi yêu cầu cao và chặt chẽ trong quản trị rủi ro.
* Sau đó, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông từ quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.