Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển HTX nông nghiệp: Thách thức và cơ hội trong đô thị hóa

Bạch Thanh| 04/06/2023 18:04

(HNMO) -

Tại các địa phương ven đô, diện tích đất nông nghiệp đang dần thu hẹp bởi quy hoạch phát triển giao thông, đô thị. Để tồn tại và phát triển, các hợp tác xã (HTX) phải tái cấu trúc, tập trung tốt dịch vụ đang có, mở dần các loại hình dịch vụ mới, đáp ứng nhu cầu xã hội. Nhiều HTX ven đô đã định hình dịch vụ mới và cũng có nhiều nơi còn loay hoay...

Các HTX nông nghiệp ven đô khó ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.

Nỗ lực thích ứng

HTX nông nghiệp Tân Lập, huyện Đan Phượng là một trong những HTX ven đô, hiện 100% diện tích đất sản xuất của địa phương đã được quy hoạch vào phát triển giao thông, đô thị. Để thích ứng tình hình mới, theo ông Nguyễn Hữu Tuy, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Nông nghiệp Tân Lập, hơn một năm nay, đơn vị đã mở thêm dịch vụ kinh doanh hoa - cây cảnh.

"Ngoài trồng hoa - cây cảnh, chúng tôi đã mở được 2 gian hàng cung ứng các loại hoa cây cảnh, cây xanh, phân bón, dụng cụ làm vườn… phục vụ nhân dân trong và ngoài địa phương. Thêm nữa, nhờ cung ứng dịch vụ tốt, HTX đã và đang cung ứng cây xanh, vật tư… cho các hội đoàn thể, khu dân cư tự quản của địa phương trồng tại các tuyến đường hoa, cây xanh", ông Tuy chia sẻ.

Không chỉ năng động với các loại hình dịch vụ mới, các loại dịch vụ truyền thống của HTX như kinh doanh điện, quản lý chợ cũng đang thực hiện khá tốt.

Nhiều HTX ven đô đang mở rộng dịch vụ hoa - cây cảnh và phát triển tốt.

Tương tự, HTX nông nghiệp Đông Lao (xã Đông La, huyện Hoài Đức), mới đây, nông dân địa phương bàn giao hơn 60ha đất nông nghiệp phục vụ dự án Vành đai 4. Ngoài ra, diện tích đất phục vụ các dự án giao thông, đấu giá đất… khiến diện tích đất canh tác của địa phương giảm mạnh. Tuy vậy, HTX đã đầu tư, hỗ trợ nông dân chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang VietGAP và theo hướng hữu cơ…

Ông Phan Huy Chiến, Giám đốc HTX nông nghiệp Đông Lao cho biết: "Với vùng nhãn chín muộn 40ha, chúng tôi đã có 13,5ha đạt chứng nhận VietGAP. Ngoài ra, các vùng chuyên canh rau màu chất lượng cao như cà chua cũng được đầu tư nhà màng, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất. Mỗi năm, HTX cung ứng hàng trăm tấn nông sản chất lượng cao cho thị trường nội đô".

Còn nhiều trăn trở

Có thể thấy, bên cạnh việc chuyển dịch tích cực thì các HTX nông nghiệp vùng ven đô đang gặp không ít khó khăn trong quá trình đô thị hóa.

Ông Phan Huy Chiến, Giám đốc HTX nông nghiệp Đông Lao nói: HTX muốn xây dựng trụ sở cũng như có kho bảo quản nông sản tạm thời trước khi đi tiêu thụ nhưng qua nhiều lần đề nghị chính quyền địa phương tạo điều kiện về đất đai, mặt bằng hoặc chuyển đổi một phần đất nông nghiệp của HTX đều rất khó. Đã qua “3 đời chủ tịch xã”, chúng tôi kiến nghị rất nhiều nhưng đến nay chưa được giải quyết, trong khi đó, HTX ven đô mà không sản xuất, cung ứng dịch vụ nông sản chất lượng cao thì không thể cạnh tranh.

Thực tế tại các HTX ven đô cho thấy, nếu không có tư duy quản lý và định hướng phát triển nông nghiệp đô thị đúng tầm thì việc phát triển đa số theo hình thức chắp vá, vừa làm, vừa lo lắng. Ông Nguyễn Hữu Tuy, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX nông nghiệp Tân Lập (huyện Đan Phượng) cho biết, toàn xã còn 268ha đất nông nghiệp quy hoạch giao thông, đô thị.

"Chúng tôi kiến nghị, khi đất nông nghiệp đã được quy hoạch thì nên triển khai nhanh chóng, không để quy hoạch treo. Thực trạng hiện nay của địa phương là nông dân trồng lúa không hiệu quả, mà đầu tư chuyên sâu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao thì vướng quy hoạch", ông Tuy nói.

Để phát triển bền vững, các HTX rất cần chuyển đổi dịch vụ sang sản xuất hữu cơ, du lịch nông nghiệp...

Phó Chủ tịch Liên minh HTX Hà Nội Nguyễn Tiến Phong nhận xét: Các HTX nông nghiệp ven đô đang gặp nhiều rào cản và thách thức trong phát triển. Quá trình đô thị hóa làm cho diện tích đất nông nghiệp thu hẹp, đất đai còn lại thường có giá trị cao, việc mở rộng hoạt động nông nghiệp của HTX trở nên khó khăn, đòi hỏi đầu tư lớn. Mặt khác, quản lý HTX khu vực ven đô với nhiều loại hình dịch vụ mới cần kiến thức và kỹ năng đa dạng từ quản lý sản xuất, tiếp thị, tài chính đến quản lý nhân lực. Trong khi vấn đề này luôn là khâu khó với các HTX nông nghiệp khi chuyển dịch từ dịch vụ nông nghiệp thuần túy sang dịch vụ thương mại, đô thị.

Đồng quan điểm, Tiến sĩ Trương Văn Dũng, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nêu: Nghịch lý đối với nhiều HTX trong quá trình đô thị hóa là nhiều diện tích đất nông nghiệp được quy hoạch đất ở, đất đô thị… song quy hoạch bị bỏ trống nhiều năm, làm khó cả nông dân và HTX. Nông dân không mặn mà sản xuất, chờ bồi thường nên HTX khó mở rộng dịch vụ...

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đức Viên, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, các HTX cần tái cấu trúc và tập trung vào các dịch vụ có sẵn. HTX nên xem xét lại mô hình hoạt động hiện tại, tập trung vào dịch vụ nông nghiệp mà họ đã phát triển thành công. Điều này bao gồm tăng cường năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp hiện có, đáp ứng nhu cầu thị trường đô thị. Ngoài ra, các HTX nên khám phá cơ hội phát triển các loại hình dịch vụ mới phù hợp yêu cầu và xu hướng của xã hội đô thị. Các dịch vụ có thể liên quan đến nông nghiệp sạch, sản xuất hữu cơ, du lịch nông nghiệp, nhà hàng nông nghiệp, thậm chí kinh doanh nông sản chế biến...

Những biện pháp này có thể giúp các HTX ven đô thích ứng và tìm ra cơ hội phát triển trong bối cảnh đô thị hóa. Tuy nhiên, mỗi HTX có thể đòi hỏi một phương pháp phù hợp tình hình và đặc thù, trong đó, quan trọng là giải pháp cần linh hoạt dựa trên tình huống cụ thể...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phát triển HTX nông nghiệp: Thách thức và cơ hội trong đô thị hóa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.