Những sản phẩm của thợ điêu khắc tạc tượng xã Sơn Đồng, Hoài Đức có mặt khắp trong Nam, ngoài Bắc, thậm chí cả nước ngoài, chiếm tới 60% thị phần trong cả nước. Nghề điêu khắc, tạc tượng, sơn son thếp vàng ở đây đã xuất hiện từ thế kỷ XVII và đã được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) công nhận làng nghề từ năm 2001.
Sản xuất đồ gỗ tại làng nghề Sơn Đồng. Ảnh: Thái Hiền |
Những sản phẩm của thợ điêu khắc tạc tượng xã Sơn Đồng, Hoài Đức có mặt khắp trong Nam, ngoài Bắc, thậm chí cả nước ngoài, chiếm tới 60% thị phần trong cả nước. Nghề điêu khắc, tạc tượng, sơn son thếp vàng ở đây đã xuất hiện từ thế kỷ XVII và đã được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) công nhận làng nghề từ năm 2001.
Có bề dày truyền thống như vậy nhưng việc phát triển làng nghề chưa được đầu tư thỏa đáng. Sự phát triển vẫn mang tính tự phát, chưa có quy hoạch cho dù địa phương đã có ý thức phát triển làng nghề nơi đây gắn với du lịch. Xã chưa có khu sản xuất tập trung, các hộ dân vẫn sản xuất trong khuôn viên chật chội của gia đình. Ông Nguyễn Như Hải, cán bộ Văn phòng UBND xã Sơn Đồng cho biết: Trước đây, địa phương đã bố trí quỹ đất rộng 42ha bám theo trục đường của xã để làm khu làng nghề và năm 2008, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) đã phê duyệt phương án tổng thể bồi thường, hỗ trợ GPMB dự án điểm làng nghề truyền thống kết hợp du lịch…
Nhưng, sau đó dự án phải dừng lại do không phù hợp với quy hoạch phân khu S2 của thành phố. Tương tự, huyện Đan Phượng có 6 cụm công nghiệp (CCN) và đến nay đều có nhu cầu mở rộng. Ngoài CCN thị trấn Phùng có quy mô lớn 35,8ha, các CCN còn lại đều là các điểm làng nghề đã hình thành từ nhiều năm trước, nhưng đều không còn đất để các doanh nghiệp mở rộng mặt bằng. Tuy nhiên, đối chiếu với quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, rất nhiều CCN của huyện Đan Phượng đều nằm trong quy hoạch vành đai xanh, vùng đô thị. Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển CCN huyện Đan Phượng Tạ Đăng Tiến cho biết: Những xã có làng nghề, CCN đang muốn xây dựng mới hay mở rộng mặt bằng sản xuất đều là những nơi có tiềm năng phát triển, người dân thật sự có nhu cầu. Căn cứ vào thực tiễn, huyện Đan Phượng đang triển khai xây dựng đất phát triển làng nghề ở xã Liên Hà, Liên Trung, nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu của người dân.
Cụ thể, đất dành cho làng nghề ở xã Liên Hà rộng 9,5ha, chia thành 170 lô nhưng có đến 400 đơn xin thuê đất; đất phát triển làng nghề xã Liên Trung rộng 8,1ha, chia thành 140 lô nhưng có hơn 300 đơn xin thuê đất. Trong khi đó, một khu đất rộng 6,8ha, kẹt giữa hai CCN Đan Phượng và CCN Đồng Tháp dù không vướng quy hoạch và đã được địa phương thực hiện các thủ tục cả năm nay nhưng vẫn chưa xong… Trong khi đó, các xã Dị Nậu, Hữu Bằng (huyện Thạch Thất) đã được UBND thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư CCN từ cuối năm 2015, nhưng đến nay vẫn chưa được công bố danh mục đầu tư nên huyện chưa kêu gọi được doanh nghiệp phát triển hạ tầng.
Huyện Hoài Đức là địa phương ở cửa ngõ Thủ đô, nằm trong vùng quy hoạch đô thị lõi và theo rà soát của Sở Quy hoạch - Kiến trúc, hầu hết các CCN đều không phù hợp vì vướng quy hoạch phân khu GS, S1, S2… Tuy nhiên, có những làng nghề vẫn rất cần được duy trì, phát triển bởi đó là thế mạnh của địa phương. Trước thực tiễn này, Chánh Văn phòng UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Xuân Lý cho hay: Gắn phát triển làng nghề với du lịch cũng là lựa chọn của huyện trong thời gian tới. Cần phải có sự rà soát hoạt động các làng nghề, đối chiếu với quy hoạch phát triển làng nghề để có định hướng. Trong khi chờ quy hoạch phát triển CCN của thành phố, huyện Hoài Đức vẫn đang chú trọng phát triển hệ thống giao thông để có sự kết nối giữa các làng nghề…
Vẫn chờ quy hoạch
Ngày 2-1-2013, UBND thành phố đã phê duyệt quy hoạch phát triển làng nghề TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2030, thành phố sẽ có 1.500 làng có nghề, phê duyệt này cũng chỉ rõ những ngành nghề nào được bảo tồn, khôi phục; địa phương nào phát triển làng nghề gắn với du lịch; làng nghề nào cần được nâng cấp cơ sở hạ tầng. Đồng thời, trong phê duyệt này cũng chỉ rõ phải tổ chức di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ra khỏi khu dân cư. Quy hoạch này có tính định hướng cho nhiều địa phương, song nhiều cơ sở sản xuất cũng không khỏi băn khoăn. Ông Nguyễn Văn Hà, Chủ tịch UBND xã Vạn Điểm (Thường Tín) cho biết: Xã Vạn Điểm nằm trong quy hoạch phân khu đô thị, nghề lại gây ô nhiễm, nhu cầu mở rộng làng nghề của người dân rất lớn nhưng do vướng quy hoạch nên rất khó. Về lâu dài, người dân làm nghề cũng không biết có phải di dời không, nếu di dời thì đi đâu?
Năm 2014, Bộ Công Thương đã thỏa thuận quy hoạch phát triển CCN trên địa bàn thành phố đến năm 2020 là 196 địa điểm. Tuy nhiên, đối chiếu với quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, các đồ án quy hoạch phân khu đô thị, quy hoạch chung xây dựng huyện, thị xã, quy hoạch chung đô thị vệ tinh… chỉ có 49 địa điểm CCN phù hợp với quy hoạch đã được UBND thành phố phê duyệt… Theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, khu vực trung tâm thành phố gồm vành đai xanh, nêm xanh (quy hoạch GS), và các quy hoạch phân khu đô thị (S1, S2, S3, S4, S5), tại đó những nhà máy, xí nghiệp nhỏ lẻ, xen kẹt trong khu dân cư phải di dời đến khu công nghiệp tập trung của thành phố, chuyển đổi quỹ đất này thành đất dân dụng; cấm phát triển cơ sở công nghiệp mới gây ô nhiễm môi trường… Đối chiếu với thực tiễn, rất nhiều địa điểm CCN, đất làng nghề đang nằm trong quy hoạch phân khu đô thị như các CCN: La Phù, Di Trạch, Sơn Đồng, Đức Giang, Lại Yên, Kim Chung (Hoài Đức); Liên Hà, Tân Hội, Tân Lập, Hồ Điền (huyện Đan Phượng)… Thành thử mong muốn mở rộng CCN đang rơi vào... ngõ cụt.
Trước những thắc mắc trên, ông Phạm Đình Dương, Trưởng ban Quản lý đầu tư phát triển các cụm, điểm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (Sở Công Thương) cho biết: Việc phát triển các CCN phải căn cứ vào nhu cầu và quy hoạch chung phát triển Thủ đô cũng như quy hoạch phát triển khu, CCN. Từ năm 2009, thành phố cũng đã có chủ trương xây dựng quy hoạch khu, CCN. Tuy nhiên, đến năm 2012, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị 07/CT, yêu cầu các địa phương chấn chỉnh công tác quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu kinh tế, khu, CCN nên việc xây dựng quy hoạch khu, CCN của thành phố tạm dừng. Đến năm 2014, Chính phủ đồng ý cho Hà Nội tiếp tục thực hiện quy hoạch, thành lập, mở rộng CCN và hiện nay công tác này đang tiếp tục được triển khai.
Như vậy, trong khi chưa có quy hoạch khu, CCN thì giải pháp mở rộng, xây dựng mới các CCN vẫn là bài toán khó. Ông Nguyễn Đăng Thịnh, Chủ tịch Hội Doanh nhân xã Tân Lập (Đan Phượng) làm tính toán: Quy hoạch chung phát triển Thủ đô có niên hạn khá dài và cũng chưa biết đến bao giờ mới được thực hiện. Trong khi đó, một năm các doanh nghiệp sản xuất ra biết bao của cải, có nhiều đóng góp cho ngân sách nhà nước. Vì quy hoạch, chúng tôi vẫn sẵn sàng thuê đất theo thời hạn trong quy hoạch của thành phố; khi quy hoạch triển khai trên thực tế, chúng tôi sẽ tìm địa điểm di dời. Trong quá trình tiếp cận với những cơ quan chức năng địa phương chúng tôi cũng nhận được quan điểm đồng nhất, đó là việc phát triển, mở rộng các làng nghề, CCN phải tuân theo quy hoạch chung của Thủ đô, nhưng cũng phải có giải pháp để mở rộng mặt bằng cho những người làm nghề có nhu cầu phục vụ sản xuất.
Với những vùng còn vướng quy hoạch vành đai xanh, nêm xanh, phân khu đô thị… các cơ quan chức năng nên xem xét để người làm nghề được đầu tư, mở rộng theo giai đoạn nhất định, gắn với phân kỳ, phân đoạn theo quy hoạch của thành phố đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Người dân các làng nghề chờ đợi đã lâu, đang hy vọng vào những quyết sách phù hợp để mang lại hiệu quả thiết thực hơn cho phát triển làng nghề.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.