Theo dõi Báo Hànộimới trên

An toàn, văn minh, thân thiện

Bắc Vũ| 03/01/2023 06:06

(HNM) - Thông tin đáng chú ý trong những ngày qua là Lễ hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức) năm 2023 sẽ chính thức khai hội theo thông lệ vào ngày 27-1, tức mùng 6 tháng Giêng năm Quý Mão.

Như vậy, sau 2 năm 2021 và 2022 phải tạm dừng do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, năm nay, không chỉ Lễ hội chùa Hương - một trong những lễ hội lớn nhất, hấp dẫn nhất cả nước, việc tổ chức trở lại các lễ hội theo phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc là tín hiệu đáng mừng cho thấy cuộc sống thường nhật đã trở lại trạng thái bình thường.

Tuy vậy, xét trong bối cảnh hiện nay, dù dịch Covid-19 đã được kiểm soát nhưng vẫn còn đó những yếu tố khó lường, trong khi đang có không ít dịch bệnh mùa đông - xuân tiếp tục lưu hành, việc tổ chức các lễ hội, sự kiện văn hóa dịp Tết Nguyên đán và đầu năm mới rất cần những giải pháp thích nghi phù hợp, vừa mang đến hiệu quả cho công tác tổ chức, vừa bảo đảm an toàn, tạo thuận lợi cho du khách tham quan. Thực tế, thực hiện tinh thần này, năm nay là lần đầu tiên Ban Tổ chức Lễ hội chùa Hương đổi mới cách thức bán vé tham quan, từ hình thức vé truyền thống sang mô hình vé điện tử. Đồng thời, sắp xếp lại các điểm bán vé, phương thức bán vé để bảo đảm thông thoáng, tạo điều kiện cho du khách tham quan, trẩy hội.

Từ những điểm mới của Lễ hội chùa Hương, nhìn rộng ra có thể thấy, việc tổ chức các lễ hội năm nay cần đặt trong bối cảnh chúng ta vừa đi qua đại dịch, từ đó, đưa ra giải pháp hướng đến các yếu tố quan trọng là: An toàn, văn minh và thân thiện.

Trước hết, yếu tố an ninh, an toàn trong mỗi lễ hội phải được đặt lên hàng đầu. Theo đó, các địa phương cần quan tâm nâng cấp, chỉnh trang hạ tầng, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn phòng, chống cháy nổ, xử lý triệt để các vi phạm về trật tự an toàn xã hội, tổ chức phân luồng giao thông, chuẩn bị cho công tác vệ sinh công cộng... nhằm bảo đảm an toàn cho mọi du khách tham dự lễ hội. Đặc biệt, cần bố trí các lực lượng thường xuyên kiểm tra, bảo vệ, giữ gìn khu di tích, phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm mọi hành vi xâm hại đến di tích. Cùng với đó, quản lý chặt chẽ hoạt động đăng ký và thông báo tổ chức lễ hội trên địa bàn; chủ động xây dựng kế hoạch, phương án chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng mọi điều kiện để lễ hội diễn ra an toàn, thiết thực và tiết kiệm.

Một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng nữa là bảo đảm việc tổ chức lễ hội văn minh, thân thiện với du khách, phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc và phong tục, tập quán tốt đẹp của từng địa phương. Trên tinh thần này, những vấn đề cần lưu ý là tổ chức lễ hội truyền thống theo đúng bản chất, ý nghĩa lịch sử văn hóa, phù hợp với thuần phong mỹ tục; loại bỏ hoặc thay thế những tập tục không còn phù hợp với xu thế hội nhập và phát triển. Đồng thời, cần phát huy tính tích cực, sáng tạo của nhân dân trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Các địa phương cũng cần định hướng tuyên truyền về giá trị, ý nghĩa giáo dục của lễ hội, di tích; vận động, thuyết phục người dân, du khách thực hiện nếp sống văn minh khi tham gia lễ hội. Lưu ý thêm là các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là hành vi lợi dụng di tích, lễ hội, tín ngưỡng để trục lợi…

Chỉ có như vậy, các lễ hội mới thực sự ý nghĩa và trên hết là bảo đảm an toàn, văn minh, thân thiện với mọi người dân.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
An toàn, văn minh, thân thiện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.