(HNMO) - Những căn hầm, đường ray được xây dựng trên vách núi cheo leo hay con đường cao tốc băng qua biển có thể bị thủy triều "nuốt chửng" sẽ thử thách lòng can đảm của bất cứ ai đi qua.
Hầm Guoliang, Trung Quốc: Dài 1,2km, hầm được xây dựng xuyên qua dải núi để dẫn đến ngôi làng cùng tên. Những năm 1970, cư dân ngôi làng này đã xây dựng căn hầm và các "cửa sổ" chỉ bằng các dụng cụ thủ công. Chiều rộng của căn hầm chỉ khoảng 4m nên lái xe phải cực kỳ cẩn thận.
Chợ "đường ray" Maeklong, Thái Lan: Thoạt đầu, chợ Maeklong cũng giống như các khu chợ khác ở Thái cho đến khi bạn nghe thấy tín hiệu của xe lửa khi đi qua đường ray nằm ngay giữa các quầy hàng. Các chủ thương sẽ dẹp sạp hàng và cuốn bạt che nắng của họ vào vài giây để nhường đường cho xe lửa chạy qua với vận tốc khoảng 15 km/h.
Đường Yungas, Bolivia: Con đường nối hai thành phố của Bolivia là La Paz và Coroico. Nằm lưng chừng núi ở độ cao từ 3.300 mét xuống 360 mét so với mực nước biển, con đường gồm nhiều đoạn dốc cao và khúc khuỷu khiến người đi qua thót tim. Chiều rộng của con đường nhiều khi bị thu hẹp đến nỗi chỉ đủ cho một chiếc xe tải.
Đường cao tốc Eyre, Australia: Nhìn con đường bằng phẳng thế này, ít ai có thể hình dung nó thực sự nguy hiểm. Con số các vụ tai nạn xảy ra ở tuyến đường dài 1.600 km này rất cao. Lí do rất đơn giản: Phong cảnh xung quanh con đường quá đơn điệu làm cho các tài xế ngủ gật trên tay lái.
Đường sắt "Mũi quỷ", Ecuador: Được dây dựng trên dãy núi đá cùng tên ở độ cao khoảng 800 mét, khách du lịch thường được ngồi trên các khoang xe lửa để trải nghiệm chuyến tàu đặc biệt này. Tuy nhiên, lộ trình này đã bị cấm hoàn toàn do quá nguy hiểm.
"Tàu đi trên mây", Argentina: Trong hành trình đường sắt dài 217 km, con tàu sẽ đi qua 21 căn hầm, 42 cây cầu và cầu cạn, 2 đường xoắn ốc và 2 đường zíc zắc. Sở dĩ con tàu có cái tên lãng mạn như vậy bởi một số đoạn đường mà nó đi qua có chiều cao "thót tim" - đôi khi con tàu đi qua cả những đám mây.
Đường Passage du Gois, Pháp: Con đường nối hòn đảo Noirmoutier với đất liền. Tuy nhiên, khi thủy triều, con đường bị nước biển cao 4 mét "nuốt trọn" và chỉ xuất hiện để lái xe đi qua hai lần một ngày.
Đường cao tốc Leh-Manali, Ấn Độ: Đường cao tốc Leh-Manali chạy qua nhiều con đèo cao từ 4 đến 5 km. Con đường rất hẹp nhưng các tài xế địa phương thường đi qua đây với vận tốc khá cao.
Đường núi Thiên Môn, Trung Quốc: Con đường dài 11 km với 99 khúc cua dẫn đến đỉnh núi Thiên Môn, nơi có đền thờ Phật. Ở một số đoạn, khoảng cách giữa hai khúc cua khá nhỏ vì vậy các lái xe phải rất cẩn thận.
Con đường qua Salar de Uyuni, Bolivia: Đường cao tốc chạy qua khu đất khô cằn Salar de Uyuni nằm ở độ cao 3.650 m so với mực nước biển. Phong cảnh xung quanh khá giống nhau nên dễ bị lạc và khi đến đây điện thoại di động thường bị mất sóng. Người du lịch đến đây thường đi theo nhóm, tránh đi một mình, đặc biệt là vào ban đêm khi nhiệt độ xuống đến -30 °C.
Cầu đường sắt Pamban, Ấn Độ: Cầu Pamban nối một phần lục địa của Ấn Độ với hòn đảo cùng tên. Năm 1964, cây cầu đã bị hư hỏng nặng bởi những cơn gió mạnh từ Eo biển Palk. Cho đến nay, khi vận tốc gió lên tới 55 km/h, đoàn tàu đi qua đường ray sẽ nhận được tín hiệu cảnh báo nguy hiểm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.