Dự án đầu tư xây dựng một phần tuyến đường 70 (đoạn từ cầu Ngà đến hết ranh giới Làng giáo dục quốc tế) và đường quanh Làng giáo dục quốc tế thuộc địa phận quận Nam Từ Liêm và một phần huyện Hoài Đức khởi công từ năm 2020 nhưng đến nay vẫn dở dang.
Dự án thi công kéo dài, trong khi đoạn đường này chật hẹp nên thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông, gây bức xúc trong dư luận...
Dự án ngổn ngang, người dân vất vả
Từ nhiều năm nay, tuyến đường 70 được coi là con đường khốn khổ của quận Nam Từ Liêm do đường nhỏ, hẹp, lưu lượng phương tiện qua lại đông đúc, thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông. Xuất phát từ thực trạng đó, năm 2011, UBND thành phố Hà Nội phê duyệt Dự án xây dựng một phần tuyến đường 70, đoạn từ cầu Ngà đến hết ranh giới Làng giáo dục quốc tế và đường quanh Làng giáo dục quốc tế (tại Quyết định số 3102/QĐ-UBND). Đến năm 2019, dự án được UBND thành phố phê duyệt điều chỉnh. Theo đó, dự án có tổng chiều dài gần 3,3km (trong đó một phần tuyến đường 70 dài hơn 1,2km), tổng mức đầu tư là 270,176 tỷ đồng do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội làm chủ đầu tư.
Ngày 11-4, ghi nhận thực tế của phóng viên Báo Hànộimới tại dự án cho thấy, dù khởi công từ năm 2020, nhưng đến nay đoạn từ đầu cầu Ngà đến lối rẽ vào ngõ 6, tổ dân phố Miêu Nha, phường Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm) vẫn chưa được triển khai. Tồn tại này đã tạo thành nút thắt cổ chai khiến lối rẽ này thành điểm đen ùn tắc giao thông. Còn đoạn từ ngõ 6 đến hết ranh giới Dự án Làng giáo dục quốc tế đã cơ bản thi công xong các hạng mục nhưng nền đường vẫn còn để ngổn ngang cống hộp các loại.
Dù dự án dở dang, nhưng do đoạn đường 70 cũ (song song với dự án đang triển khai) nhỏ hẹp, xuống cấp… nên nhiều phương tiện giao thông đã phải đi tạm trên đoạn đường thuộc dự án. Theo quan sát, có nhiều cống thoát nước trên mặt đường chưa hoàn thiện, chủ đầu tư chỉ che chắn tạm thời nên gây nguy hiểm đối với người tham gia giao thông. Cũng tại đoạn đường đã thi công, một số hộ dân phường Tây Mỗ đã chiếm dụng để tập kết máy móc, thiết bị, hàng hóa, đỗ xe, thậm chí còn sử dụng để làm bãi tập lái ô tô, xe máy.
Hằng ngày đi làm qua dự án triển khai dở dang, chị Nguyễn Thị Duyên, phường Tây Mỗ cho biết, dự án khi triển khai được kỳ vọng góp phần giảm tải cho tuyến đường, thế nhưng đáng tiếc là sau hơn 4 năm thi công dự án vẫn dở dang, khiến nhân dân bức xúc.
Tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ
Lý giải nguyên nhân chính khiến dự án chậm tiến độ, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội Đỗ Đình Phan cho hay, là do dự án gặp một số vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. “Đến nay, Ban đã phối hợp với Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Nam Từ Liêm và các đơn vị liên quan giải phóng xong 59.786,98m2/67.383,9m2 để bàn giao cho các nhà thầu triển khai thi công. Hiện còn 5.526,62m2 đất ở và đất nông nghiệp thuộc quận Nam Từ Liêm; 1.070,3m2 đất của huyện Hoài Đức chưa giải phóng mặt bằng”, ông Đỗ Đình Phan thông tin.
Để tháo gỡ vướng mắc, ngày 7-2-2024, UBND thành phố đã có Văn bản số 1636/VP-ĐT chỉ đạo UBND quận Nam Từ Liêm và UBND huyện Hoài Đức bàn giao mặt bằng sạch trước ngày 30-6-2024 cho chủ đầu tư để triển khai thi công đáp ứng tiến độ dự án.
Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, ông Đỗ Quý Dương, cán bộ Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Nam Từ Liêm cho biết, quận đã giao Trung tâm Phát triển quỹ đất quận phối hợp chủ đầu tư tập trung tháo gỡ những vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Cụ thể là đối với diện tích 9 hộ gia đình, cá nhân sử dụng khoảng 1.272m2 đất đã được quận Nam Từ Liêm ban hành quyết định thu hồi đất và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tại Dự án xây dựng trụ sở Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển (cũ), quận đã có văn bản đề nghị chủ đầu tư tổng hợp, báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc thu hồi diện tích trên, cũng như phương án hoàn trả kinh phí bồi thường, hỗ trợ đối với Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển. Với diện tích đất còn lại, Trung tâm đang tích cực phối hợp triển khai các bước giải phóng mặt bằng theo quy định.
Với huyện Hoài Đức, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện cũng đang điều tra, đo đạc, kiểm đếm đất đai, tài sản gắn liền với đất, xác nhận nguồn gốc đất của các hộ gia đình, cá nhân, từ đó hoàn chỉnh và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ để bàn giao mặt bằng cho nhà thầu triển khai thi công.
Ông Đỗ Đình Phan cho biết, chủ đầu tư đang tập trung phối hợp với UBND quận Nam Từ Liêm, UBND huyện Hoài Đức đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng; phấn đấu trước ngày 30-6-2024 sẽ hoàn thành. Khi có mặt bằng, chủ đầu tư sẽ tổ chức thi công, quyết tâm đưa dự án sớm về đích.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.