Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xứng với niềm tin yêu

Thái Hà| 23/10/2012 05:40

(HNM) - Báo Hànộimới là cơ quan của Thành ủy Đảng Cộng sản Việt Nam thành phố Hà Nội, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô. Kế thừa, phát huy truyền thống, Báo Hànộimới đang vươn lên mạnh mẽ với tầm bao quát rộng, luôn xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng bộ, chính quyền, người dân Thủ đô và cả nước.

Quỹ Trái tim nhân ái Báo Hànộimới đến với đồng bào vùng cao tỉnh Lào Cai sau một vụ sạt lở đất. Ảnh: Bá Hoạt


Hai lần được Bác Hồ đặt tên

Chỉ một ngày sau giải phóng, 11-10-1954, báo Thời Mới của Thủ đô Hà Nội đã ra số đầu tiên. Từ đó đến năm 1957 ở Hà Nội lần lượt xuất hiện thêm hai tờ báo nữa là Hà Nội hằng ngày (báo tư nhân) và Thủ Đô - chính là tiền thân của Báo Hànộimới và ngày ra số đầu của Báo Thủ Đô 24-10-1957 trở thành ngày truyền thống của Báo Hànộimới.

Lần hợp nhất đầu tiên bắt đầu bằng Thông tư số 22/TT-ĐBHN ngày 9-12-1958 của Thành ủy Hà Nội "Về việc hợp nhất hai tờ báo Thủ Đô và Hà Nội hằng ngày" thành báo của Thủ đô Hà Nội. Ngày 1-1-1959, báo Thủ Đô Hà Nội ra số 1, 4 trang, khổ 40 x 60cm, là tờ báo chính thống của Đảng bộ Hà Nội, truyền đạt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, phản ánh mọi mặt đời sống xã hội của Thủ đô.

Lần thứ hai, vào năm 1968, Báo Thời Mới và Báo Thủ Đô Hà Nội hợp nhất, chính thức mang tên Báo Hànộimới do Bác Hồ đặt và ra số 1 ngày 25-1-1968. Và lần thứ ba, hợp nhất với Báo Hà Tây ngày 1-8-2008 theo Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 ngày 29-5-2008 của Quốc hội khóa XII - mở rộng địa giới hành chính Thủ đô.

Hai lần sáp nhập trước, Bác Hồ đều trực tiếp chọn tên cho báo, còn lần thứ ba, mặc nhiên tờ báo vẫn giữ nguyên tên gọi Hànộimới, khẳng định vị thế - thương hiệu của tờ báo Đảng gắn liền với Thủ đô Hà Nội, trái tim hồng của cả nước. Điều này có thể thấy rõ ngay từ khi Báo Hànộimới xuất hiện (năm 1968), tờ báo đã trở thành vũ khí chính trị tư tưởng sắc bén của Đảng bộ và chính quyền Thủ đô Hà Nội, người bạn thân thiết của nhân dân Thủ đô. Tuy là tờ báo Đảng địa phương, nhưng Hànộimới có sức vóc của một tờ báo mang tầm quốc gia, là một trong ba tờ nhật báo ở miền Bắc (gồm báo Nhân Dân, Báo Quân đội nhân dân và Báo Hànộimới). Và ngay sau Đại thắng mùa Xuân 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, vào ngày 3-5-1975, lần đầu tiên, miền Bắc gửi 61.000 bản báo vào miền Nam, trong đó Báo Hànộimới được vinh dự góp mặt.

Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, Hànộimới cũng là tờ báo đầu tiên khởi xướng "Đổi mới báo chí địa phương trong cơ chế thị trường", đóng góp quan trọng vào xu thế "tìm đường" hoạt động của hệ thống báo Đảng địa phương lúc đó. Thực tế cho thấy, sự đổi mới của Hànộimới đã diễn ra toàn diện, đúng hướng, cả hình thức và nội dung. Bằng chứng là, vào những năm 90, Hànộimới vẫn là một trong 5 tờ báo hằng ngày của cả nước (lúc này thêm Sài Gòn Giải phóng và Hải Phòng); xuất bản thêm ấn phẩm mới: Hànộimới Chủ nhật; tòa soạn đã "thoát khỏi mối lo thường nhật về đời sống cán bộ, phóng viên". Đến năm 1995, Hànộimới đã có 4 ấn phẩm: Báo hằng ngày; báo Cuối tuần; báo Chủ nhật và nguyệt san Hà Nội Ngày nay. Năm 1999, Hànộimới mở Văn phòng đại diện tại thành phố Hồ Chí Minh; năm 2003 trình làng Hànộimới
Điện tử và năm 2004 phát hành Hànộimới Tin chiều; năm 2005 Báo Hànộimới chính thức được in ở thành phố Hồ Chí Minh, phát hành ở các tỉnh phía Nam.

Có thể nói, qua nhiều giai đoạn, Báo Hànộimới liên tục đổi mới tư duy làm báo phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ mới, tăng cường cơ sở vật chất - kỹ thuật, môi trường hoạt động báo chí, để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần phục vụ đắc lực sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Thủ đô và đất nước.

Hợp nhất để phát triển

Năm 2008, thực hiện việc hợp nhất với Báo Hà Tây, lực lượng lao động tăng đột biến trong khi số lượng ấn phẩm giữ nguyên, doanh thu giảm sút do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới. Nhưng trái với những lo ngại ban đầu, Báo Hànộimới nhanh chóng ổn định tổ chức, tất cả các ấn phẩm phát hành đều kỳ và phủ kín địa bàn mới mở rộng với lượng phát hành tăng lên 6,5 vạn tờ/kỳ; được Thành ủy Hà Nội khẳng định là một cơ quan sớm ổn định và hoàn thành tốt nhất mọi nhiệm vụ được giao sau hợp nhất.

Cũng cần nói thêm rằng trước khi về với mái nhà chung Hànộimới, Báo Hà Tây đã có lịch sử 43 năm phát triển ấn tượng ở một tỉnh lớn trong khu vực Đồng bằng sông Hồng và vùng Thủ đô. Cũng từng nhiều lần hợp nhất, chia tách do thay đổi địa giới hành chính, nhưng báo Đảng luôn xứng đáng là chiến sĩ xung kích trên mặt trật tư tưởng văn hóa. Ngày 27-5-1965, cùng với sự hợp nhất hai tỉnh Hà Đông và Sơn Tây, hai tờ báo Hà Đông và Sơn Tây được hợp nhất thành Báo Hà Tây ra số đầu tiên ngày 2-6-1965. Ngày 1-3-1976, Báo Hà Tây hợp nhất với Báo Hòa Bình thành Báo Hà Sơn Bình ra số đầu tiên ngày 3-3-1976. Tháng 10-1991, tỉnh Hà Tây được tái lập, Báo Hà Tây được thành lập lại, xuất bản số đầu tiên ngày 2-10-1991. Ngày 22-12-2003, Tỉnh ủy Hà Tây ra thông báo cho phép Báo Hà Tây xuất bản hằng ngày, xuất bản Báo Hà Tây điện tử, thành lập xưởng in, mở rộng khổ báo. Đến năm 2005, Báo Hà Tây đã có 4 loại ấn phẩm: Hà Tây hằng ngày, Hà Tây Cuối tuần, Hà Tây hằng tháng và Hà Tây điện tử. Trong sự nghiệp đổi mới, Báo Hà Tây luôn có lượng phát hành đứng đầu các báo Đảng địa phương (sau Hànộimới và Sài Gòn Giải phóng); khá nổi tiếng với các hoạt động ngoài tòa soạn như Giải chạy việt dã, Giải bóng đá thanh niên...

Từ ngày 1-8-2008 đến nay, tiếp nối truyền thống của hai tờ báo, Báo Hànộimới tiếp tục phát triển mạnh mẽ: Báo Hànộimới hằng ngày đã xuất bản bộ mới, điều chỉnh lại manchette, nâng từ 1 kỳ phóng sự/tuần lên thành chuyên đề Phóng sự - Ký sự - Tư liệu 7 kỳ/tuần; mở nhiều chuyên trang, chuyên mục mới mà tiêu biểu là "Suy ngẫm đầu tuần", "Đối thoại chủ nhật" nhằm đa dạng hóa thông tin cũng như cách tiếp cận bạn đọc. Ngày 21-7-2011 Bộ Thông tin và Truyền thông đã có quyết định cấp phép cho trang thông tin điện tử Hànộimới thành Báo Hànộimới Điện tử. Chuyên san Hànộimới Ngàn năm từ 1-2011 đã đổi tên thành Hànộimới Ngày nay ra 2 kỳ/tháng, chuyển từ khổ 20,5x28cm lên khổ 28,5x37cm. Hànộimới Điện tử không ngừng đổi mới giao diện, nâng cao chất lượng và thời gian cập nhật tin bài, từ 7-2012 đến nay Hànộimới Điện tử ra mắt bản tin truyền hình, Bản tin phát thanh được bạn đọc đánh giá cao. Cũng từ thời điểm này, Ban biên tập đã chỉ đạo thí điểm tòa soạn tích hợp để thông tin nhanh hơn nhưng nâng cao tính chính xác và tính tương tác giữa các loại ấn phẩm trong tòa soạn. Từ năm 2008 đến nay, báo hằng ngày phát hành bình quân hơn 5 vạn bản/ngày; Hànộimới Cuối tuần và Hà Nội Ngày nay mỗi ấn phẩm phát hành gần 2 vạn bản/kỳ; Hànộimới Điện tử có lượng 350.000 đến 400.000 bạn đọc truy cập/ngày.

Bên cạnh khẳng định vị thế và vai trò của mình trong công tác chuyên môn, Hànộimới còn tích cực và gặt hái nhiều thành công trong các hoạt động đối ngoại và xã hội, từ thiện. Báo Hànộimới kết nghĩa với báo Đảng Thủ đô các nước bạn như Báo Viêng Chăn May (CHDCND Lào); Bắc Kinh nhật báo (CHND Trung Hoa) đồng thời mở rộng quan hệ với Đại sứ quán các nước ở Hà Nội... Báo Hànộimới là cơ quan sự nghiệp công lập, đạt tiêu chuẩn hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001-2001, có hoạt động kinh tế báo chí lành mạnh, tự chủ tài chính từ năm 1992. So với năm 2001, đến năm 2010 tổng doanh thu của báo tăng hơn 154,4%, nộp ngân sách năm sau cao hơn năm trước. Với uy tín cao trên nhiều phương diện, báo phối hợp với Sở VH-TT&DL tổ chức thành công 39 mùa Giải chạy Báo Hànộimới. Từ năm 2000 giải được mang tên "Giải chạy Báo Hànộimới - Vì hòa bình", hằng năm thu hút hàng chục vạn người từ khắp thôn làng, trường học, cơ quan đơn vị tham gia. Tháng 9-2012, báo lại tổ chức thành công Giải bóng bàn tranh cúp Báo Hànộimới lần thứ nhất, góp phần khơi dậy cho phong trào bóng bàn của Hà Nội. Bạn đọc và cộng đồng cả nước còn biết đến Báo Hànộimới là một địa chỉ đỏ cho các tấm lòng từ thiện với Quỹ Trái tim nhân ái. Nhiều cuộc vận động, chương trình từ thiện lớn có tiếng vang như "Lửa ấm về các miền quê"; "100 chiếc xe lăn cho người tàn tật"; "Cứu lấy những trái tim non"; huy động và chuyển hàng chục tỷ đồng cứu trợ người dân vùng bị thiên tai, giúp đỡ nhiều gia đình chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn khắp cả nước; ủng hộ nạn nhân động đất, sóng thần ở Nhật bản... được đánh giá cao và để lại dấu ấn sâu sắc.

Ghi nhận những thành tích ấn tượng đó, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng Báo Hànộimới 8 Huân chương Lao động các hạng; 3 Huân chương Độc lập các hạng; Huân chương Hồ Chí Minh. Gần đây nhất, năm 2012, Báo Hànộimới đã được Hội đồng Thi đua - Khen thưởng thành phố đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Khẳng định thương hiệu, hướng tới truyền thông đa phương tiện

Để bắt kịp và phát triển hơn nữa xu thế hội nhập toàn cầu, quán triệt quan điểm của Đảng và Nhà nước về phát triển báo chí, Báo Hànộimới đã và đang từng bước tái cấu trúc mô hình theo hướng cơ quan truyền thông đa phương tiện. Quy hoạch phát triển Báo Hànộimới đến năm 2015, tầm nhìn 2020 xác định các mục tiêu: Trở thành cơ quan truyền thông đa phương tiện, đa sản phẩm của thành phố Hà Nội, phát hành rộng rãi các ấn phẩm trên địa bàn cả nước. Đào tạo và phát triển được đội ngũ cán bộ báo chí vững về bản lĩnh chính trị, giỏi về nghiệp vụ; đủ tầm, đáp ứng cả trước mắt và lâu dài. Hànộimới phải trở thành tờ báo Đảng có tiềm lực mạnh về tài chính để đủ lực đầu tư cho hoạt động ngày càng đa dạng, sâu rộng. Phát huy thương hiệu Hànộimới để mở rộng phạm vi hoạt động trên nhiều lĩnh vực truyền thông, đẩy mạnh phát triển kinh tế báo chí, tăng cường tổ chức sự kiện và các hoạt động xã hội khác. Theo đó, sẽ tiến tới xuất bản thường xuyên 5 ấn phẩm báo in, bao gồm: 2 tờ nhật báo, 1 tờ tuần báo, 1 tờ nguyệt san, 1 tờ bán nguyệt san; phát triển mạnh báo Điện tử (HNMO). Các ấn phẩm báo in sẽ không chỉ đáp ứng yêu cầu thông tin thời sự chính trị, mà sẽ có các ấn phẩm chuyên sâu cho từng đối tượng bạn đọc, đáp ứng nhu cầu thông tin đa dạng về kinh tế, văn hóa, giải trí... với chất lượng cao. HNMO sẽ phát triển mạnh hơn cả bản tiếng Việt và tiếng nước ngoài. Hànộimới sẽ phát triển văn phòng đại diện ở các vùng trong nước và nước ngoài; đầu tư cơ sở vật chất hiện đại và khẳng định mô hình tòa soạn điện tử tích hợp hoạt động hiệu quả nâng cao chất lượng thông tin và tính tác giữa các loại hình báo chí in, điện tử, phát thanh truyền hình...

Hànộimới đang hướng tới tương lai với tư duy mới, viết tiếp và làm đẹp những trang sử vàng của tờ báo Đảng Thủ đô trong niềm tin yêu của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thủ đô và cả nước.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xứng với niềm tin yêu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.