(HNM) - Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu thủy sản Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn, tuy kim ngạch tăng nhưng chứa đựng nhiều rủi ro do giá xuất khẩu giảm, nguyên liệu thiếu trầm trọng, sản phẩm liên tiếp bị cảnh báo về dư lượng kháng sinh… Chỉ còn hơn 3 tháng là kết thúc năm 2012, liệu xuất khẩu thủy sản có đạt kim ngạch 6,5 tỷ USD như kỳ vọng?
Chế biến cá ba sa xuất khẩu tại Công ty CP Thủy sản An Giang. Ảnh: Mai Vy |
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), 8 tháng năm 2012, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 3,98 tỷ USD, tăng 5,8% so cùng kỳ năm 2011. Dự báo xuất khẩu thủy sản 9 tháng năm 2012 sẽ đạt 4,7 tỷ USD. Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP cho rằng, từ nay đến cuối năm là thời điểm các nhà nhập khẩu sẽ tăng cường nhập các mặt hàng như cá tra, tôm để phục vụ mùa Noel và đón năm mới 2013 nên giá trị xuất khẩu thủy sản trong quý IV có điều kiện tăng trưởng cao nhất. Tuy nhiên, ngành thủy sản đang đối mặt với nhiều khó khăn, xuất khẩu tại các thị trường truyền thống Mỹ, EU, Nhật Bản… giảm mạnh, thị trường Châu Âu (EU) sức mua thấp nên giá trị giảm từ 12 đến 13,7%, Nga giảm 19,5%, Nhật Bản giảm 8-9%... so cùng kỳ năm 2011.
Mặc dù các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu trong nước đã nâng cao chất lượng sản phẩm nhưng 8 tháng qua, đã có 38 lô hàng thủy sản của Việt Nam bị cảnh báo chất lượng tại thị trường EU, Nhật Bản, Mỹ. Tình trạng lạm dụng hóa chất trong nuôi trồng thủy sản vẫn chưa chấm dứt. Trong tháng 8 vừa qua, các địa phương lấy 374 mẫu xét nghiệm, phát hiện 3 mẫu thủy sản nhiễm hóa chất, kháng sinh cấm. Ngoài ra, những rào cản thương mại về thuế tại thị trường EU, quy định sử dụng hóa chất Ethoxyquin ở Nhật Bản vẫn chưa được giải quyết… gây khó khăn cho DN khi xuất khẩu sang các nước này. Bên cạnh đó, các DN thủy sản thiếu vốn để mở rộng thị trường, dịch bệnh trên tôm nuôi vẫn xảy ra nhiều ảnh hưởng tới nguồn nguyên liệu. Theo ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, hiện nay diện tích nuôi tôm bị nhiễm bệnh của cả nước đạt gần 70.000ha, bằng 89,1% so cùng kỳ năm 2011. Đến nay vẫn chưa tìm được nguyên nhân chính xác bệnh hoại tử trên tôm mà chỉ nghi là do ô nhiễm môi trường vùng nuôi. Do thiếu nguyên liệu sản xuất nên các nhà máy chỉ hoạt động cầm chừng với công suất 40-50%...
Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản Phùng Hữu Hào cho biết, Cục đang phối hợp với các đơn vị liên quan để xử lý các lô hàng xuất khẩu thủy sản bị cơ quan thẩm quyền của Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Nga cảnh báo về chất lượng. Bộ NN&PTNT sẽ kiên quyết xử lý những DN có hàng thủy sản không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, gây ảnh hưởng chung tới toàn ngành. Bộ sẽ tăng cường kiểm tra việc ướp chất urê ở sản phẩm thủy sản cá biển, sẽ xử lý nghiêm theo quy định không để "con sâu làm rầu nồi canh".
Các ngành cần phối hợp với chính quyền địa phương phổ biến cho DN và nông dân áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với cơ sở sản xuất kinh doanh, chế biến thủy sản về quản lý an toàn thực phẩm. Thường xuyên kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các quy định an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh, chế biến xuất khẩu. Xử lý nghiêm vi phạm quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm, cạnh tranh không lành mạnh làm ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm thủy sản Việt Nam gây thiệt hại lợi ích chung của cộng đồng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.