Nông nghiệp - Nông thôn

Xuất khẩu thủy sản dự kiến vượt 4,4 tỷ USD, kỳ vọng được gỡ thẻ vàng IUU

Đỗ Minh 24/06/2024 - 18:32

Bộ NN&PTNT dự kiến, 6 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 4,4 tỷ USD, tăng 6% so cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu thủy sản dần khôi phục tại nhiều thị trường, tuy nhiên vấn đề chất lượng, tháo gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC) đối với một số mặt hàng đang là vướng mắc cần sớm giải quyết.

Dự báo kim ngạch xuất khẩu hơn 4,4 tỷ USD

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản cả nước đạt 3,6 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến, 6 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản có thể đạt trên 4,4 tỷ USD.

Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Đình Hòa cho biết: Từ đầu năm đến nay, trong các sản phẩm thủy sản chính có mực, bạch tuộc và các loại cá (cá biển, cá nước ngọt) có giá trị xuất khẩu thấp hơn so cùng kỳ năm ngoái. Song xuất khẩu tôm và cá tra tăng nhẹ (lần lượt là 7% và 4%); xuất khẩu cua, ghẹ tăng mạnh nhất (84%), cá ngừ cũng tăng tích cực (22%), xuất khẩu nhuyễn thể có vỏ tăng 13%.

df95e291d601755f2c10.jpg
Tôm là một trong những mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao của ngành thủy sản. Ảnh: Minh Đỗ

Hiện, 4 thị trường lớn nhất nhập khẩu thủy sản Việt Nam là: Hoa Kỳ Trung Quốc, Nhật Bản và EU. Tuy nhiên, từ đầu năm, chỉ thị trường Hoa Kỳ có dấu hiệu tích cực với mức tăng trưởng 7% trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản và EU tương đương cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu sang Hàn Quốc tăng nhẹ (2%).

Giai đoạn 2010-2023, giá trị sản xuất ngành thủy sản tăng trưởng 4-5%/năm; thu nhập bình quân đầu người tăng 2,5 lần; kim ngạch xuất khẩu có tốc độ tăng trung bình khoảng 6,1%/năm.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu mặt hàng này. Năm 2024, ngành thủy sản phấn đấu xuất khẩu đạt 10 tỷ USD. Song, thách thức lớn nhất đối với thủy sản Việt Nam vẫn là chất lượng và cảnh báo từ Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Việc vướng cảnh báo thẻ vàng IUU đang là cản trở lớn để xuất khẩu thủy sản tăng trưởng bền vững.

Sớm gỡ thẻ vàng IUU

Đầu tháng 6-2024, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) tổ chức hội nghị với sự tham gia của hơn 250 doanh nghiệp hội viên và đại diện các bộ: Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công Thương, Tài chính, Ngoại giao… Ngoài vấn đề thị trường, giải pháp trong nuôi trồng, xuất khẩu, việc gỡ thẻ vàng IUU từ EC được nhiều doanh nghiệp quan tâm.

1b423b7a0feaacb4f5fb.jpg
Nhiều loại cá Việt Nam được thị trường thế giới ưa chuộng. Ảnh: Minh Đỗ

Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Việt Nam Trần Đình Luân thông tin, kể từ khi EC cảnh báo “thẻ vàng” đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam, giá trị xuất khẩu vào thị trường EU sụt giảm bình quân 6-10%/năm. Trước kia, EU là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam (chiếm 17-20% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản), đã tụt xuống vị trí thứ 5 (sau Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc và ASEAN).

Đối với nỗ lực gỡ thẻ vàng IUU, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, trong đợt kiểm tra lần thứ 4 của Đoàn Thanh tra EC vào tháng 10-2023, kết quả triển khai công tác chống khai thác IUU có sự tiến bộ so với trước nhưng chưa giải quyết dứt điểm tồn tại, hạn chế nên chưa thể gỡ được cảnh báo “thẻ vàng”.

“Hiện đang là đợt kiểm tra của EU với thủy sản Việt Nam, chúng ta kỳ vọng vấn đề này sẽ được tháo gỡ. Đây là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết”, ông Tiến nhấn mạnh.

6c295a116e81cddf9490.jpg
Việt Nam đang dần mở rộng thị trường xuất khẩu cua, ghẹ. Ảnh: Minh Đỗ

Để chủ động đối với việc tháo gỡ thẻ vàng IUU cho thủy sản Việt Nam, những năm qua, Bộ NN&PTNT phối hợp các địa phương kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác theo yêu cầu từ thị trường thế giới. Mới đây, Bộ công bố Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 389/QĐ-TTg ngày 9-5-2024 của Thủ tướng Chính phủ. Mục đích quy hoạch hướng tới phát triển khai thác thủy sản bền vững, có trách nhiệm, phù hợp yêu cầu hội nhập quốc tế; bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, chủ động phòng, chống thiên tai; góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, bảo đảm an sinh xã hội; bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, an ninh, trật tự và lợi ích quốc gia trên sông, biển của Việt Nam.

Đối với bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, Quy hoạch đặt mục tiêu 27 khu bảo tồn biển được thành lập và hoạt động hiệu quả với tổng diện tích vùng biển được khoanh vùng bảo tồn khoảng 463.587ha. Ngoài ra, cả nước cũng quy hoạch, xác định 149 khu vực vùng biển (59 khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, 63 khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn, 27 khu vực cư trú nhân tạo cho các loài thủy sản) và 119 khu vực nội địa (66 khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, 53 khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn) được khoanh vùng bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ khu vực tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non tập trung sinh sống...

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, đối với khai thác thủy sản, phấn đấu tổng số tàu cá tối đa khoảng 83.600 chiếc; cơ cấu nghề khai thác thủy sản bao gồm nghề lưới kéo chiếm 10%, nghề lưới vây 6,1%, nghề lưới rê 40,3%, nghề câu 18,9%, nghề lưới chụp 3,0%, nghề lồng bẫy 2,9%...

d62aea1bde8b7dd5249a.jpg
Doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam nâng cao năng lực bảo quản, chế biến đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu. Ảnh: Minh Đỗ

Với những nỗ lực trên, ngành thủy sản Việt Nam kỳ vọng EC sớm gỡ thẻ vàng IUU nhằm thúc đẩy thủy sản phát triển, trở thành chủ lực của xuất khẩu nông sản Việt Nam.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xuất khẩu thủy sản dự kiến vượt 4,4 tỷ USD, kỳ vọng được gỡ thẻ vàng IUU

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.